Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Những cái loa nhân danh “bảo vệ môi trường” để can thiệp nội bộ Việt Nam

 


Phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng về tội trốn thuế (theo quy định tại Khoản 3, Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015) đã khép lại với mức án 3 năm tù dành cho bị cáo. Sẽ chẳng có gì phải bàn thêm nếu không có chuyện sau phiên tòa, một số trang mạng như: VOA tiếng Việt; BBC News tiếng Việt; Đài RFA; RFI… liên tục đăng phát ý kiến của các tổ chức nhân quyền quốc tế tỏ ra nghi ngờ việc bà Hoàng Thị Minh Hồng bị cáo buộc về tội “trốn thuế”; tỏ rõ thái độ che chắn, bênh vực và đòi trả tự do ngay lập tức cho “nhà hoạt động môi trường” này. Các trang mạng trên còn dẫn lời một số “chuyên gia” nhân quyền cho rằng vụ bắt giữ, xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và các vụ bắt giữ những năm gần đây là “một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự… của Đảng Cộng sản Việt Nam”…

Cần phải khẳng định ngay rằng, bản án dành cho Hoàng Thị Minh Hồng là đúng người, đúng tội, thể hiện sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Theo cáo trạng, bà Hoàng Thị Minh Hồng là Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (Change). Quá trình hoạt động, từ năm 2012 – 2022, trung tâm Change phát sinh doanh thu hơn 69 tỷ đồng. Với vai trò giám đốc, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng đã chỉ đạo nhân viên thuộc quyền không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ… nhằm trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng… Trước tòa, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin được hưởng lượng khoan hồng. Mọi tình tiết liên qua đến vụ án đã rõ như ban ngày, ấy vậy mà một vài tổ chức nhân quyền quốc tế tỏ ra hoài nghi về tội “trốn thuế” đối với bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng. Đây là một sự hoài nghi hoàn toàn vô căn cứ, không có cơ sở và nhằm mưu đồ xấu, gây phương hại cho xã hội.

Việc bắt giữ, điều tra, xét xử đối với công dân vi phạm pháp luật là công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân nào đứng ra bênh vực và đòi trả tự do ngay lập tức cho “nhà hoạt động môi trường” Hoàng Thị Minh Hồng là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc làm ấy vừa vi phạm nghiêm trọng công ước, vừa trái nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Pháp luật Nhà nước Việt Nam cũng quy định rõ các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó phải: Tôn trọng pháp luật và phong tục, tập quán của Việt Nam; không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Từ tội “trốn thuế” một số đối tượng thuộc các tổ chức nhân quyền quốc tế lại xảo biện cho rằng đó là “bắt giữ nhà hoạt động khí hậu”, “nhà hoạt động môi trường”… là không đúng với bản chất của vụ án, cố tình bóp méo, xuyên tạc trắng trợn sự thật, suy diễn, dựng chuyện vu cáo Nhà nước Việt Nam bỏ tù các “nhà hoạt động môi trường…”

Bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trọng tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững”. Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành động của mình. Những tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường đều được Nhà nước Việt Nam ghi nhận và tôn vinh. Cũng như các quốc gia trên thế giới Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi trường, để gây mất trật tự xã hội, vi phạm pháp luật.

Luận điệu cho rằng việc xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và các vụ bắt giữ những năm gần đây là “một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự… của Đảng Cộng sản Việt Nam” là xuyên tạc, dựng chuyện, vu khống trắng trợn. Ở Việt Nam chẳng hề có “chiến dịch” nào cả. Đó là suy nghĩ thấp hèn, hồ đồ của những kẻ mang tâm địa xấu xa, đen tối, chuyên chống phá Việt Nam. Mục đích việc làm của họ không gì khác là khiến cho người đọc hiểu sai bản chất các vụ án, vụ việc trong thời gian qua để kiếm cớ chống phá Việt Nam. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân, hội, nhóm, tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước theo đúng quy định của pháp luật.

Ở Việt Nam không bao giờ có chuyện bắt, giam giữ, xét xử tùy tiện các nhà bảo vệ môi trường chân chính, đúng nghĩa. Chỉ có những người lợi dụng hoạt động bảo vệ môi trường vi phạm pháp luật, phạm tội mới bị bắt, giam giữ và điều tra, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Những tổ chức, cá nhân khoác áo “bảo vệ môi trường” để thực hiện ý đồ chính trị, dựng chuyện, vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là không thể châp nhận. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh lên án, bác bỏ những luận điệu, chiêu trò sai trái, đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc đó./.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét