Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

USCIRF đánh giá vấn đề tôn giáo Việt Nam bằng sự thiếu thiện chí

 


Không phải tự dưng mà báo cáo về Tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2023 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) khiến dư luận, truyền thông Việt Nam bức xúc, phản ứng. Vẫn như mọi năm, bản Báo cáo này vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, xem đó là căn cứ đòi đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.



Tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc

Việt Nam là một quốc gia đa dạng các loại hình tôn giáo và được Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Điều này được khẳng định nhất quán tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 và được thể hiện rõ bằng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện trên thực tế.

Với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của hàng chục triệu tín đồ và quần chúng nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công tại Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận trọng nước và quốc tế đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55 nghìn chức sắc, hơn 145 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo luôn được quan tâm, tạo điều kiện; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước…

Nhìn tổng quan, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hoạt động ổn định, các tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp đăng ký hoạt động và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa, truyền thống, không gặp bất cứ sự cản trở nào. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo sinh hoạt ở Việt Nam luôn được quan tâm.  Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân. Việc giao quyền sử dụng đất để xây dựng, mở mang cơ sở đào tạo, thờ tự của các tôn giáo luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Nhà nước Việt Nam luôn chú ý đến công tác báo chí, tuyên truyền, in ấn, xuất bản đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy người dân có tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt bình thường…

Những đáng giá tiêu cực của USCIRF là hoàn toàn không có cơ sở.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân những năm qua đã bác bỏ hoàn toàn những nhận định, đánh giá sai trái, vô căn cứ đó.

Trái ngược với những đánh giá hồ đồ, vô căn cứ của USCIRF, nhiều người nước ngoài, trong đó có cả những người đến từ Mỹ sau khi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã có những cái nhìn thiện cảm và đánh giá rất tích cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

- Hòa thượng Phra Brahmapundit – Chủ tịch sáng lập Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak LHQ khi đến Việt Nam đã bày tỏ: “Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của Phật giáo thế giới”.

- Luật sự Hoàng Duy Hùng – một người Mỹ gốc Việt trong dịp trở về Việt Nam được tham dự đêm Noel ở Hà Nội đã chia sẻ: Tôi đã từng đi ăn Noel tại Pháp, tại Anh, tại các thành phố lớn khác trên thế giới nhưng chưa bao giờ tôi thấy người ta tràn xuống đường mừng Noel một cách tưng bừng giống như một lễ hội quốc gia”, “Có một điều hơi nghịch lý, không phải để chỉ trích ai, nhiều người ở nước ngoài nói Việt Nam không có tự do tôn giáo. Họ cứ nói là giờ Việt Nam đàn áp tôn giáo. Cảnh Noel vừa rồi đã chứng minh cho thấy người dân Việt Nam tự do dự thánh lễ, làm mọi chuyện theo ý của họ. Rồi cả những chuyện như anh vừa nói, là chức sắc tôn giáo, các vị linh mục muốn làm gì thì làm và có sự giao lưu giữa tôn giáo với tôn giáo. Vậy thì những lời mà người ta nói có thật không?”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 7 tháng 6 năm 2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Tiếp đó là vào ngày 20 tháng 6 năm 2019, tại phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), với sự chứng kiến của đại diện 192 nước thành viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát… Đặc biệt ngày 11-10-2022, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Sự cởi mở và thiện trí khó có thể xây dựng trên ác cảm và động cơ đen tối

Bất chấp những thông tin của USCIRF là hoàn toàn phiến diện, thiếu khách quan và mang tính định kiến tiêu cực, với thái độ thiện chí, mong muốn USCIRF không thể dựa vào những thông tin sai lệch, theo kiểu “nghe hơi nồi chõ” chưa được kiểm chứng để đưa ra những đánh giá tiêu cực, Việt Nam đã đón đoàn USCIRF vào thăm Việt Nam. Song đáp lại thiện chí đó, USCIRF chăm chăm tiếp xúc với thành phần tôn giáo cực đoan, chống phá trong nước để “thu thập tình hình” và hứa hẹn hậu thuẫn, hỗ trợ cho họ. Thậm chí hướng dẫn họ cách thức chống phá, củng cố tinh thần cho họ bằng sự hứa hẹn về “chỗ dựa”. Trong khi Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai mước, hành động cố tình phớt lờ, phủ nhận những thành quả trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam của USCIRF, chỉ “nghe một chiều” từ tổ chức luôn chống phá Việt Nam bất chấp thủ đoạn là việc đáng tiếc.

Việc làm của USCIRF không chỉ đi ngược lại Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn mang tính kích động hậu thuẫn, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét