Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Sự kiện Tư Chính có phải là cơ hội để thay đổi thể chế?



Gần đây, nhân việc tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống tiếp tục kêu gọi Nhà nước tận dụng thời điểm này để thay đổi đường lối đối ngoại, thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Hiện giáo sư Carl Thayer đang dẫn dắt dư luận trong việc đòi thay đổi chính sách đối ngoại, còn Diễn đàn Xã hội Dân sự và nhóm "Lập Quyền Dân" đang dẫn dắt dư luận trong việc đòi thay đổi thể chế.

Cụ thể, tuần qua giáo sư Carl Thayer sản xuất một lượng lớn bài viết, bài phỏng vấn, trong đó ông khuyên Việt Nam nên kiện Trung Quốc như Philippines đã làm, liên tục cung cấp thông tin thực địa về các diễn biến tại bãi Tư Chính cho báo chí nước ngoài và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, “tham khảo các chuyên gia pháp lý quốc tế về tiến trình bắt giữ tàu HD-8 thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol”…
Thayer cũng nói rằng nếu Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang thăm và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm nay, thì sẽ có 3 khả năng về tiếng triển quan hệ Việt - Mỹ: “Một là hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng quan hệ đối tác toàn diện ký từ 2013. Hai là họ sẽ công bố đàm phán để nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược. Ba là họ sẽ đồng ý ký một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược”. Thayer bình luận rằng bất cứ khả năng nào trong số này đều sẽ cho phép Việt Nam “cải thiện quan hệ với Mỹ để phản ứng lại hành động đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Nhiều bài viết cùng chủ đề của dư luận phi chính thống Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ các thông tin và lập luận của Carl Thayer. Vì Thayer từng công tác tại Bộ Quốc phòng Mỹ, tiếng nói của ông có thể không trung lập, mà mang tính chất vận động dư luận.
Trong khi đó, Nguyễn Quang Dy viết trên trang Bauxite Việt Nam (chịu ảnh hưởng của Diễn đàn Xã hội Dân sự) rằng Việt Nam nên tận dụng sự kiện Tư Chính để làm một “bước ngoặt” trong việc thân Mỹ - thoát Trung, và nhân đó cải cách thể chế. Nguyễn Khắc Mai (nhóm Lập Quyền Dân) cũng viết một bài có ý tương tự.
Nhưng giới “dân chửi” có nên hy vọng rằng sự kiện Tư Chính sẽ khiến Việt Nam xích lại gần Mỹ, sau đó thay đổi thể chế chính trị theo ý họ muốn hay không? Trước khi rơi vào ảo tưởng, họ nên lưu ý 3 thực tế.
Thứ nhất, một chế độ chính trị bền vững không được định hình bởi các sự kiện đối ngoại, mà được định hình bởi thói quen, trình độ, điều kiện sống của người dân. Đa số người dân Việt Nam hài lòng và có khả năng thăng tiến trong chế độ chính trị hiện tại, điều này ngay giới “dân chửi” cũng nhận thấy. Trong khi đó, dù giới “dân chửi” phất ngọn cờ dân chủ đa đảng, hầu hết các tổ chức của họ không có bầu cử, không có luật lệ cố định, không minh bạch tài chính, và chửi bới các phát ngôn trái chiều. Khi chính các nhà “dân chửi” cũng chưa dùng thạo mô hình dân chủ phương Tây, họ không nên áp đặt mô hình đó cho những người Việt Nam khác.
Thứ hai, nước Mỹ đã từng có khá nhiều đồng minh độc đảng ở Nam Mỹ, Bắc Phi và Trung Đông. Dưới thời Chủ tịch nước Donald Trump, Mỹ chắc chắn sẽ không ngại cộng tác thêm với vài nước độc đảng nữa.
Thứ ba, đừng nghe những gì người Mỹ nói, hãy nhìn những gì người Mỹ làm với “tiền đồn” Việt Nam Cộng hòa.
Trong một thời đại biến động và thay đổi liên tục, cải cách chính trị là việc cần làm thường xuyên. Tuy nhiên, nếu giới “dân chửi” nhầm vụ Tư Chính với một cơ hội để thay đổi thể chế chính trị, dư luận sẽ nghĩ rằng họ chỉ đang phát bánh vẽ cho nhau, để an ủi nhau, trong một thời điểm mà nhiều nhà “dân chửi” đều muốn bỏ cuộc.

1 nhận xét: