Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Nguyên nhân phát sinh hiện tượng "tôn giáo mới" Bà Cô Dợ

 

Hiện tượng Bà Cô Dợ hay “Đạo Bà Cô Dợ” (còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta) có nguồn gốc từ Mỹ, do bà Vừ Thị Dợ, sinh năm 1978, người Mông, vốn nguồn gốc từ Lào lập ra ở thành phố Milwau kee bang Wisconsin nước Mỹ, vào cuối năm 2016. Bà Dợ có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, trước đó theo Công giáo rồi đạo Tin Lành nhưng thường vi phạm giáo lý, giáo luật giáo hội, xuyên tạc Kinh Thánh nên bị trục xuất khỏi giáo hội. Hiện tượng Bà Cô Dợ du nhập vào Việt Nam thông qua mạng internet. Một số tín đồ đạo Tin Lành người Mông đã nghe bà Dợ giảng đạo trên mạng và tin theo. Những người theo Bà Cô Dợ tuyên truyền Chúa sẽ tái lâm lần thứ hai và đó là người Mông - Nu-Long, con trai út của Vừ Thị Dợ. Chúa sẽ cứu rỗi người Mông và cai trị thế giới 1000 năm tiếp theo.


 

Tại Lai Châu, giữa năm 2017, người Mông theo đạo Tin Lành ở bản Pa Mu, xã Hua Bum và bản Trung Chải xã Trung Chải huyện Nậm Nhùn đã xem và nghe bà Dợ thuyết giảng về Kinh Thánh, về Chúa tái lâm... trên kênh Youtube. Sau đó họ đã liên lạc với bà Dợ trao đổi về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và đề nghị bà Dợ giúp đỡ tiền để làm ăn. Bà Dợ đã gửi tiền cho những người này và đề nghị mua thiết bị điện tử, điện thoại thông minh, nối mạng để xem và sinh hoạt theo hướng dẫn của bà, đồng thời yêu cầu họ tuyên truyền cho những người khác tin theo hình thành nên các điểm nhóm sinh hoạt theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Đến năm 2018, ở Lai Châu có 299 người Mông ở 3 xã của huyện Nậm Nhùn và Mường Tè đã chuyển từ theo đạo Tin Lành sang theo hiện tượng Bà Cô Dợ. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các địa phương đã có 2 hộ với 3 người quay trở lại theo đạo Tin Lành.

Hiện tượng Bà Cô Dợ được truyền vào tỉnh Điện Biên đầu năm 2018 thông qua các băng, đĩa, video clip được phát trên mạng internet. Các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cho biết, trong vài năm gần đây, Vừ Thị Dợ đã gửi tiền cho số người cầm đầu tuyên truyền hiện tượng Bà Cô Dợ trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng trăm triệu đồng. Thời điểm cao nhất đã có 330 người theo hiện tượng này, với 8 người cầm đầu ở ba huyện: Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Huyện Mường Nhé, năm 2018, có hơn 400 người theo hiện tượng Bà Cô Dợ và hiện tượng Giê Sùa ở 6 xã trong toàn huyện. Nơi có nhiều người theo nhất là xã Mường Toong và Nậm Kè. Có xã tồn tại cả hai hiện tượng nói trên.

 Nguyên nhân cơ bản làm cho một bộ phận đồng bào DTTS theo những hiện tượng tôn giáo mới như Bà Cô Dợ nói trên là do đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của họ còn khó khăn. Đến nay, vùng Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; cơ sở kinh tế như điện, đường, trường trạm còn hạn chế, giao thông, đi lại khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung còn nghèo nàn, ở nhiều địa phương, nặng về các cuộc tang lễ, cưới xin, cúng bái với hủ tục nặng nề tốn kém, thực sự là gánh nặng đối với người dân. Họ đã theo hiện tượng tôn giáo mới để vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, tôn giáo vừa đỡ tốn kém trong thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.

Một lý do rất quan trọng dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS theo Bà Cô Dợ là do một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Miền núi phía Bắc là nơi thực hiện Chỉ thị 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành (sau đây gọi là Chỉ thị 01) chậm hơn cả so với các vùng miền khác trong cả nước. Đến nay toàn vùng vẫn còn hơn 50% điểm nhóm đạo Tin Lành chưa được cấp đăng ký sinh hoạt, tức là chậm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người DTTS, từ đó những hiện tượng tôn giáo mới có cơ sở thuận lợi phát triển để bù đắp vào khoảng trống tâm linh của người dân.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng một bộ phận đồng bào DTTS miền núi phía Bắc theo Bà Cô Dợ còn do hoạt động truyền giáo ở trong nước cũng như từ nước ngoài. Trong thực tế, những cá nhân ở nước ngoài đã liên hệ, cung cấp tiền cho một số nhóm người DTTS ở các tỉnh để họ có kinh phí hoạt động, mua điện thoại, hòa mạng internet, vào các trang mạng xã hội nghe, xem truyền giáo, chỉ đạo trực tiếp từ nước ngoài. Sau đó, số “người truyền đạo” tích cực ở các địa phương lợi dụng hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc Mông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để lôi kéo họ tham gia. Lực lượng này kết hợp các hình thức hỗ trợ vật chất, lôi kéo, đặc biệt thường lợi dụng triệt để những vấn đề bức xúc, khó khăn của người dân, những người bị mất niềm tin vào cuộc sống thực tại để tác động lôi kéo họ vào đạo.

Giống như các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác, hiện tượng tôn giáo mới cũng có chức năng an ủi, xoa dịu nỗi đau của con người trong đời sống xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh, bù đắp sự cô đơn và mong ước được khỏi bệnh tật, đói nghèo của không ít người dân. Tuy nhiên, những hiện tượng tôn giáo mới như Bà Cô Dợ tác động tiêu cực đến cộng đồng DTTS miền núi phía Bắc, gây phức tạp tình hình, làm xáo trộn đời sống xã hội nói chung, gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ, tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn trong vùng đồng bào. Một số hoạt động có tính chất cực đoan, mê tín. Hơn nữa, những “người truyền đạo Bà Cô Dợ” đã tuyên truyền tư tưởng ly khai, chủ trương tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông” ở khu vực.

Trước sự phát triển của Bà Cô Dợ đặt ra thách thức  và yêu cầu cấp bạch thực hiện một số giải pháp để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, hạn chế những tác động tiêu cực của các hiện tượng này, góp phần ổn định và phát triển vùng DTTS.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét