Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Giải quyết xung đột trên Biển Đông: nên thuê Mỹ bảo kê hay dùng luật quốc tế?



Ngày 28/09/2019, tại  tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu mang tên “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hoà bình và phát triển bền vững”. Trong đó, ông Minh nhắc đến vấn đề xung đột trên Biển Đông, nhưng lại tránh nhắc tên Trung Quốc. Trước diễn biến này, dư luận phi chính thống đã phản ứng theo 3 hướng khác nhau, mỗi hướng lần lượt được dẫn dắt bởi giới chống đối, đài VOA, và đài BBC tiếng Việt.


Cụ thể, trong hướng thứ nhất, Mạc Văn Trang, Nguyễn Ngọc Chu, Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Lê Công Định… viết rằng qua việc ông Phạm Bình Minh không dám “tố cáo” Trung Quốc trước diễn đàn quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc, có thể thấy Chính phủ Việt Nam “nhu nhược”, không có quyết tâm bảo vệ chủ quyền, vì vậy đã khiến người dân và “các nước muốn bảo vệ Việt Nam” phải thất vọng.

Trong hướng thứ hai, VOA phỏng vấn Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Nguyễn Đình Ngọc và Nguyễn Tiến Trung, để khẳng định rằng nếu Việt Nam tiếp tục giữ “chính sách 3 Không”, và không công khai trở thành đồng minh của các nước NATO và Ấn Độ, thì các nước này sẽ không hỗ trợ Việt Nam trong xung đột với Trung Quốc. Nguyễn Quang Dy, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Ngọc Già cũng viết những bài có thông điệp tương tự; trong đó Nguyễn Quang Dy còn đòi cải cách thể chế chính trị để có được sự ủng hộ của phương Tây.

Trong hướng thứ ba, BBC truyền tải cả quan điểm của giới chống đối lẫn những quan điểm ít tính phê phán hơn. Chẳng hạn, khi trả lời phỏng vấn BBC, ông Nguyễn Thanh Ca (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải Đảo) nói ông không rõ nội tình, nhưng có thể Chính phủ Việt Nam “có tính toán” riêng trong vụ việc. Ông Ca cho rằng có những chuyện chỉ Chính phủ biết, chẳng hạn như khả năng “Việt Nam đe dọa và Trung Quốc nhượng bộ". Từ đó, ông nhận xét rằng: 

"Cờ đi còn nhiều nước. Vì không có đủ thông tin nên tôi cũng không thể bình luận gì hơn khi các ông ấy đi một nước. Có thể thấy bài phát biểu khác với bài phát biểu ở Bangkok (Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52). Ông Bình Minh được cho là đã có phát biểu 'thẳng thắn' về vấn đề can thiệp của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính. Như vậy, có thể bối cảnh đã khác...".

Ngoài ra, trên trang AMTI (Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á), nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang viết rằng nếu Việt Nam tố cáo Trung Quốc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm này, khả năng thành công sẽ không lớn, vì 2 lý do. Thứ nhất, Trung Quốc là 1 trong 5 nước có phiếu phủ quyết tại Đại Hội đồng. Thứ hai, các nước châu Phi chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, và Malaysia, Philippines đang có dấu hiệu ngả theo Trung Quốc. Bài viết của bà Trang cũng được BBC trích dẫn sau phần phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Ca.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi nghĩ bài phát biểu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh cần được đánh giá dựa trên nội dung tổng thể của nó, thay vì chỉ dựa trên việc nó có “lên án” Trung Quốc hay không. Trong bài phát biểu, đại diện của Việt Nam đã đề nghị xử lý các xung đột trên Biển Đông, cùng những vấn đề khác của thế giới, bằng “trật tự thế giới mới hậu chiến tranh” – thứ đặt nền tảng trên “một hệ thống an ninh tập thể dựa trên hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế”. Nói một cách dễ hiểu, khi Việt Nam bị tên côn đồ Trung Quốc bắt nạt, Chính phủ Việt Nam chủ trương đưa hung thủ ra trước dư luận và pháp luật quốc tế, để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình thay vì vũ lực. So với giải pháp mà giới “dân chửi” đề nghị, là chống một anh côn đồ ở gần bằng cách xin làm đệ tử của một anh bảo kê ở xa, thì giải pháp của Chính phủ Việt Nam bền vững hơn, ít rủi ro hơn, và văn minh hơn một bậc. Cũng cần lưu ý rằng về lâu về dài, giải pháp của Chính phủ Việt Nam không mâu thuẫn với một số đòi hỏi mà giới “dân chửi” đặt ra trong mùa hè vừa qua, như gia tăng hợp tác an ninh - quốc phòng với các nước có quyền lợi ở Biển Đông, chuẩn bị hồ sơ để kiện Trung Quốc khi cần thiết, và cải cách thể chế cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

Qua bức tranh toàn cảnh về dư luận “lề trái” về vụ việc trên, có thể cả giới “dân chửi” lẫn Mỹ (do đài VOA đại diện) đều đang nóng lòng khai thác các xung đột trên Biển Đông để phục vụ mục đích chính trị của mình. Những người trục lợi từ xung đột sẽ không phải là giải pháp tốt nhất cho xung đột. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã hành xử thông minh khi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng pháp luật quốc tế và ngoại giao đa phương, thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ.

2 nhận xét:

  1. So với giải pháp mà giới “dân chửi” đề nghị, là chống một anh côn đồ ở gần bằng cách xin làm đệ tử của một anh bảo kê ở xa, thì giải pháp của Chính phủ Việt Nam bền vững hơn, ít rủi ro hơn, và văn minh hơn một bậc. Cũng cần lưu ý rằng về lâu về dài, giải pháp của Chính phủ Việt Nam không mâu thuẫn với một số đòi hỏi mà giới “dân chửi” đặt ra trong mùa hè vừa qua, như gia tăng hợp tác an ninh - quốc phòng với các nước có quyền lợi ở Biển Đông, chuẩn bị hồ sơ để kiện Trung Quốc khi cần thiết, và cải cách thể chế cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

    Trả lờiXóa