Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Bàn về luận điệu “Độc đảng níu kéo tiến bộ của dân tộc”

 

Để công kích, phủ nhận thể chế chính trị ở Việt Nam, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nào. Chẳng hạn như bài viết: “Còn độc đảng cai trị Việt Nam không thể thu hút nhân tài” trên trang mạng gần đây là sự bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân tài Việt Nam. Bài viết đó biện luận rằng: “Độc đảng dẫn đến độc tài”. “Thể chế cộng sản đã níu kéo tiến bộ của dân tộc”. “Đảng Cộng sản Việt Nam chưa làm được điều gì cho đất nước”. “Người cộng sản luôn giữ miếng với nhau, sẵn sàng đấu tố với nhau qua cái gọi là “phê và tự phê” chắc chắn không minh bạch với người không hồng, không phải đảng viên”. “Nếu còn tổ chức đảng kiểm soát, nhân tài không thể thi thố tài năng, bị thui chột, què quặt, đui mù hay không cống hiến hết sức mình được”. Rồi họ nhận định: “Tại Việt Nam, một kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ ra trường, giỏi, dở không biết, nếu không có người đỡ đầu, không có tiền, và nhất là không “hồng”, khó lọt vào Đảng, Chính phủ”. Và họ đòi hỏi: “Phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, nhất là đa đảng đối lập” với lý do “chỉ có thực hiện đa nguyên, đa đảng thì đất nước mới có cơ phát triển, nếu không sẽ rơi vào bế tắc”…

Rõ ràng toàn là những lời bịa đặt, cần phải phê phán.

Sự thật lịch sử chứng minh, Việt Nam không phải là nước độc đảng, mà là nước đa đảng. Việt Nam vốn là nước có nhiều đảng phải, chứ không phải một đảng như một số người thường rêu rao. Về vấn đề này, tôi đã trình bày cặn kẽ trong bài viết trước đây của tôi: “Họ đòi đa nguyên, đa đảng nhằm mục đích gì?”. Trong bài này, tôi xin nói thêm một số vấn đề để trao đổi cho rõ. Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, từ trước và sau Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tại Việt Nam đã có 102 đảng phái và các tổ chức chính trị xuất hiện, trong đó có những đảng phái lớn như Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đảng (Việt cách), Tân Việt Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt), Đảng Lập hiến Đông Dương, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam,… Ngay như trong tổ chức của những người cộng sản Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cũng đã có 3 Đảng Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Tuy nhiên, các đảng phái đó, lần lượt lụi tàn dần trên chính trường Việt Nam, bởi nó không đáp ứng được xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh, các đảng phái đó buộc phải rút lui trên chính trường Việt Nam, vì không đủ sức lãnh đạo và không có đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam. Còn lại là Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, cuối cùng là trở lại với Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1976). Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đầy đủ phẩm chất, uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đủ bản lĩnh và trí tuệ đưa Việt Nam trở thành dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.Các đảng phái chính trị ở Việt Nam thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối và phương pháp cách mạng đúng và sáng tạo, phù hợp với nguyên vọng của nhân dân Việt Nam, rất xứng đáng trong việc tập hợp nhân dân, tạo thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước ở thời kỳ quá độ, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, được nhân dân đồng tình và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng và nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân rõ ràng được nâng cao hơn trước; bộ mặt đất nước thay đổi từng ngày, từng giờ. Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại lâu dài trên đất nước Việt Nam, bởi nó được quyết định bởi chính lịch sử.

Một đảng lãnh đạo, nhưng xu hướng vẫn phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một Đảng lãnh đạo, nhưng Việt Nam có cả một hệ thống chính trị vững mạnh với Mặt trận dân tộc thống nhất cùng nhiều đoàn thể chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân, đoàn kết chung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để cùng nhau thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mục đích hoạt động của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tài Việt Nam nở rộ qua các thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, lúc đầu, một số người lãnh đạo có cái nhìn lệch lạc đối với trí thức, nhân tài. Đến thời điểm tháng 5-1931, cái nhìn lệch lạc đối với trí thức và nhân tài bắt đầu được uốn nắn. Đảng đã bắt đầu nhìn thấy vấn đề trí thức, nhân tài và nhìn họ ở góc cạnh tích cực hơn là tiêu cực. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) do Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì, thì vấn đề trí thức, nhân tài mới dần dần được gỡ ra. Hội nghị Trung ương 8 đánh giá tầng lớp trí thức, nhân tài Việt Nam, vốn có tinh thần yêu nước và tinh thần dân chủ, luôn luôn có mặt trong cuộc vận động chống đế quốc. Nhiều trí thức, nhân tài hăng hái tham gia phong trào cách mạng, chiến đấu vì lá cờ đại nghĩa của dân tộc. Đặt vấn đề dân chủ đối với trí thức, nhân tài là đáp ứng đúng nguyện vọng của họ, vì chỉ khi có dân chủ, trí thức, nhân tài mới có thể phát huy được khả năng sáng tạo của mình.

Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) đã nêu rõ quan điểm của Đảng đối với vấn đề trí thức, nhân tài: “Về thành phần, Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng”1. Đối với những trí thức, nhân tài, “họ có tinh thần cách mạng và là bạn đồng minh có thể tin cậy của giai cấp công nhân”2. “Nhưng họ không thể lãnh đạo cách mạng, vì do địa vị xã hội của họ, họ có thái độ không được dứt khoát”3, “không có lập trường chính trị độc lập”4. Mặc dù còn có những ý kiến đánh giá khác nhau về vấn đề trí thức, nhân tài tại Đại hội II của Đảng, nhưng nhìn chung, giới trí thức và nhân tài đều cho rằng, Đại Hội II đã nâng nhận thức về trí thức, nhân tài lên một bước mới, biết tập hợp lực lượng, trong đó có lực lượng trí thức, nhân tài, cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sau Đại hội II, các Đại hội III, IV, V, VI, VII, VIII, XIX, X, XI, XII, XIII đều có cái nhìn khách quan về vấn đề trí thức và nhân tài.

Cho đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X (Nghị quyết số 27, ngày 6-8-2008) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thì vấn đề trí thức (trong đó có nhân tài) mới được đặt ra một cách tương đối bài bản.

Giữa Đảng với trí thức, trí thức với Đảng có sự gắn bó và sự hiểu nhau hơn. Thực ra, Đảng và trí thức, nhân tài là hai thực thể, tuy hai lực lượng này không hoàn toàn khác biệt. Việc xây dựng hai thực thể này là một yêu cầu khách quan, như mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để trí thức thu nhận thông tin, tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học và văn hóa thế giới, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ chính trị; khuyến khích tự do sáng tạo, ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ; phổ biến các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật có giá trị; phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng. Tổ chức tốt các lượng khoa học và văn hóa, nghệ thuật, thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu của Nhà nước. Phát huy vai trò của trí thức, nhân tài trong việc xây dựng luật pháp và chính sách.

Trên đây là một số vấn đề về trí thức nhân tài và Việt Nam có phải là độc đảng hay không? Vấn đề nên hiểu là Việt Nam lúc đầu là có rất nhiều đảng, phái chính trị. Nhưng trong quá trình đấu tranh, các đảng, phái đó lần lượt lụi tàn dần trên chính trường Việt Nam, bởi nó không đáp ứng được xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam. Chỉ còn lại duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì vậy, sự vu khống Việt Nam độc đảng là không có cơ sở, cần phải phê phán.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét