RFA, ngày 21 /3/2023 đăng bài: “Bộ Ngoại giao Mỹ: vận động
cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam là chống lại đảng, nhà nước!”. Bài viết
trích đăng một số nội dung trong Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về
tình hình nhân quyền trên thế giới được Bộ trưởng Antony Blinken công bố vào
ngày 20/3. Trong phần Việt Nam, báo cáo nêu rằng: “Chính phủ Việt Nam
không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động.
Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành
động chống lại Đảng và Nhà nước Cộng sản”.
Lập hội và hội họp là một trong những quyền cơ bản của công
dân Việt Nam được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, được
thực thi bình thường trong cuộc sống. Chính phủ đã ban hành Nghị định số
45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm
tạo cơ sở pháp lý cho công dân , tổ chức ở Việt Nam thành lập hội và tạo cơ chế,
chính sách cho hoạt động của các hội, bảo đảm quyền lập hội của công dân. Thực
tế, không gian dân sự cho xã hội đã và đang tồn tại. Hiện nay, Việt Nam đã có rất
nhiều hội, nhóm dân sự hoạt động (khoảng 500 hội) và hoạt động của các hội
không hề bị kiểm soát hay can thiệp trái pháp luật. Nên cáo buộc Việt Nam“hạn
chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội”; “ không cho phép các tổ
chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động” là không có căn cứ
hay việc cho rằng “Nhà nước Việt Nam đang “e dè” về quyền tự do lập hội” là
những ý kiến mang tính “chọc gậy bánh xe”. Việt Nam chỉ không cho thành lập các
hội, các tổ chức không đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP
ngày 21/4/2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ- CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ. Thực
tế ở nước ta, với thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”, với âm mưu thay đổi chính trị ở Việt Nam, các thế lực phản động và
thù địch lợi dụng vấn đề tự do lập hội, núp bóng “dân chủ’, “nhân quyền” để tập
hợp lực lượng đối lập, chống đối Đảng, Nhà nước ngay trong lòng xã hội Việt
Nam. Trong đó, có thể kể đến những cái gọi là: “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Hội Cựu
tù nhân lương tâm”, “Hội Anh em dân chủ”, “Văn đoàn độc lập”, “Kiến nghị 72” …
Những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đóng góp trong việc vận động
cho nhân quyền và dân chủ một cách thực chất, có những đóng góp tích cực đều
được ghi nhận và tôn vinh. Còn vận động cho nhân quyền và dân chủ kiểu
như tổ chức Việt Tân đã và đang làm thì Chính phủ Việt Nam khẳng định là hành động
chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Tân vận động cho nhân quyền và
dân chủ bằng cách mua chuộc, lôi kéo các phần tử bất mãn với chế độ, cơ hội
chính trị và cấp tiền, “đào tạo”, huấn luyện” chúng hoạt động chống Đảng và Nhà
nước Việt Nam. Từ năm 2018, Việt Tân còn treo “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình
Lượng” để trao cho những tổ chức, cá nhân có “thành tích” chống phá Đảng, Nhà
nước Việt Nam. Lê Đình Lượng là kẻ bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt
20 năm tù và phạt quản chế 5 năm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân”. Từ năm 2018 đến năm 2022 giải thưởng này lần lượt được trao cho tù nhân
Trần Thị Nga; Phan Kim Khánh; linh mục Đặng Hữu Nam … tất cả bọn chúng đều là những
trọng tội và bị pháp luật trừng trị. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều thực
hiện việc quản lý tổ chức xã hội dân sự thông qua các quy định khá chặt chẽ về
việc thành lập hội, tổ chức phi chính phủ. Đối với Việt Nam, thể chế quản lý tổ
chức và hoạt động của các tổ chức xã hội phải phù hợp với cơ chế vận hành của
thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Còn cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền trong việc: “Bắt
và giam giữ người tùy tiện, truy tố một cách tùy tiện những người chỉ trích
Chính phủ; tù nhân chính trị”. Đây là một sự vu khống. Những người bị bắt đều
là những tội phạm hình sự đã hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, kích động lật
đổ chính quyền, nhiều người trong số đó có liên lạc với các tổ chức phản động ở
nước ngoài để nhận tiền, để được “tuyển mộ”, “huấn luyện”, “chỉ đạo” thực hiện
các hoạt động phá hoại, gây rối, làm mất an ninh – trật tự, bạo loạn, chống lại
chính quyền nhân dân. Tại Việt Nam, không có ai chỉ vì có chính kiến riêng,
quan điểm chính trị khác, hay ủng hộ dân chủ mà bị bắt giam. Còn báo cáo
nêu: “Một số lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự được Chính phủ Hà Nội cho
phép hoạt động bị bắt và sau đó bị kết án tù. Đó là trường hợp của bà Ngụy Thị
Khanh, ông Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương và ông Đặng Đình Bách. Họ bị kết
án với cáo buộc trốn thuế. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế tin rằng cả
4 người này bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường”. Các
vụ án của Bà Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều
được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu,
chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Bà Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế với
số tiền 456 triệu đồng; Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương trốn thuế gần 2 tỷ đồng
và Đặng Đình Bách là 1,38 tỷ đồng. Vì vậy,“các tổ chức nhân quyền quốc tế tin rằng
cả 4 người này bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường” là
không đúng với bản chất của vụ việc, là cố tình phớt lờ sự thật, để xuyên tạc,
suy diễn, dựng chuyện“chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường”. Những tổ
chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động môi trường ở Việt Nam, có những đóng góp
tích cực đều được ghi nhận. Đồng thời, chúng ta cũng xử nghiêm các hành vi lợi
dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi trường, để gây mất trật tự xã hội, vi
phạm pháp luật.
Về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền tiếp cận
thông tin của người dân càng ngày càng được bảo đảm tốt hơn thể hiện qua sự
phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các
phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo chí;
670 cơ quan tạp chí; 72 đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động báo chí
có khoảng 41.000 người; 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú
tại Việt Nam, người dân Việt Nam được tiếp cận với 77 kênh phát thanh, 194 kênh
truyền hình trong nước và 57 kênh truyền hình nước ngoài. Về quyền tự do
Internet, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam được xếp trong tốp đầu thế giới. Một tổ
chức quốc tế thống kê: Việt Nam có khoảng 150 triệu kết nối mobile, khoảng 70%
dân số dùng internet. Hạ tẩng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp
quang đã tới 98% số xã, phường. Nhà nước Việt Nam khuyến khích sử dụng internet
để phục vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính,
nâng cao chất lượng cuộc sống và các quyền tự do cơ bản của nhân dân.
Về quyền tự do bầu cử, ứng cử và tham gia chính trị được quy
định trong Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, các quyền này còn được quy định tại
các văn bản pháp luật như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt
là Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân . Theo đó, bầu cử được tiến hành
theo phương thức bình đẳng, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo,
vùng miền, trình độ văn hóa, thời gian cư trú, thực hiện theo nguyên tắc phổ
thông đầu phiếu. Việt Nam coi việc phát huy dân chủ ở cơ sở là một trong những
biện pháp đảm bảo sự thắng lợi của công cuộc đổi mới. Theo đó, Nhà nước tăng cường
dân chủ trực tiếp, nhất là là ở cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2015 Quốc hội Việt Nam
đã thông qua Luật Trưng cầu dân ý. Ngày nay, thu thập rộng rãi ý kiến người dân
đã trở thành thủ tục bắt buộc trước khi trình các văn bản Luật và các dự án lớn
lên Quốc hội.
Đảng và Nhà nước ta nhất quán xác định con người là trung
tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Quan
điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển
kinh tế xã hội, theo đó các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự,
kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến
pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người
được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình. Để bảo đảm quyền
con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền
con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành: Luật Hòa giải, đối
thoại tại Tòa án; Luật Cư trú; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Báo chí; Luật Tiếp
cận thông tin; Luật An ninh mạng …
Những thành tựu quan trọng đạt được trên các lĩnh vực đời sống
văn hóa, xã hội, kinh tế, đã chứng minh sự nỗ lực bền bỉ của Đảng, Nhà nước Việt
Nam trong việc bảo đảm, tôn trọng quyền con người và nâng cao chất lượng thụ hưởng
các quyền con người của người dân. Giai đoạn 2016 – 2020: GDP đạt 6%; chỉ số
tiêu dùng CPI bình quân đạt 3,15% giảm mạnh so với giai đoạn 2011 – 2015
(7,7%); Lạm phát 1,81% giảm mạnh so với giai đoạn 2011 – 2015 là 5,15%. Tỷ lệ hộ
nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống dưới 3% vào năm
2920. Tuổi thọ trung bình năm 2020 ước đạt 73,7 tuổi (cao hơn mức trung bình
trong khu vực Đông Nam Á). GDP năm 2022 đạt 8,02% thuộc nhóm các nước tăng trưởng
cao nhất thế giới. Năm 2023, chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam là 5,8, đứng thứ 4
trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65/150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ
nhiệm kỳ 2014 – 2016 và Việt Nam lại được bầu làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ
2023 – 2025, không chỉ minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện
nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ,
tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng
và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình
nhân quyền trên thế giới phần về Việt Nam đã đưa ra một số nhận định thiếu
khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại
Việt Nam. Những bình luận mang dụng ý xấu, xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam của
RFA sẽ ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ
đang muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, để đạt được điều này cả hai phía đều
phải cố gắng. Riêng về phía Hoa Kỳ cần phải có nhận định, đánh giá thật khách
quan về tình hình thực tiễn Việt Nam, thể hiện sự tin cậy Việt Nam ở mức độ cao
hơn.
Share this:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét