Tổ chức Dương Văn Mình là một hiện tượng tôn giáo mới bắt đầu xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số miến núi phía Bắc từ năm 1989. Và đến nay vẫn có những tác động tiêu cực đến cuộc sống của đồng bào, gây phức tạp xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự ở khu vực.
Hoạt động tín ngưỡng nổi bật của tổ chức Dương Văn Mình là kêu gọi đồng bào Mông xây dựng trái phép “nhà đòn” bằng gỗ tre ở các bản làng. Bên trong chứa một số đồ gỗ được đục đẽo thành hình con ve, con cóc dùng để làm lễ tâm linh khi trong bản có người chết.
Các đệ tử đạo Dương Văn Mình vận động bà con phá bỏ bàn thờ tổ tiên, hàng ngày đến “nhà đòn” tập hợp. Trong “Nhà đòn” ngoài một số đồ dùng tang lễ còn có một thánh giá lớn để hàng ngày các đệ tử Dương Văn Mình vận động bà con đến cầu nguyện, hoặc nghe chúng tuyên truyền về cái gọi là nước H’Mông. .
Đầu tiên, đây là một tổ chức chưa được cấp phép, chưa được công nhận. Thời điểm mới thành lập, lợi dụng nhận thức hạn chế, nhiều hủ tục còn lạc hậu, Dương Văn Mình đã tự phong mình là giáo chủ. Dù đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn nhưng dưới danh nghĩa chúa trời, Dương Văn Mình kêu gọi nộp tiền và của cải cho hắn. Với những hành vi vi phạm pháp luật như vậy, năm 1990, Dương Văn Mình bị kết án 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên truyền mê tín dị đoan. Trong một bài viết vào cuối tháng 10/2021, “Luật khoa tạp chí” bao biện cho Dương Văn Mình và nói rằng ông ta tự xưng là con của chúa trời “nhưng nhiệm vụ chỉ kéo dài trong ba tháng” và sau đó sẽ trở lại thành người bình thường (!). Lời giải thích này đường nhiên không có cơ sở, vì sau khi mãn hạn tù, Dương Văn Mình công khai ra mắt cái gọi là “tín ngưỡng Dương Văn Mình” và đưa mọi hoạt động trở nên có tổ chức hơn.
Theo một Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc năm 2012, những nơi có hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, bản sắc văn hóa bị mai một, nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của dòng họ, cộng đồng bị xáo trộn. Làm ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận đồng bào Mông trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong cộng đồng dân tộc Mông đã xuất hiện sự kỳ thị, phân biệt có dấu hiệu mất đoàn kết, nguy cơ gây xung đột về tín ngưỡng, tôn giáo.
Chính luật sư Trần Thu Nam cũng thừa nhận một số nội dung này trên một bài báo của RFA năm 2014. Đây là luật sư bào chữa cho đối tượng Hoàng Văn Sang, một người H’mong theo ông Dương Văn Mình đã bị xử phạt 18 tháng tù giam. Ông Nam cho biết, khi nhóm người thuộc tổ chức Dương Văn Mình xây “nhà đòn” có thông báo cho huyện, xã biết về việc xây dựng, nhưng xã không đồng ý mà họ vẫn cứ xây và khi xong rồi thì cho người canh gác để không bị tháo gỡ. Một số người Mông không chịu nhận giống lúa của Nhà nước, không cho con em đi học, không cho con em nhận hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn trưa. Và được bao biện rằng đó là vì chính quyền nói xấu những người Mông theo đạo của Dương Văn Mình nên người ta phản ứng (?)
Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình còn có biểu hiện móc nối với các phần tử xấu, có liên quan đến hoạt động ly khai. Sự hình thành của tổ chức Dương Văn Mình được cơ quan chức năng cho biết là có liên quan đến đạo “Vàng Chứ”. Một đạo theo Thiên chúa nhằm tập hợp lực lượng để dựng lên cái gọi là “một nhà nước Mông” tưởng tượng mà thực chất là hoạt động chống phá Việt Nam. Tổ chức này từng trả lời phỏng vấn tổ chức nhân quyền VETO, nhằm đưa ra những lập luận bao biện cho Dương Văn Mình và chống lại các cáo buộc của chính quyền. Năm 2013, một số người dân H’Mông còn nghe theo lời xúi giục của một số phần tử xấu kéo xuống Hà Nội và tụ tập biểu tình kêu tội cho Dương Văn Mình.
Trong một bài viết vào tháng 11/2021, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Đức, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận nguyên nhân cơ bản làm cho một bộ phận đồng bào DTTS theo những hiện tượng tôn giáo mới là do đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của họ còn khó khăn. Đến nay, vùng Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; cơ sở kinh tế như điện, đường, trường trạm còn hạn chế, giao thông, đi lại khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung còn nghèo nàn, ở nhiều địa phương, nặng về các cuộc tang lễ, cưới xin, cúng bái với hủ tục nặng nề tốn kém, thực sự là gánh nặng đối với người dân. Họ đã theo hiện tượng tôn giáo mới để vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, tôn giáo vừa đỡ tốn kém trong thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.
Một lý do rất quan trọng dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS theo các hiện tượng tôn giáo mới là do một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Miền núi phía Bắc là nơi thực hiện Chỉ thị 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành (sau đây gọi là Chỉ thị 01) chậm hơn cả so với các vùng miền khác trong cả nước. Đến nay toàn vùng vẫn còn hơn 50% điểm nhóm đạo Tin Lành chưa được cấp đăng ký sinh hoạt, tức là chậm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người DTTS, từ đó những hiện tượng tôn giáo mới có cơ sở thuận lợi phát triển để bù đắp vào khoảng trống tâm linh của người dân.
Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng đối với tổ chức tôn giáo này. Bao nhiêu đồng bào mê muội không có lối ra, cuộc sống vốn đã cơ cực nay càng nghèo khó hơn. Họ rất cần một ánh sáng văn minh để thoát khỏi cơn mê trầm luôn, “không cần làm, không cần đi học nhưng vẫn có ăn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét