Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Người biểu tình Hong Kong: trụ vững hay sa lầy trong xung đột?



Trong tuần qua, giới chống đối đã tận dụng tình hình căng thẳng của đợt biểu tình ở Hong Kong để công kích chế độ, kêu gọi học tập làm cách mạng đường phố.
Nhìn lại, có thể thấy khi khởi đầu biểu tình vào ngày 06/06/2019, phong trào ở Hong Kong chỉ nhắm đến một yêu sách duy nhất, là đòi chính quyền thành phố hủy Dự luật Dẫn độ. Sau khi chính quyền nhượng bộ bằng cách đình chỉ Dự luật vào ngày 15/06, và tuyên bố rằng Dự luật “đã chết” vào ngày 09/07, phong trào tiếp tục biểu tình để đòi thực hiện 5 yêu sách khác. Đó là (1) hoàn toàn rút Dự luật khỏi quy trình lập pháp; (2) rút lại tuyên bố rằng phong trào có tính “bạo loạn”; (3) thả những người biểu tình bị bắt; (4) thành lập ủy ban độc lập để điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát khi ngăn biểu tình; (5) giải tán Hội đồng Lập pháp và bãi chức Đặc khu trưởng hiện tại, để bầu lại theo quy trình tự do cũ.
「biểu tình Hong kong」的圖片搜尋結果
Trong nửa đầu tuần qua, phong trào đã tăng độ căng thẳng khi người biểu tình đánh chiếm sân bay quốc tế và kêu gọi đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng, gây đình trệ giao thông và thiệt hại kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều người biểu tình cũng bắt đầu vẫy cờ Mỹ, đòi “giải phóng Hong Kong”, đòi Hong Kong ly khai khỏi Trung Quốc để đứng về phía “thế giới tự do”, đòi Anh và Mỹ can thiệp… Những diễn biến này đã khiến bạo lực gia tăng từ cả 2 phía – với việc cảnh sát bắt mù mắt một người biểu tình, còn người biểu tình bắt giữ, đánh đập và hạ nhục nhiều người bị xem là cảnh sát Đại lục trà trộn, dù số này bao gồm cả phóng viên và thường dân. Andy Chan, người đứng đầu Đảng Quốc gia Hong Kong (chủ trương ly khai), còn xem xét khả năng kêu gọi quốc tế cấm vận Hong Kong, để nếu họ không thể giữ Hong Kong thì Trung Quốc cũng không thể giữ.
Trong nửa sau của tuần, cả chính quyền Trung Quốc lẫn phong trào biểu tình đều áp dụng những gói giải pháp mới để vượt qua tình thế căng thẳng.
Cụ thể, nhà nghiên cứu Adam Ni cho biết Trung Quốc đang tiến hành một gói giải pháp gồm 6 điểm. Đối với tầng lớp trên trong xã hội Hong Kong, họ chủ trương (1) tăng hỗ trợ lực lượng cảnh sát Hong Kong; (2) lôi kéo giới kinh doanh và tinh hoa Hong Kong; (3) trừng phạt các doanh nghiệp Hong Kong ủng hộ biểu tình; (4) hội nhập kinh tế Hong Kong vào kinh tế Đại lục. Đối với tầng lớp dưới trong xã hội, họ chủ trương (5) xử lý mạnh tay; (6) tăng cường bôi xấu người biểu tình, kể cả bằng thông tin không chính xác, để lôi kéo sự ủng hộ của cư dân Đại lục và quốc tế.
Ở phía bên kia, người biểu tình dồn sức làm truyền thông bằng các biển hiệu xin lỗi, các câu chuyện người tốt việc tốt, các poster và ảnh chụp đẹp… để gỡ gạc lại uy tín sau những hành động bạo lực của mình. Ngoài ra, họ cũng đề ra một số “bang quy” – như (1) không đánh nhà báo, cứu thương, dân thường; (2) không lạm dụng bạo lực và tra tấn; (3) không chĩa bút laser lung tung trong trường hợp không có cảnh sát…
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối lời khuyên của cố vấn Nhà trắng rằng ông nên tuyên bố ủng hộ người biểu tình Hong Kong. Ông Trump chỉ viết tweet đề nghị gặp riêng ông Tập Cận Bình để bàn về Hong Kong, và nói rằng sẽ không có thỏa thuận thương mại nếu ông Tập để vụ Thiên An Môn tái diễn.
Như vậy, dù những người biểu tình ở Hong Kong đang tỏ ra nguy hiểm, tương lai của họ thực ra khá u ám, vì 3 lý do. Một: họ đã thật sự có hành vi và tâm thế bạo động và phá hoại, thay vì giữ được sự ôn hòa, tỉnh táo ban đầu. Hai: Bắc Kinh sẽ đẩy các tầng lớp của Hong Kong chống lại nhau, trong khi không nền dân chủ tư sản nào vững bền nếu thiếu sự ủng hộ của tầng lớp doanh nhân và trí thức. Ba: người biểu tình Hong Kong nghĩ “thế giới tự do” sẽ đứng về phía họ, nhưng Donald Trump thì không.
Lâu nay, Hong Kong tự định nghĩa mình như một hải cảng, một điểm giao lưu văn hóa, và một nền dân chủ tư sản. Cả 3 thứ đó đều tồn tại nhờ những cuộc trao đổi công bằng, thay vì nhờ những xung đột ý thức hệ mang tính duy ý chí. Hy vọng người Hong Kong có đủ tỉnh táo để bảo vệ bản sắc của mình, thay vì đánh mất nó trong một trò chơi xung đột, mà họ không có cửa thắng bậc thầy Bắc Kinh.
 Nguyễn Biên Cương

1 nhận xét: