Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Về Tướng Giáp

 NGuồn
https://www.facebook.com/groups/1409586975936474/permalink/1417999148428590/




 Tôi thấy vài người cố tìm cách hạ thấp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chẳng hiểu biết gì về lịch sử lẫn quân sự.

1. Trung Quốc chưa bao giờ thật sự giỏi trong chiến tranh hiện đại. Trong chiến tranh Trung Nhật, Trung Quốc đông dân hơn hàng chục lần, nhưng chưa từng thắng được lục quân Nhật một trận nào đáng kể so với các thất bại trước lính Nhật. Trung Quốc cũng chưa bao giờ đánh bại Nhật để tự giải phóng được mình.

2. Trong chiến tranh Triều Tiên năm 1952 ( trước trận Điện Biên Phủ 2 năm), quân đội Trung Quốc huy động ngót 3 triệu lính trong 2 năm (theo lượt thay phiên), có sự tham chiến trực tiếp của Nga bằng không quân, nhưng chính Trung Quốc phải tổng kết chưa bao giờ diệt gọn được một căn cứ cấp đại đội của Mỹ. Kết thúc hai năm chiến tranh, Trung Quốc chết hơn 1 triệu lính, về phía Mỹ, số lính tham chiến ở Triều Tiên thời điểm cao nhất khoảng 300 nghìn quân, chỉ nhỉnh hơn một nửa số lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam vào thời cao điểm nhất. Lượng bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Triều Tiên cũng chỉ bằng một phần nhỏ trong chiến tranh Việt Nam. Trực tiếp các tư lệnh TQ không quá giỏi, chưa nói gì đến cố vấn TQ.

3. Trước năm 1954, chưa một đội quân thuộc địa nào giành một chiến thắng quyết định trước các đạo quân viễn chinh phương Tây. Tại ĐBP, tướng Giáp đánh bại và bắt làm tù binh hơn 1 vạn lính tinh nhuệ nhất của quân đội Pháp, gồm cả nhưng đơn vị bất bại trong thế chiến thứ hai.

4. Trung Quốc, Liên Xô gần như tham chiến tổng lực ở Triều Tiên, với số lính Mỹ tham chiến ít hơn ở Việt Nam, nhưng kết quả là buộc phải đàm phán cắt đôi lãnh thổ, Mỹ vẫn ngự trị tại các căn cứ ở Nam Hàn cho đến ngày nay. Ở Việt Nam, tướng Giáp và quân đội của mình đánh Mỹ trong điều kiện thiếu thốn hơn rất nhiều, nhưng buộc người Mỹ phải rút chạy và đạt mục tiêu thống nhất đất nước.

5. Năm 1979 Trung Quốc huy động 60 vạn quân đánh Việt Nam. Số quân này bị chặn lại tại phía Bắc chỉ bằng một vài sư đoàn chủ lực, dân quân du kích và bộ đội địa phương, và phải rút chạy sau 1 tháng với tổn thất nặng nề khi Việt Nam điều quân chủ lực về tham chiến. Trình độ tác chiến của tướng tá Tàu tồi, không thể nói đến việc cố vấn về chiến tranh cho người Việt.

Tướng Giáp là một danh tướng, thắng về chiến lược và luôn đạt mục tiêu chiến tranh trong bối cảnh nguồn lực trang bị vô cùng hạn chế so với đối phương. Nếu ông có trong tay nguồn lực bằng một phần nhỏ so với đối phương, chẳng hạn dăm chiếc máy bay với vài chục quả bom, thì trận Điện Biên Phủ đã an bài trong thời gian ngắn. Hoặc tại trận Khe Sanh, nếu ông có trong tay một phần nhỏ số bom đạn như của Westmoreland, người Mỹ đã có một Điện Biên Phủ cho riêng mình.

Không phải vô lý do mà Trung Quốc sẵn sàng lên giọng dùng vũ lực với Đài Loan, hoặc đã xua quân chiếm trọn Tây Tạng năm 1958, nhưng hiện nay với Việt Nam, Trung Quốc vẫn luôn phải gờm và chưa bao giờ dám đe doạ tấn công trên bộ (Trung Quốc ký hiện định phân giới trên bộ với Việt Nam trước mọi hiệp định khác). Theo tôi, đây là sức ảnh hưởng từ những chiến công của tướng Giáp và những người lính của mình để lại cho hậu thế.

Tướng Giáp thắng trong chiến tranh nhưng bại trong quyền bính. Thực tế thì chưa bao giờ ông nỗ lực tranh đoạt quyền hành, ông là người trung thành và tôn trọng kỷ luật đảng, trong khi với uy tín và nguồn lực trong tay, ông đáng ra có thể thắng trong mọi cuộc tranh chấp. Ông bị tước hết quyền lực và sống lặng lẽ cuối đời, nhưng cũng chính vì thế mà ông được người dân kính trọng về nhân cách bên cạnh những chiến công. Mc Athur thất cử, Nguyên soái chiến thắng Zukov bị giam lỏng. Hình như hầu hết các vị tướng lẫy lừng đều không mấy may mắn trong quyền bính.

Tướng Giáo chưa bao giờ tự nhận mình là lãnh tụ. Vị trí đó là của Bác Hồ. Nhưng ĐT Giáp đã ghi dấu ấn của riêng mình vào lịch sử.

1 nhận xét: