Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Việt Nam với nỗ lực đảm bảo quyền giáo dục cho người dân

 


Tại Khóa họp 53 HĐNQ LHQ, phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như về BĐKH và quyền lương thực, bảo trợ xã hội và sự tham gia, lãnh đạo của phụ nữ, quyền sức khỏe, quyền giáo dục, mua bán người, đói nghèo cùng cực, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái… Tham gia các diễn đàn này, Việt Nam đã tích cực chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam đồng thời học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc nâng cao năng lực bảo vệ quyền con người.



Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu thành tựu, kết quả của Chính phủ ta trong thực hiện quyền được giáo dục cho người dân, nhất là trẻ em.

Trong số các quyền của trẻ em, quyền giáo dục là một trong những quyền nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quyền của trẻ em trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo thành một hệ thống các văn bản pháp luật về quyền trẻ em nói chung và quyền học tập của trẻ em nói riêng. Hiện nay, các quy định về quyền học tập của trẻ em được nêu trong Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, theo đó Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Không chỉ giáo dục chính quy, Nhà nước còn tạo điều kiện để người dân được học liên tục mọi nơi, học suốt đời theo nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Trong giai đoạn 2012-2020 đã xóa mù chữ cho 295.308 người trong độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85% và tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-35 là 99,3%. Ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Mặc dù phải tạm ngưng học trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng tỷ lệ nhập học ở các cấp học vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2018-2020. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phát triển các chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng hội nhập và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, công bằng cho các đối tượng thiệt thòi, yếu thế ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. 100% trường có chương trình giáo dục cơ bản về giới tính, phòng chống bạo lực, xâm hại, cung cấp kiến thức về HIV.

Về giáo dục mầm non: Tổng số học sinh năm 2021 trên toàn quốc là 5.058.256 (giảm 0,72% so với 2019-2020), trong đó có 4.013.539 trẻ em trường công lập (giảm 1,99% so với 2019-2020) và 1.044.717 trẻ em trường ngoài công lập (tăng 4,47% so với 2019-2020).

Về giáo dục tiểu học: Tổng số học sinh 8.889.817 (tăng 1,97% so với 2020), trong đó có 8.751.662 trẻ em trường công lập (tăng 1,8% so với 2020) và 138.155 trẻ em trường ngoài công lập (tăng 13,58% so với 2020).

Về giáo dục trung học cơ sở: Tổng số học sinh 5.925.531 (tăng 5,81% so với 2020), trong đó 5.835.448 trẻ em trường công lập (tăng 5,66% so với 2020) và 90.083 trẻ em trường ngoài công lập (tăng 17,13% so với 2020).

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực; số trẻ em độ tuổi đi học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều tăng so với năm học 2018-2019, góp phần quan trọng trong việc tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được giáo dục và học tập của trẻ em.

Trong bối cảnh COVID-19, các địa phương đã chủ động, sáng tạo trong công tác dạy học kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Chuyển đổi linh hoạt kế hoạch học tập, giảng dạy; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh cao đẳng, đại học, khai giảng năm học mới. Tháng 9/2021, Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn trên cả nước tiếp cận với kiến thức qua hình thức học trực tuyến trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19. Đến nay, 92.629 máy tính bảng được tài trợ từ các doanh nghiệp viễn thông đã giao cho học sinh ở 24 tỉnh sử dụng.

Tỷ lệ trường học kiên cố tại các xã vùng dân tộc thiểu số tăng lên đáng kể: năm 2015 là 77,1% đến 2019 là 91,3%, năm 2019 tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học của 53 dân tộc thiểu số đạt 96,9% vượt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học đạt trên 94,% tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chữ phổ thông ngày càng cao, tỷ lệ biết đọc, viết chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 80,9% tăng 1,7 điểm % so với năm 2015. Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ trên 62 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 87 nghìn máy vi tính, thiết bị học trực tuyến

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, trình độ đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Ngành Giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đã triển khai Chương trình ETEP - Nâng cao năng lực các trường đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Bảo tồn tiếng nói chữ viết cho các dân tộc thiểu số là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của nhà nước Việt Nam. Hiện tại đã triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại 21 tỉnh, thành trong cả nước và đang dạy thực nghiệm 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Năm 2021, các chỉ tiêu về giáo dục cho trẻ em đạt được một số kết quả quan trọng. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo và tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt lần lượt là 99,8% và 92%. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học vượt trước 15 năm so với thời hạn của Mục tiêu Thiên niên kỷ (năm 2000). Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những kết quả đạt được trong việc bảo vệ quyền được giáo dục được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét