Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Khi an ninh quốc gia bị "tự do ngôn luận" đe dọa


Cảm ơn báo Nhân dân đã biên tập và đăng tải bài viết Tự do ngôn luận và an ninh quốc gia? của tôi. Đây là một vinh dự và sự động viên, chia sẻ quý báu. Mong rằng quý báo luôn là nơi phản ánh những tiếng nói, quan điểm thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc của người dân trong và ngoài nước, đem cái nhìn khách quan, đa chiều đến với độc giả.
Trân trọng,
Nguyễn Biên Cương
=====

Các sự kiện diễn ra dồn dập trên thế giới liên quan việc tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo bị tiến công đã và đang khiến dư luận lo ngại do quan hệ trực tiếp tới an ninh quốc gia. Ở Việt Nam, một số người lại tiếp cận sự kiện từ góc độ tiêu cực, coi đó là cơ hội đòi hỏi về cái gọi là "tự do ngôn luận không giới hạn". Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo bài viết của tác giả NGUYỄN BIÊN CƯƠNG mới gửi tới Báo Nhân Dân đề cập vấn đề này.
Thế giới phương Tây đang rung chuyển về việc các tay súng tự xưng thành viên al-Qeada đã xông vào và xả súng ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, khiến 12 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Tạp chí này từng bị tiến công năm 2011 khi đăng bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Sau đó, nước Pháp để quốc tang, các quốc gia trong Liên hiệp châu Âu treo cờ rủ tưởng niệm. Hàng nghìn người Pháp xuống đường biểu thị sự đoàn kết, mọi người mang theo biểu ngữ "Tôi là Charlie". Dòng chữ này cũng được bật sáng trên các bảng điện tử cỡ lớn. Nhiều trang báo Pháp chuyển sang nền đen, đăng trên trang nhất dòng chữ lớn "Tôi là Charlie" để tưởng nhớ đồng nghiệp. Tại Anh, Ðức, Bỉ, I-ta-li-a,... công chúng cũng xuống đường. Hàng triệu bản của tờ báo biếm họa sau vụ khủng bố đã được mua như cách thức ủng hộ nạn nhân.
Ở Việt Nam nhóm người tự nhận là "đấu tranh dân chủ", rồi trang web, đài báo của người Việt ở nước ngoài có thái độ thù địch cũng triệt để khai thác sự kiện để ca ngợi "tự do ngôn luận", cho rằng giá trị này có tính tuyệt đối, được thế giới bảo vệ để vu cáo Nhà nước Việt Nam "đàn áp tự do ngôn luận". Trên internet còn lưu truyền hình ảnh một nhóm bóng đá cùng một ông được gọi là "nhân sĩ trí thức" giương biển "Tôi là Charlie" cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh và cố kèm theo khẩu hiệu "ăn theo" như "Tôi là Ba Sàm", "Tôi là Bọ Lập",... Hành động này bị cộng đồng mạng vạch trần, vì đó là thủ đoạn không khác mấy so với việc họ từng ra đường thể hiện "lòng yêu nước" nhưng lại giơ khẩu hiệu ca ngợi, đòi trả tự do mấy kẻ phạm tội trốn thuế, gây rối trật tự công cộng đã bị cơ quan pháp luật xử lý như Lê Quốc Quân, Bùi Thị Minh Hằng,... Thậm chí tối 11-1, BBC đưa tin có hai vị "nhân sĩ trí thức" đến Ðại sứ quán Pháp ở Hà Nội mang theo khẩu hiệu tương tự khẩu hiệu đã trưng trên sân bóng, tự cho rằng việc làm của họ "đại diện cho những người trí thức dân chủ yêu tự do của Việt Nam"! Một số kẻ khác lại trưng ra vài bức ảnh trên trang bìa tờ Le Monde của Pháp đăng những bức ảnh dâm dục, tục tĩu chế nhạo các vị nguyên thủ của nước Nga, nước Pháp,... để chứng minh tự do ngôn luận không giới hạn là mục tiêu của thế giới văn minh!? Việc làm này không khác mấy so với sự lố bịch mà chính họ đã trình diễn năm 2014, khi xảy ra sự kiện ở Hồng Công (Trung Quốc) năm 2014, họ cũng sắm áo phông có in chữ ủng hộ loằng ngoằng, đeo khẩu trang, hè nhau ra đường hô khẩu hiệu, rốt cuộc là tẽn tò vì hô hào mãi cũng chẳng thấy ai tham gia.
Nhìn lại lịch sử, thì từ năm 1970, tờ tiền thân của Charlie Hebdo chạy tít chế giễu để bình luận cái chết của Sác-lơ Ðờ Gôn (Charles de Gaulle), nó đã bị Bộ Nội vụ Pháp cấm ngay lập tức, sau đó tái sinh dưới cái tên Charlie Hebdo như ngày nay. Xtê-phan Xác-bon-ni-ơ (Stéphane Charbonnier), tổng biên tập tạp chí, cũng hiểu rõ mối nguy hiểm mà ông và cộng sự "sống chung". Charbonnier, bút danh là "Charb", có tên trong danh sách những người bị săn tìm nhất của al-Qaeda từ năm 2012. Ngay từ năm 2011, ông đã có vệ sĩ riêng, tòa báo của ông từng bị đốt cháy sau khi hình đấng tiên tri Mohammed được đăng trên trang chủ của tạp chí. Cũng năm 2012, khi Charlie Hebdo dự định xuất bản một loạt tranh biếm họa gây tranh cãi, thí dụ vẽ Mohammed không mặc quần áo hoặc ngồi xe lăn được một người Do thái đẩy... Chính phủ Pháp đã yêu cầu Charlie Hebdo từ bỏ ý định, nhưng Charlie Hebdo vẫn không từ bỏ ý định. Sau khi các bức tranh được công bố, Pháp cho đóng cửa đại sứ quán, trung tâm văn hóa, trường học tại 20 nước vì lo bị trả thù.
Các "fan cuồng tự do phương Tây" ca ngợi đây là hành động của một quốc gia chấp nhận tổn thất cực lớn chỉ để bảo đảm một nhóm công dân nhỏ được nói cái mà họ muốn nói!!! Một số ý kiến cho rằng, không hẳn năm 2012 Chính phủ Pháp chấp nhận tổn thất kinh tế, ngoại giao để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Rất có thể, thời điểm đó họ biết có cấm cũng không được, vì đó là thời điểm Charlie Hebdo đã đủ nổi tiếng để huy động dư luận xã hội ủng hộ họ kiện nếu như lệnh cấm được đưa ra. Năm 2012, các thẩm phán ở tòa án tối cao có thể có quan điểm về tự do ngôn luận cứng rắn hơn thời điểm năm 1970. Ðóng cửa đại sứ quán, trung tâm văn hóa,... chỉ là việc làm bất khả kháng, bởi có thể khi đó Chính phủ Pháp cũng biết họ sẽ thua nếu vụ kiện được tiến hành. Ở thời điểm này, một nhóm Ðạo hồi ở Pháp đưa đơn kiện các nội dung về Mohammed trên Charlie Hebdo nhưng bị tòa án Pháp bác bỏ. Người theo Hồi giáo đã phải dùng đến công cụ pháp lý, song bất lực tại Pháp - nơi việc cấm móc máy hoặc bôi nhọ các biểu tượng tôn giáo hoặc dân tộc đã được đưa vào quy định pháp luật, trong đó có việc bài xích hoặc bôi nhọ người Do thái bị diệt chủng sẽ bị coi là tội ác.
Mỹ và phương Tây cũng đang bị chia rẽ chung quanh quan điểm giới hạn tự do ngôn luận sau vụ khủng bố. New York Times là một trong nhiều báo phương Tây không đăng lại các bức biếm họa của Charlie Hebdo sau khi vụ thảm sát xảy ra. Nhiều độc giả New York Times giận dữ cho rằng, tờ báo của họ hèn nhát, thiếu tinh thần đoàn kết với Charlie Hebdo và tự do ngôn luận. Giải thích vấn đề này, New York Times có bài Tôi không phải là Charlie Hebdo (I Am Not Charlie Hebdo!) trong đó cho rằng "Tự do ngôn luận nhưng cần tôn trọng niềm tin của người khác". Hen-ri Ra-xen (Henri Roussel), 80 tuổi, người sáng lập tờ Charlie Hebdo năm 1970, đã viết cho vị tổng biên tập quá cố: "Tôi thực sự phản đối anh". Trên tạp chí Nouvel Obs ngay sau vụ khủng bố cũng đăng bài Tôi biết mọi thứ chưa xong của ông Roussel với bút danh Delfeil de Ton, cho rằng: "Ðiều gì đã khiến ông ấy thấy cần thiết khi kéo cả đội vào việc cường điệu hóa nó". Nội dung bài báo cho thấy ông Roussel bất đồng với tạp chí Charlie Hebdo khi nó bị biến thành một cơ quan có tư tưởng bài Hồi giáo và theo chủ nghĩa phục quốc Do thái. Hôm 7-1, Financial Times (Anh) đăng bài cho rằng Charlie Hebdo từ lâu đã có thiên hướng "chế giễu, gây hấn và khiêu khích" người Hồi giáo qua những bức biếm họa của mình, Charlie Hebdo không xứng đáng với những lời tung hô bảo vệ quyền tự do ngôn luận dành cho họ.
Mỗi dân tộc có quan niệm riêng về giá trị. Với người theo Hồi giáo thì Ðấng tiên tri Mohammed có giá trị gấp vạn lần mạng người. Vì vậy, trong mắt họ Charlie Hebdo là một trong những "kẻ khủng bố tinh thần hàng loạt", quan niệm đó có thể so sánh không khác gì quan niệm của phương Tây về al-Qaeda là tổ chức khủng bố. Hiện người Hồi giáo chiếm 10% dân số nước Pháp, nhưng 30% người trẻ dưới 20 tuổi ở Pháp là Hồi giáo, tỷ suất sinh của người Hồi giáo ở Pháp từ bốn đến năm, còn người Pháp chỉ dưới 1,5, thua xa tỷ lệ cần thiết để duy trì. Viễn cảnh Hồi giáo thống trị nước Pháp như trong cuốn sách của M.Hô-lê-béc (M.Houellebecq) công bố gần đây liệu có phải là không còn xa? Hơn 400 người Pháp đầu quân cho IS đang sống hoặc trở về trà trộn vào quê hương liệu có trở thành mối đe dọa an ninh tiềm tàng, thường trực giữa hai thái cực cuồng tín đạo Hồi và cuồng tín tự do ngôn luận?
Sau vụ khủng bố, khi mà nhiều người dân ở các quốc gia phương Tây xuống đường biểu thị đoàn kết và ủng hộ tạp chí Charlie Hebdo thì tại các nước có đông người Hồi giáo như Phi-li-pin, Thổ Nhĩ Kỳ... người dân lại đổ xuống đường biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo với những thông điệp như "Tự do ngôn luận không phải là việc xúc phạm đến chúa trời và nhà tiên tri vĩ đại của Allah". Na-xơ An An-xin (Nasr al-Ansi), một thủ lĩnh của al-Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm và coi vụ tiến công ở Charlie Hebdo để "trả thù cho nhà tiên tri", cảnh báo Pháp sẽ hứng chịu thêm nhiều "thảm kịch và khủng bố" khi các chính phủ "thông đồng với nhau với lý do "tự do báo chí" hoặc "tự do tư tưởng"...". Al-Ansi và nhiều nhóm cực đoan, khủng bố Hồi giáo cũng kêu gọi thanh niên Hồi giáo "nổi dậy", miêu tả các vụ tiến công là "điểm bước ngoặt trong lịch sử đối đầu". Hiện tại, an ninh không chỉ ở Pháp mà cả Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đặt trong tình trạng báo động cao nhất, nguy cơ về các vụ khủng bố tiếp tục nổ ra tại bất cứ nơi đâu ở lục địa này, giống như các quả "bom hẹn giờ"... Ðó có phải là dấu hiệu cho thấy vụ khủng bố chống lại một tòa báo đang được đẩy thành xung đột mạnh mẽ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo?
Giới học giả đã bắt đầu bình luận về việc không thể đấu tranh với cực đoan bằng tư duy cực đoan. Ðành rằng, không ai ủng hộ sử dụng bạo lực và khủng bố. Ðây là hành động rất đáng lên án, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng xét sự việc dưới nhiều góc độ, không có cách giải quyết mang tính nhân văn thì xung đột xã hội sẽ bùng nổ hoặc sẽ âm ỉ như quả bom hẹn giờ.
Thảm kịch tại tòa soạn Charlie Hebdo và các nguy cơ an ninh lại làm dấy lên câu hỏi: Khi nào các tuyên bố hoặc những lời châm biếm đi quá giới hạn, trở thành lời lẽ có tính chất khiêu khích, thậm chí gây hận thù, cũng như liệu những lời lẽ ấy có thể được "khuyến khích" dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do ngôn luận hay không? Và đến hôm nay, ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói về việc phải đặt ra các giới hạn để hạn chế hành động của những ai đó luôn "vỗ ngực" ủng hộ, cổ vũ cho tự do ngôn luận một cách thái quá.
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/25418002-khi-an-ninh-quoc-gia-bi-tu-do-ngon-luan-de-doa.html

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Tự do ngôn luận và an ninh quốc gia?



Thế giới phương Tây đang rung chuyển về ba tay súng tự xưng là thành viên Al-Qeada xông vào và xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo tại Paris, khiến 12 người, trong đó có tổng biên tập, thiệt mạng, và 10 người bị thương. Nguyên nhân được cho là dòng tweet gần đây nhất của tạp chí Charlie là một bức ảnh biếm họa về lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi.Tạp chí từng bị tấn công năm 2011 khi đăng biếm họa về nhà tiên tri Mohammad của đạo Hồi. 


Ngay lập tức, Tạp chí Charlie Hebdo trở thành công dân danh dự của Paris. Hàng nghìn người Pháp ở khắp các thành phố Paris, Lyon, Bordeaux, Nancy, Rennes, Grenoble... đổ xuống đường phố tuần hành biểu thị sự đoàn kết với tạp chí. Mọi người mang theo biểu ngữ "Tôi là Charlie". Dòng chữ này cũng được bật sáng trên các bảng điện tử cỡ lớn. Nhiều trang báo Pháp chuyển sang nền đen và đăng trên trang nhất dòng chữ lớn "Tôi là Charlie" để tưởng nhớ các đồng nghiệp.Tại các nước Anh, Đức, Bỉ, Italy .., công chúng cũng đổ xuống đường, thắp nến, mang biểu ngữ biểu thị sự đoàn kết với tạp chí bị tấn công.

Nhìn lại lịch sử…

Stéphane Charbonnier, tổng biên tập tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, hiểu rõ mối nguy hiểm mà ông và cộng sự đang "sống chung". Charbonnier, bút danh là "Charb", có tên trong danh sách những người muốn săn tìm nhất của al-Qaeda từ năm 2012. Từ năm 2011, ông này đã có vệ sĩ riêng.
Năm 2012, Charlie Hebdo dự định xuất bản một loạt tranh biếm họa gây tranh cãi, ví dụ vẽ Muhammad cởi truồng, hoặc ngồi xe lăn được một người Do Thái đẩy v.v... Chính phủ Pháp khẩn khoản đề nghị Charlie Hebdo từ bỏ ý định, nhưng Charlie Hebdo khước từ. Sau khi các bức tranh được công bố, Pháp cho đóng cửa đại sứ quán, trung tâm văn hoá và trường học ở 20 nước vì lo sợ bị trả thù. Fan cuồng tự do phương Tây ca ngợi đây là hành động của một quốc gia chấp nhận tổn thất kinh tế, ngoại giao v.v... cực lớn chỉ để đảm bảo một nhóm công dân nhỏ được nói cái mà họ muốn nói!!! 

Tuy nhiên, năm 1970, khi tờ tiền thân của Charlie Hebdo chạy tít chễ giễu để bình luận về cái chết của Charles de Gaulle, nó đã bị Bộ Nội vụ Pháp cấm ngay lập tức. (Và sau đó tái sinh dưới cái tên Charlie Hebdo ngày nay). Một số ý kiến cho rằng, không hẳn chính phủ Pháp 2012 chấp nhận tổn thất kinh tế, ngoại giao để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Rất có thể ở thời điểm đó họ biết có cấm cũng không được, Charlie Hebdo năm 2012 đã đủ nổi tiếng để huy động dư luận xã hội ủng hộ họ kiện chống lại lệnh cấm nếu nó được đưa ra. Các thẩm phán ở toà án tối cao vào năm 2012 có thể có quan điểm về tự do ngôn luận cứng rắn hơn thời điểm 1970. Đóng cửa đại sứ quán, trung tâm văn hoá... chỉ là bất khả kháng vì chính phủ 2012 biết họ sẽ thua trong vụ kiện đó. Được biết, thời điểm này từng có nhóm Đạo hồi ở Pháp đã có đơn kiện về các nội dung về Muhammad trên Charlie Hebdo nhưng bị toà án Pháp bác. Công cụ pháp lý người Hồi giáo đã dùng đến và bất lực ở Pháp – nơi chỉ có luật cấm bài/ chỉ trích các tôn giáo khác (đạo Thiên chúa, Do thái...) nhưng lại không có đề cập đến Islam

New York Times là một trong số rất ít báo phương Tây không đăng lại các bức biếm học của Charlie Hebdo sau khi vụ thảm sát xẩy ra. Ban biên tập đã cần một ngày để đi tới quyết định này, và trong thời gian đó đã thay đổi quan điểm 2 lần. Rất nhiều độc giả của New York Times giận dữ cho rằng tờ báo của họ hèn nhát và thiếu tinh thần đoàn kết với Charlie Hebdo và tự do ngôn luận. Biện minh cho vấn đề này, New York Times  có bài viết cho rằng “Tự do ngôn luận nhưng cần tôn trọng niềm tin của người khác” trong bài báo “I Am Not Charlie Hebdo!”

Còn An ninh quốc gia?

Mỗi dân tộc có khái niệm riêng về giá trị. Với người Hồi giáo Đấng tiên tri Muhammad có giá trị gấp vạn lần mạng người, vì vậy trong mắt họ Charlie Hebdo là một trong những kẻ khủng bố tinh thần hàng loạt, quan niệm đó có thể được so sánh không khác gì quan niệm của phương Tây về Al qaeda là tổ chức khủng bố.

Hiện người Hồi giáo chiếm 10% dân số nước Pháp, nhưng 30% người trẻ dưới 20 tuổi ở Pháp là Hồi Giáo, tỉ suất sinh của người Hồi Giáo ở Pháp đến 4-5 hay hơn, còn người Pháp chỉ dưới 1.5, thua xa tỉ lệ cần thiết để duy trì.Viễn cảnh Hồi giáo thống trị nước Pháp như Michel Houellebecq viết sẽ không còn xa. 

Nay hơn 400 người Pháp tham gia đầu quân cho IS đang sống hoặc trở về trà trộn vào quê hương trở thành mối đe dọa an ninh tiềm tang, thường trực giữa hai thái cực cuồng tín đạo Hồi và cuồng tín tự do ngôn luận?

Nhiều người thử phép so sánh nhỏ. Nước Nhật – Trung - Hàn bao năm gầm ghè nhau mỗi khi chính khách Nhật đến viếng đền thờ tội phạm chiến tranh Yasukini Shrine ở Tokyo! Ở Việt Nam chỉ có vài bài báo viết về có tính kỳ thị vùng miền thôi mà dư luận đã sôi sục lên rồi, nói chi đến đức tin của người Hồi giáo bị xúc phạm và cả thế giới Phương Tây đang cổ vũ cho nó bằng việc mua hàng triệu ấn bản mới của Charlie Hebdo và đăng lại hình ảnh chế giễu Hồi giáo của Charlie Hebdo!
Vụ việc này cho ta liên hệ tới vụ sát hại thanh niên da đen vừa qua của cảnh sát Mỹ nhưng được Tòa án tuyên vô tội và Chính phủ Obama bó tay, đối phó với bạo động trên khắp đất nước! Tức khi người “yếu thế” không thể đòi “công bằng” bằng công lý thì dường như bạo lực, khủng bố là con đường cùng để giải thoát bế tắc. Nhiều ý rằng, báo NYT không đăng lại hình biếm họa Charlie Hebdo  là họ có tư vấn kỹ càng với các cơ quan an ninh quốc gia, và tại thời điểm này họ đặt cái đó lên trên. Vụ Twin Towers tuy xa mà vẫn gần!

Chuyện này lại làm ta nhớ lại vụ Đoàn Văn Vươn, tuy không thật giống, nhưng phản ứng của những người “yếu thế” khi bị dồn đến chân tường thì cũng tương tự nhau. Việc dùng bạo lực để phản ứng thì không ai ủng hộ và phải chịu sự từng phạt của pháp luật, nhưng xét sự việc thì cũng cần nhìn dưới nhiều góc độ, không có cách giải quyết nhân văn thì xung đột xã hội sẽ bùng nổ hoặc sẽ âm ỉ như quả bom hẹn giờ. .

Ở Việt Nam, trên các trang mạng, các anh chị zân chủ đang ra sức ca ngợi tự do ngôn luận được thế giới bảo vệ. Họ trưng ra những bức ảnh tờ báo Le Monde – tạp chí nổi tiếng của Pháp đăng những bức ảnh dâm dục, tuc tĩu chế nhạo các vị nguyên thủ, chứng minh tự do ngôn luận không giới hạn là mục tiêu của thế giới văn minh!?!

Tuy nhiên trên hầu khắp các cộng đồng mạng, thì nổ ra các cuộc tranh luận, không thể chấp nhận thứ tự do ngôn luận vô đạo đức, dâm dục, thô bỉ như báo Le Monde, xỉ nhục niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng dân tộc khác như Charlie Hebdo. Có lẽ chính nhờ nhận thức “kém văn minh” hoặc “chưa có tự do ngôn luận tuyệt đối” này mà gần đây vị Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirierm chia sẻ  “Tôi thấy trong năm vừa rồi xảy ra bao nhiêu chuyện bất ổn liên quan đến an ninh , chính trị trên thế giới , bên cạnh đó vẫn còn chiến tranh , xung đột cũng xẩy ra ở rất nhiều nơi , có thể nói trong năm vừa qua là một năm có rất nhiều biến động trên toàn cầu , không chỉ liên quan tới những nước lớn mà cả nước nhỏ , Tuy nhiên xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN vẩn bình yên và đang ngày càng thịnh vượng đây là sự kỳ diệu, bất chấp Việt nam là quốc gia đa tôn giáo đa sắc tộc. Hi vọng Việt nam sẽ là khuôn mẩu và mô hình cho xã hội tương lai....”

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Phạm Hồng Sơn trở lại và chửi cả làng dân chủ




Bẵng đi một thời gian dài vắng bóng khỏi mọi cuộc biểu tình từ sau phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ, đóng facebook, blog từ tháng 7 đến tận tháng 12 năm 2014 Phạm Hồng Sơn mới xuất hiện trở lại với một số bài viết nhưng gây sốc bởi sự cực đoan quá tả, khác hẳn với hình ảnh một cựu bác sỹ nho nhã trước đây.

Đối tượng bị Phạm Hồng Sơn chửi dữ dội nhất chắc là những “đảng viên”, “trí thức”, “lão thành cách mạng” đã và đang ký tá cả đống thư từ đòi nọ đòi kia nhưng trong thâm tâm thì chưa từ bỏ thần tượng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, vẫn bày tỏ lòng tin vào Đảng Cộng sản. Trong bài “Một kết luận”, với chất giọng hằn học Phạm Hồng Sơn chửi họ là “lũ người Vô Sỉ”, “tiếp tay cho tội ác chính là tội ác”: 

Tất cả những Trí Thức vẫn bày tỏ tin tưởng, vẫn còn trong đảng cộng sản, vẫn bày tỏ kính trọng Hồ Giáp, nếu không phải vì miếng cơm manh áo cho người lầm than khác (chứ không phải cho bản thân), đều là lũ người Vô Sỉ, tiếp tay cho Tội Ác và chính là Tội Ác”.

Sự hận thù của Phạm Hồng Sơn với tầng lớp “ăn trên ngồi trốc”, hưởng lộc chế độ này không dám từ bỏ quyền lợi được chế độ dành cho để quyết tâm lật đổ, toàn đánh võ mồm “người bị trị cũng ngày càng xướng ra những phát ngôn ủng hộ dân chủ, biểu tỏ phản đối trấn áp tự do nhưng cũng quyết không làm điều gì tổn hại tới danh vị, đặc quyền bản thân do độc tài ban phát”.

Không chỉ chửi tất cả những trí thức mà Phạm Hồng Sơn còn điểm mặt từng người, từng vụ việc chỉ tránh cái tên gọi trực tiếp. Nói về vụ ký tên đòi trả tự do cho Ba Sàm, Bọ Lập…của nhóm “nhân sỹ trí thức” và cả đám a dua, Phạm Hồng Sơn đã ví vọn đó là hành động “Hớ hênh” khi đi kiến nghị, cầu xin một sự vô vọng, cho rằng thay vì những việc làm này đáng lẽ cần có hành động thực chất như hai người anh em họ Huỳnh ở Đà Lạt từng tuyên bố bỏ Đảng mới là “một cách thực chân thành, ôn hòa  nhưng triệt để và công khai”. 

Trong bài Bọ Lập đầu hàng?, để biện hộ cho Lập,  Phạm Hồng Sơn lôi những “trí thức” như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung ra đay nghiến, sỉ vả “Chẳng phải chúng ta đã từng có không phải một mà là hơn hai con người là đảng viên một chính đảng, lại có những điều kiện về chính trị, xã hội, tuổi tác, sức vóc khỏe hơn ông Lập nhiều nhưng đã đầu hàng và đầu hàng một cách hùng biện, thẳng thắn, dứt khoát trước tòa và trên TV đó sao?” bày tỏ thái độ “xót xa cho lý tưởng dân chủ” khi phải chứng kiến những “nhà đấu tranh dân chủ đầu hàng” và cho những người đầu hàng sẽ không còn khả năng thuyết phục, lôi kéo dân chúng nữa: “Chỉ khi chứng tỏ chịu đựng được khắc nghiệt và vượt qua được thử thách, lý tưởng đó mới xứng đáng, mới đủ sức thuyết phục để toàn dân ủng hộ và đeo đuổi đến cùng

Mỉa mai, giọng điệu đầy khỉnh bỉ không kém Phạm Hồng Sơn giành tặng ông chủ Bauxite Việt Nam NGuyễn Huệ Chi trong bài về Bùi Thị Minh Hằng mới đây: “Một lần đi ủng hộ bị cáo trong một phiên tòa, vô tình tôi được gặp một vị Giáo sư danh tiếng cũng đi ủng hộ, thật là vinh dự và vui mừng vô cùng. Nhưng khi bị công an xua đuổi, cả nhóm phải tản ra khỏi khu vực “cấm”, vị Giáo sư hốt hoảng nói với mấy người đi bên cạnh: “Này, đừng đi cùng nhau, không họ lại cho là có tổ chức đấy!” Ngày hôm sau, bài tường thuật về việc đi dự tòa của vị Giáo sư đó tràn ngập khắp mạng, tôi đọc và thấy đúng là bài viết thuộc đẳng cấp giáo sư, rất chữ nghĩa và khí phách.

Tất nhiên không chỉ chửi hết cả làng Vũ Đại, Phạm Hồng Sơn không quên chửi luôn cả dân tộc, nhân dân vì đã lầm lỡ giật đổ “cả một mô hình chính trị ưu việt hơn hẳn”: “Lạ là trong hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam Cộng Hòa, đã từng tiếp tay (nhầm) để giật đổ cái chế độ tự do đó, hiện vẫn đang còn sống mà tôi mới chỉ thấy có mỗi hai anh em ông Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải ở mãi trên Cao nguyên xa lắc ngỏ lời xin lỗi…”.

Có vẻ như Phạm Hồng Sơn đang chìm trong sự phẫn uất, bế tắc khi đeo đuổi một “phong trào dân chủ” ngày càng vô vọng, dành cả cuộc đời lật đổ “cộng sản” mà con đường ngày càng xa lắc xa lơ. Khi trở nên vô vọng, chìm đắm trong cô đơn, lạc lõng, tất yếu sẽ sinh ra một “hitler” trong tâm tưởng, bất lực hơn sẽ thành Chí Phèo chửi hết cả làng lẫn nước!
 Nguyễn Biên Cương