Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Những hiểu lầm về tình hình tự do Internet tại Việt Nam trong Báo cáo Nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ



Vào ngày 30/03/2021, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Nhân quyền năm 2020, trong đó đánh giá tình hình nhân quyền ở các quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc. Phần báo cáo về Việt Nam dài 45 trang, và chứa nhiều nhận định tiêu cực. Trong số này, nhiều nhận định không hề phản ánh đúng tình hình thực tế, do bị ảnh hưởng từ định kiến chính trị của người Mỹ và những nguồn tin sai, không đầy đủ, phiến diện. 




Tiêu biểu là đoạn báo cáo, xoay quanh vấn đề “Tự do Internet”, viết rằng:

“Người sử dụng mạng xã hội và blog phải cung cấp họ tên đầy đủ, số chứng minh thư và địa chỉ trước khi tạo tài khoản.”

Thì trong thực tế, hầu hết người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam không làm việc đó. Dù Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định rằng người dùng mạng xã hội phải công khai số chứng minh thư, mang tính khuyến nghị đối với người dùng Internet, chưa hề có chế tài xử lý hay giám sát với điều kiện này. Hiện nay, tất cả người dùng mạng xã hội và blog ở Việt Nam đều dễ dàng tạo tài khoản không với điều kiện cung cấp họ tên đầy đủ, số chứng minh thư và địa chỉ.

Hoặc, báo cáo cho rằng các biểu hiện dưới đây cho thấy sự vi phạm nhân quyền:

“Ngày 15 tháng 4, một nghị định của chính phủ bắt đầu có hiệu lực, quy định phạt tiền ở mức đáng kể đối với hành vi sử dụng mạng xã hội nhằm “cung cấp và phát tán  thông tin sai lệch”, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội để phát tán các bản đồ thể  hiện không chính xác chủ quyền quốc gia và phát tán tin giả để gây hoang mang  trong công chúng. Nghị định này được ban hành là một phần trong chiến lược của  chính phủ nhằm kiểm soát tất cả các thông tin được chính quyền cho là thông tin sai  lệch, chống chính quyền và bôi nhọ trên mạng xã hội.”

Thì trong thực tế, các quy định nhằm chống tin giả trên mạng xã hội là một trong những vũ khí quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, để không rơi vào tình trạng khủng hoảng vừa xảy ra ở Ấn Độ và nhiều nước Âu-Mỹ. Ngoài ra, quy định xử phạt hành vi “phát tán các bản đồ thể hiện không chính xác chủ quyền quốc gia” vốn đã nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận dư luận Việt Nam, bao gồm cả các nhóm tự nhận “đấu tranh dân chủ”, không ủng hộ chế độ chính trị hiện nay, ngoại trừ Bộ Ngoại giao Mỹ!?!.

Qua các ví dụ trên, có thể thấy Báo cáo Nhân quyền năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ khá xa rời tình hình thực tế tại Việt Nam. Dường như báo cáo được viết theo kiểu “bới bèo ra bọ”, cốt tìm mọi cớ có thể để công kích Nhà nước Việt Nam, chứ không hề xét đến các nhu cầu và tình hình áp dụng luật của xã hội Việt Nam trong thực tế.

Thêm nữa, quy mô của hoạt động giám sát Internet tại Việt Nam không thể bì kịp so với quy mô của hoạt động tương tự mà nước Mỹ đang thực hiện. Dù Báo cáo Nhân quyền 2020 công kích các quy định về giám sát nội dung Internet trong Luật An ninh Mạng của Việt Nam, thực ra luật này chỉ cho phép cơ quan công an theo dõi các thông tin lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam, và trong giới hạn mà các nguyên tắc điều tra hình sự cho phép. Trong khi đó, theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, thì Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được quyền truy cập trực tiếp vào server của một loạt các hãng lớn – như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo, PalTalk, YouTube, Skype, AOL – để theo dõi các hoạt động Internet trên toàn thế giới. Khác với Cục An ninh Mạng của Việt Nam, NSA đang vi phạm nhân quyền một cách không giới hạn, không công khai, và ở quy mô toàn cầu.

Đáng tiếc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không phải viết bất cứ báo cáo nhân quyền nào để phản ánh tình hình trên chính nước Mỹ.

 Nguyễn Biên Cương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét