Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Nhận diện bản chất cái gọi là “giải thưởng nhân quyền”

 


Những năm gần đây, các tổ chức núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” rầm rộ trao giải cho các cá nhân người Việt Nam. Các giải thưởng có thể kể đến như: “Công dân mạng”, “Tự do báo chí” của tổ chức RSF, “Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận” của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX), giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng của Việt Tân v.v…



Nhìn vào những cá nhân được nhận giải, không khó để chúng ta thấy được một điểm chung là những cá nhân đó đều có hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ hết sức quyết liệt. Như thông tin được tuyên bố, tổ chức “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” năm 2021 đã công bố danh sách những người được tổ chức này lựa chọn để “vinh danh” ở “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2021”. Đó là Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư (cùng một gia đình), Đinh Thị Thu Thủy và Nguyễn Văn Túc - đều là những kẻ có “bề dày” chống phá và “thâm niên vào tù ra tội”! Tính từ năm 2002 đến nay, MLNQVN đã trao “giải thưởng nhân quyền” cho 53 cá nhân và 4 tổ chức. Ðiểm qua danh sách trao thưởng là những cái tên chống phá đất nước như: Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Võ An Ðôn, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Minh Mẫn, Phạm Ðoan Trang, Lê Công Ðịnh... Tất cả những đối tượng được trao thưởng đều có hoạt động chống phá đất nước dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”.

Chẳng hạn, mẹ con Cấn Thị Thêu mỗi người 8 năm tù giam cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” và 03 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Điều đáng nói hơn, trước khi bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt 8 năm tù, Cấn Thị Thêu đã có 2 tiền án. Cụ thể, ngày 25/4/2014, Cấn Thị Thêu bị TAND thành phố Hà Nội xử phạt 15 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và ngày 30/11/2016, tiếp tục bị TAND thành phố Hà Nội xử phạt 1 năm 8 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, đến nay chưa được xóa án tích. Ngoài ra, Cấn Thị Thêu còn có 1 tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đối với Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư (các con trai của Cấn Thị Thêu), có hành vi soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hiện Trịnh Bá Phương đang bị tạm giam và chuẩn bị được TAND thành phố Hà Nội xét xử (trước đó, phiên tòa sơ thẩm xét xử Trịnh Bá Phương được TAND thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 3/11 nhưng đã bị hoãn vì lý do khách quan). Còn đối với Đinh Thị Thu Thủy (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Hậu Giang) 7 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Nguyễn Văn Túc (sinh năm 1964, tại Thái Bình), tháng 9/2008 bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, sau đó đã bị Tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt 4 năm tù giam và 3 năm quản chế về cùng tội danh. Tháng 9/2017, Nguyễn Văn Túc tiếp tục bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và đến tháng 9/2018, Nguyễn Văn Túc bị TAND cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, tuyên phạt 13 năm tù và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 1, Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Rõ ràng, những “giải thưởng nhân quyền” được trao chẳng phải nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền “dân chủ”, “nhân quyền” tại Việt Nam, mà nó chỉ là một màn kịch để cổ súy hoạt động chống phá chính quyền.

Thứ nhất, việc trao giải thưởng chỉ là một vở kịch để đánh bóng tên tuổi và giúp sức về mặt tinh thần cũng như vật chất cho các đối tượng chống đối trong nước. Hiện nay, các phần tử chống đối Đảng, Nhà nước chỉ là phần thiểu số trong xã hội. Vì vậy, để tăng cường “uy tín”, phục vụ cho việc tập hợp lực lượng, các đối tượng chống đối trong nước luôn tìm cách móc ngoặc, hợp tác với các phần tử phản động lưu vong ở bên ngoài. Trong đó, việc trao giải thưởng là một cách thức hữu hiệu đang được lựa chọn nhằm khuếch trương hình ảnh và đánh bóng tên tuổi cho các đối tượng.

Dưới danh nghĩa các giải thưởng quốc tế, các đối tượng lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, từ đó lôi kéo người dân vào hoạt động chống đối. Các đối tượng triệt để sử dụng các vỏ bọc “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động xã hội” v.v… để bao che cho hoạt động chống phá.

Thứ hai, việc trao các giải thưởng như hành động khích lệ, “lên dây cót” tinh thần cho các đối tượng phản động, chống đối được nhận giải. Dù ít hay nhiều, các giải thưởng này đều góp phần thoả mãn sự hư vinh của các đối tượng. Đồng thời, việc trao giải thưởng “nhân quyền” cũng là một phương thức để cổ suý tư tưởng chống đối, kích thích hoạt động chống phá của các đối tượng núp bóng “nhân quyền”.

Hiện nay, các đối tượng phản động trong nước muốn hoạt động được cần phải có sự hỗ trợ về vật chất của các thế lực thù địch, chống đối và các đối tượng phản động ở bên ngoài. Nếu theo dõi các hội nhóm núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, không khó để chúng ta bắt gặp trường hợp các “nhà dân chủ” đấu đá nhau vì không được “ăn chia” đồng đều.

Vậy nhưng chuyển tiền từ bên ngoài vào trong nước ra sao, phân chia như thế nào thì không hề đơn giản. Vì vậy, việc trao giải cho các đối tượng có hành vi chống phá trong nước như một con đường “hợp thức hoá” việc hỗ trợ vật chất. Và cũng cần nói thêm, thông qua cách trao giải thưởng (đi liền với đó là những khoản vật chất không hề nhỏ), các cá nhân, tổ chức trao giải đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các đối tượng phản động trong nước, từ đó thúc đẩy hoạt động chống phá của các đối tượng.

Thứ ba, khi các đối tượng chống đối được trao giải, kênh truyền thông của các tổ chức phản động ngay lập tức lên bài tuyên truyền, ca ngợi các đối tượng được nhận giải. Các tổ chức này cố tình hướng lái thông tin, biến những đối tượng được nhận giải trở thành người hùng. Đi liền với đó, các tổ chức này cũng không ngừng rêu rao việc chính quyền đàn áp các “nhà dân chủ” trong nước. Không ít người dân đã bị đánh lừa và lầm tưởng vào những thông tin được các đối tượng rêu rao. Việc này gây ra những hệ luỵ vô cùng xấu.

Những năm qua, nhiều người Việt Nam đã được nhận các giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, giải thưởng quốc tế cũng có nhiều loại và giá trị của nó cũng không hề giống nhau. Vì vậy, chúng ta không thể để cụm từ “giải thưởng quốc tế” đánh lừa, khiến trắng – đen, thật – giả lẫn lộn. Đặc biệt, cần phải xác định rõ: Những giải thưởng liên quan đến dân chủ, nhân quyền mà các cá nhân phản động, chống đối được trao thời gian vừa qua chỉ là một màn kịch được tính toán để phục vụ cho các mưu đồ về chính trị, thể hiện rõ bộ mặt chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét