Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

RSF với bảng “tự xếp hạng” xuyên tạc tự do báo chí Việt Nam

 


Mới đây nhất trên mạng xã hội, RSF đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023” trong đó “tự xếp hạng” báo chí Việt Nam đứng thứ 178/180, chỉ đứng trên Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nhân cơ hội đó, các phần tử “dân chủ”, “trí thức đối kháng” phản động, chống đối trong và ngoài nước lại có những phụ họa bình phẩm, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam…



Bọn chúng ra sức tung hô, cổ súy, ca ngợi những kẻ mà họ gán cho những mỹ từ như “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” mà thực ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật Việt Nam xử lý. Chẳng hạn chúng gọi những kẻ như Nguyễn Lân Thắng, Đường Văn Thái, Phạm Đoan Trang, Hữu Danh là các “nhà báo độc lập” cất lên tiếng nói đối kháng nhưng bị đàn áp. Thật nực cười cho những suy luận ngốc nghếch đến bất chấp lẽ phải ấy, bởi ai cũng biết những kẻ vừa nêu tên chính là những đối tượng đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiều lần được giáo dục nhắc nhở nhưng vẫn liên tục có những hành vi vi phạm pháp luật, công kích chống phá chế độ. Tuy nhiên, có một sự thật là, bất chấp những thực tế rành rành diễn ra ấy, các tổ chức thù địch với Việt Nam vẫn đưa ra các loại “bảng xếp hạng”, “báo cáo”, “thống kê”… với những kết luận phiến diện trên cơ sở các tiêu chí chủ yếu là để phục vụ mục đích chính trị như: tỷ lệ tham gia chính trị; quyền tự do cá nhân với thể chế đa nguyên, đa đảng. RSF cũng là một tổ chức như vậy khi liên tục ca ngợi và đưa ra các tiêu chí theo “kiểu phương Tây” để áp dụng, xếp hạng mà bỏ qua các “tiêu chí XHCN”. Bằng chứng là, các nước XHCN hoặc theo xu hướng XHCN đều bị các loại báo cáo này xếp “điểm số dân chủ” rất thấp (như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba…).

Không thể chấp nhận việc một số quốc gia hay tổ chức quốc tế tự cho mình cái quyền dùng các tiêu chí mà họ tự đặt ra để đòi hỏi nước khác phải lấy đó làm tiêu chuẩn rồi đưa ra những xếp hạng tào lao. Câu chuyện về tự do báo chí cũng như vậy? Những xếp hạng cùng các xảo biện vớ vẩn của đám ăn theo nói leo cũng không thể phủ nhận được một một sự thật. Đó là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao.

Trên thực tế, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do báo chí của công dân như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí 2016 qui định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Điều 10 của Luật giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: (1) Sáng tạo tác phẩm báo chí; (2) Cung cấp thông tin cho báo chí; (3) Phản hồi thông tin trên báo chí; (4) Tiếp cận thông tin báo chí; (5) Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; (6) In, phát hành báo in. Điều 11 của Luật quy định quyền tự do trên báo chí của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Ở Việt Nam, công nghệ thông tin và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, cho phép người dân được tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Việc thực hiện quyền tự do internet và mạng xã hội được đặt trong khung khổ pháp luật để bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật.

Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.

Thành tựu của tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của hệ thống báo chí, truyền thông. Những năm qua, báo chí ở Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Thế mà có những tổ chức như RSF vẫn “có tai như điếc, mắt như mù” liên tục bày trò thô thiển nhằm công kích, bôi đen sự thật khi đưa ra những bảng xếp hạng kỳ lạ để phủ nhận những thành quả của sự phát triển báo chí cũng như quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam hòng chống phá chế độ. Thật nực cười, nhưng thôi mặc kệ họ, sự thật vẫn mãi là sự thật không thể che giấu bằng những luận điệu xảo trá và những tiêu chí “trời ơi” như chiêu trò của RSF được.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét