Thời gian gần đây, một số tổ chức, hội nhóm phản động ở hải
ngoại như: Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Phóng viên không biên giới
(RSF), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Freedom House (FH),… vẫn đứng ra che
chắn, bênh vực cho những người mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”
đang thụ án và rêu rao xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp báo chí”,
“bóp nghẹt tự do báo chí”… Đây là sự nhập nhèm, vu khống một cách trắng trợn.
Ở Việt Nam quyền tự do báo chí được bảo đảm bằng Hiến pháp,
pháp luật và được thực thi trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,
biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để quyền tự do
báo chí của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến
pháp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng như Luật Báo chí,
Luật An ninh mạng; Luật Xuất bản… và Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều văn bản
quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho báo chí Việt Nam phát triển, bảo
đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do báo chí của công dân.
Điều 13 Luật Báo chí hiện hành quy định rõ trách nhiệm của
Nhà nước Việt Nam đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo
chí của công dân: “1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện
quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy
đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật
và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự
do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền
dẫn và phát sóng.”
Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền
tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng
vai trò của mình, Luật Báo chí cũng quy định rõ, trách nhiệm, chính sách của
Nhà nước về phát triển báo chí, trong đó khẳng định Nhà nước “Có chiến lược quy
hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí” đồng thời “xây dựng, chỉ đạo và tổ
chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí”.
Điều 13 của Luật Báo chí cũng quy định trách nhiệm của Nhà
nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công
dân. Theo đó, Điều 10 quy định công dân có quyền: “1. Sáng tạo tác phẩm báo
chí. 2. Cung cấp thông tin cho báo chí. 3. Phản hồi thông tin trên báo chí. 4.
Tiếp cận thông tin báo chí. 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm
báo chí. 6. In, phát hành báo in.”
Điều 11 của Luật này cũng quy định công dân có quyền: “1.
Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới. 2. Tham gia ý kiến xây dựng
và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các
tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính
trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ
chức, cá nhân khác.” Cùng với tôn trọng và bảo đảm quyền tự do báo chí, cũng
như mọi quốc gia trên thế giới Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường
hợp lợi dụng quyền tự do báo chí để vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước
và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.
Như vậy, có thể khẳng định ở Việt Nam quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí đã được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ, rõ ràng và công
khai, minh bạch. Trong những năm gần đây, báo chí Việt Nam có sự phát triển mạnh
mẽ, toàn diện. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 127 cơ quan
báo; 670 cơ quan tạp chí; 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và thông tin
điện tử. Báo chí Việt Nam một mặt thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động
của xã hội, một mặt báo chí là diễn đàn của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Báo
chí Việt Nam là nơi để công dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế bày tỏ tâm tư,
nguyện vọng với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Báo chí Việt Nam còn là kênh phản biện quan trọng về những chủ trương
chính sách kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước… Thực
tế những gì đang diễn ra đã chứng minh thuyết phục, sinh động về bảo đảm quyền
tự do báo chí ở Việt Nam.
Sự nhập nhèm “đánh lận con đen” khoác cho các blogger,
facebook… cái danh “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” để rồi đứng ra che chắn,
bênh vực và những luận điệu vu khống Nhà nước Việt Nam “đàn áp báo chí”, “bóp
nghẹt tự do báo chí”… càng cho thấy rõ mục đích, động cơ chính trị không trong
sáng của một số tổ chức, hội nhóm phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam. Ở Việt
Nam không có “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”… mà chỉ có nhà báo hành nghề được
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ, còn những người dùng blogger, facebook…
viết ý kiến cá nhân, họ không phải là nhà báo. Nhà nước Việt Nam không bỏ tù bất
cứ nhà báo nào chỉ vì họ hành nghề báo chí như một số tổ chức, hội nhóm phản động
cáo buộc mà chỉ có những công dân vi phạm pháp luật nên phải chịu các hình phạt
theo quy định của pháp luật mà thôi. Một số blogger, facebook… bị phạt tù vì họ
đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Các phiên tòa xét xử các blogger, facebook… đều
được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trước
HĐXX với những chứng cứ phạm tội rõ ràng, các cá nhân sử dụng blogger,
facebook…vi phạm pháp luật đều phải cúi đầu nhận tội. Việt Nam không “đàn áp
báo chí”, không “bóp nghẹt tự do báo chí”, không bỏ tù bất kỳ ai một cách vô cớ.
Nhân dân Việt Nam chẳng lạ gì động cơ, mục đích của một số tổ
chức, hội nhóm phản động như đã nêu trên. Chiêu trò của các tổ chức, hội nhóm
này từ nhiều năm nay vẫn thế. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Bức tranh sinh động,
thuyết phục về tự do báo chí ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu bóp
méo, xuyên tạc, vu khống của một số tổ chức, hội nhóm phản động như đã nêu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét