Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Việt Nam với thành tựu to lớn đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân

 


Tại Khóa họp 53 HĐNQ LHQ, phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như về BĐKH và quyền lương thực, bảo trợ xã hội và sự tham gia, lãnh đạo của phụ nữ, quyền sức khỏe, quyền giáo dục, mua bán người, đói nghèo cùng cực, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái… Tham gia các diễn đàn này, Việt Nam đã tích cực chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam đồng thời học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc nâng cao năng lực bảo vệ quyền con người.

Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu thành tựu, kết quả của Chính phủ ta trong thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Quyền về chăm sóc sức khỏe được quy định tại Điều 38 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”. Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc sức khỏe: Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Dược năm 2016, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (thay thế Luật Khám chữa bệnh năm 2009).

          Các chính sách về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã hướng tới nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Giai đoạn 2020-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách như: Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác y tế, dân số trong tình hình mới; Đề án Kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025; Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng loạt chính sách ứng phó với dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân được ban hành như: Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19”; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19...

Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong mở rộng tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân, với 92,04% dân số được bao phủ bởi chương trình BHYT vào năm 2025; năm 2022, số bác sĩ, và số điều dưỡng trên 10.000 dân lần lượt là: 11,5. Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong mở rộng tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân, với 92,04% dân số được bao phủ bởi chương trình BHYT vào năm 2025. năm 2022, số bác sĩ, và số điều dưỡng trên 10.000 dân lần lượt là: 11,5. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế),… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế..

Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển, năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên, công tác tiêm chủng được tăng cường. Nhờ đó, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được nhân dân tin tưởng, thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Chính phủ cũng đã bước đầu triển khai có hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Việc đầu tư nguồn lực cho y tế luôn được quan tâm, công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được tăng cường, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, phát triển và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình; chất lượng chẩn đoán, điều trị, phục vụ được nâng lên; người dân, người bệnh hài lòng hơn. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, triển khai mạnh mẽ việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của toàn bộ người dân. Đã hình thành 3 trung tâm y tế chuyên sâu và đang thực hiện đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số giường bệnh là 28/10.000 người vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (26,5 giường). Đã phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại. Y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô.

          Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Duy trì vững chắc mức sinh thay thế từ năm 2006, tổng tỷ suất sinh năm 2020 là 2,12 con/phụ nữ, kiềm chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh. Tầm vóc người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên đạt 168,1 cm đối với nam (năm 2009 là 164,4 cm) và 156,2 cm đối với nữ (năm 2009 là 153,6 cm). Các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa tiếp tục được chú trọng; tử vong bà mẹ và trẻ em giảm.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng. Chính phủ Việt Nam chủ trương bảo đảm tiêm vắc-xin COVID-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của WHO. Đến ngày 28/1/2023, tổng số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 trên cả nước là 266.068.720, vượt mục tiêu do WHO đề ra. Chính phủ cũng thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 (đến ngày 09/02/2023 đã huy động được 10.715,91 tỷ đồng), với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu  vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm quyền y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin , thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin , thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vắc-xin (tính đến hết tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận trên 107 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19).

Với việc mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam đã thực hiện được các kỹ thuật cao trong y tế chuyên sâu, đạt trình độ tương đương với các nước có nền y học hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Về cơ bản các công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị trên thế giới đã được đội ngũ chuyên gia lâm sàng Việt Nam tiếp cận, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới trong các lĩnh vực: Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Lần đầu tiên thực hiện thành công ghép phổi từ người cho chết não tại Việt Nam, đây là sự đột phá về khoa học và công nghệ trong Y học và là thành tích đặc biệt xuất sắc của ngành y tế Việt Nam. Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ứng dụng Robot trong phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ở trẻ em. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như: Cúm A (H7N9, H5N1), sốt xuất huyết, Tay- chân- miệng, Rubella, Sởi, Viêm màng não do vi rút, Viêm màng não do mô cầu, Ho gà, ... Đặc biệt, trong thời gian qua kết quả nghiên cứu lĩnh vực y - dược đã có những đóng góp quan trọng và kịp thời cho công cuộc phòng chống dịch COVID-19, đã cung ứng được thuốc đủ về số lượng, từng bước kiểm soát về chất lượng và giá cả hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.

Tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân tăng từ 8,2 bác sỹ năm 2016 lên 9 bác sỹ năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức ngành y tế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Thực hiện công khai minh bạch giá thuốc, trang thiết bị y tế, giá dịch vụ y tế. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế.

Trong giai đoạn 2020-2021, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 song phòng chống bệnh viêm gan, các dịch bệnh do nguồn nước và các bệnh truyền nhiễm khác vẫn tiếp tục được triển khai nhờ các chương trình quốc gia được thực hiện trong giai đoạn vừa qua[1]. Năm 2022, số bác sĩ, và số điều dưỡng trên 10.000 dân lần lượt là: 11,5 và 14.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chia sẻ, chung tay ủng hộ các quốc gia trong phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm COVID 19… Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN, tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của LHQ và 1 triệu USD cho COVAX và đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX.



[1] Chiến lược quốc gia phòng chng và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét