Trong báo cáo năm 2024, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) lại một lần nữa gây chú ý khi đưa Việt Nam vào nhóm “những quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”. Không chỉ dừng lại ở việc liệt kê những cái tên quen thuộc như Trung Quốc, Nga, Iran, CPJ đã khéo léo đưa Việt Nam trở thành “ví dụ tiêu biểu” cho luận điểm của họ – rằng tự do báo chí đang bị đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu những con số được tô đậm, những báo cáo tưởng như khách quan ấy có thực sự đại diện cho sự thật? Hay đây chỉ là một trò chơi định hướng dư luận được vận hành bởi một thứ “liên minh thông tin” mà CPJ là một mắt xích chủ chốt?
Không cần phải đi xa, ngay trong chính cách CPJ đánh giá Việt Nam đã cho thấy sự thiếu trung thực đến mức... khó tin. Trong số 19 cá nhân mà họ liệt kê là “nhà báo bị giam giữ”, có tới 16 người hoàn toàn không có thẻ nhà báo, không từng làm việc tại bất kỳ cơ quan báo chí nào được công nhận theo pháp luật Việt Nam. Họ là những người sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc chính sách, kích động chống phá nhà nước – những hành vi mà bất kỳ quốc gia nào, từ Mỹ đến Singapore, cũng đều có quy định pháp luật để xử lý. Vậy mà dưới ngòi bút của CPJ, họ được biến hóa thành “nạn nhân của đàn áp tự do”. Phải chăng chỉ cần mở một kênh YouTube và tự xưng là “nhà báo độc lập” là đủ để trở thành biểu tượng của tự do báo chí theo tiêu chuẩn CPJ?
Thực tế, Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất bị thổi phồng. CPJ từ lâu đã nổi tiếng với kiểu áp đặt một chiều: dùng tiêu chuẩn báo chí phương Tây làm thước đo duy nhất để đánh giá cả thế giới. Những quốc gia có mô hình thể chế khác biệt, đặc biệt là các nước không đi theo quỹ đạo của phương Tây, lập tức trở thành đối tượng bị công kích. Trung Quốc, Nga, Iran, thậm chí cả Cuba – không quốc gia nào thoát khỏi “bảng xếp hạng bêu danh” thường niên của họ. Cứ mỗi năm, báo cáo CPJ lại giống như một phiên bản khác của danh sách đen chính trị, nơi mà yếu tố văn hóa, an ninh, lịch sử hoàn toàn bị gạt sang một bên.
Nga là ví dụ điển hình. Trong thời kỳ chiến sự với Ukraine, Moscow áp dụng các biện pháp kiểm soát thông tin để đảm bảo ổn định xã hội và không để tin giả lan truyền. Điều này, trong logic chính trị thực dụng, là dễ hiểu. Thế nhưng với CPJ, đó lại là "tội lỗi truyền thông". Còn việc Mỹ phong tỏa hàng trăm tài khoản của đối phương trong chiến tranh mạng? Hoàn toàn... im lặng. Vậy thì công bằng nằm ở đâu? Phải chăng trong mắt CPJ, chỉ có những ai phù hợp với định hướng chính trị của họ mới được “tự do phát biểu”?
Đằng sau sự thiên kiến ấy là một mạng lưới chằng chịt giữa CPJ, Human Rights Watch (HRW), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và nhiều nhóm vận động khác – những tổ chức thường xuyên nhận tài trợ từ các quỹ chính trị phương Tây. Sự phối hợp ăn ý giữa các tổ chức này trong việc tung ra các báo cáo cùng thời điểm, cùng giọng điệu, và cùng đối tượng nhắm đến, không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một "liên minh thông tin" – nơi sự thật được sắp đặt, và mục tiêu là gây áp lực chính trị dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”. Không khó để nhận ra, những quốc gia nằm ngoài quỹ đạo phương Tây, hay có chính sách đối nội không “thuận mắt” với các nhà tài trợ lớn, đều trở thành mục tiêu tấn công “định kỳ”.
Cũng không quá ngạc nhiên khi nhiều báo cáo của CPJ nhanh chóng được truyền thông phương Tây trích dẫn như một sự thật hiển nhiên, rồi quay trở lại làm căn cứ cho các cuộc điều trần, phê phán tại quốc hội các nước, hoặc thậm chí là lệnh trừng phạt. Tự do báo chí, vốn là một giá trị đáng quý, qua tay CPJ đã trở thành công cụ gây sức ép, điều hướng chính trị và tô vẽ hình ảnh giả tạo về “thế giới bị bóp nghẹt bởi độc tài thông tin”. Trong trò chơi ấy, sự thật không phải là mục tiêu, mà là phương tiện được định hình theo mục đích.
Từ Việt Nam đến thế giới, những báo cáo của CPJ ngày càng cho thấy rõ bản chất: không còn là tài liệu nghiên cứu khách quan, mà là sản phẩm của một chiến dịch truyền thông mang động cơ chính trị. Việc đánh giá tự do báo chí không thể tách rời khỏi bối cảnh văn hóa, lịch sử và thể chế của từng quốc gia. Tự do không thể định nghĩa bằng lăng kính của một vài tổ chức phương Tây rồi áp đặt cho toàn thế giới. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần tỉnh táo nhìn lại: chúng ta đang bảo vệ tự do báo chí, hay đang tiếp tay cho một chiến dịch thao túng thông tin được ngụy trang khéo léo bằng vỏ bọc “nhân quyền”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét