Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Tự do báo chí ở Việt Nam và Mỹ

 


Báo cáo cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên thẩm vấn, phạt tiền và truy tố các cá nhân vì phát ngôn bị coi là không chấp nhận được, và cấm mọi chỉ trích công khai đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách nhà nước. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng Việt Nam có hệ thống pháp luật rõ ràng để xử lý các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ, hoặc gây rối trật tự công cộng. Các biện pháp này nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an ninh quốc gia.

Ví dụ, trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tên gọi khác là Mẹ Nấm) đã bị xử lý theo pháp luật vì các hoạt động phát tán thông tin sai lệch, kích động bạo lực và chống đối chính quyền. Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, và những người vi phạm pháp luật đều được đảm bảo quyền được xét xử công bằng.

Báo cáo cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam gây ảnh hưởng đến các triển lãm, âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác bằng cách yêu cầu nhiều giấy phép, cũng như kiểm duyệt hoặc hạn chế nội dung đối với thành viên báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Thực tế, việc quản lý và cấp phép cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là điều bình thường ở mọi quốc gia nhằm đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do sáng tạo hay tự do ngôn luận.

Như đã nói, Việt Nam có một nền báo chí đa dạng và phát triển, với hàng trăm tờ báo, tạp chí và kênh truyền hình, cả nhà nước và tư nhân, hoạt động sôi nổi. Các phương tiện truyền thông này thường xuyên đưa tin, phản ánh nhiều góc độ khác nhau về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa. Ví dụ, báo chí Việt Nam đã có nhiều bài viết phê bình, phản ánh các vấn đề nóng như tham nhũng, ô nhiễm môi trường và các vụ án lớn. Điều này cho thấy, truyền thông Việt Nam có quyền tự do phản ánh các vấn đề xã hội một cách đa chiều và công bằng.

Trong khi đó, các nước phương Tây, nhất là Mỹ vẫn luôn dùng cụm từ “tự do báo chí” để săm soi, chỉ trích, lên án những nước không phải là đồng minh đã vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và từ đó họ chụp cho những quốc gia này cái mũ vi phạm dân chủ, nhân quyền... Dù lớn tiếng rêu rao như thế nhưng sự thật họ đã và đang cố tình tảng lờ một thực tế là ngay cả ở Mỹ cũng như phương Tây, nơi vẫn được gọi là “thế giới tự do”, tự do ngôn luận và tự do báo chí thì cũng chỉ là điều không tưởng. Khi đánh giá thực chất tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây, ông Paul Sethe là nhà báo danh tiếng, đồng thời là nhà văn và nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Cộng hòa Liên bang Đức đã khẳng định: “Tự do báo chí ở các nước phương Tây là tự do phổ biến những ý kiến riêng của 200 người giàu có”.

Chưa hết, tự do báo chí ở Mỹ còn là việc các cơ quan chức năng đại diện cho giới tài phiệt ở quốc gia này có quyền tự do xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác. Bằng chứng là vào những ngày đầu tháng 6 -2013, làng báo quốc tế xôn xao trước sự việc hãng AP kiện Bộ Tư pháp Mỹ vì đã nghe lén điện thoại và kiểm tra email của 20 phóng viên. Theo thông tin của AP, Bộ Tư pháp Mỹ đã “bí mật thu các cuộc điện thoại ở hơn 20 đường dây được phóng viên và văn phòng AP đăng ký, bao gồm cả điện thoại di động và cố định”. Phát biểu về sự việc này trên tờ Yahoo News, nhà sản xuất phim tài liệu Mỹ Robert Greenwald đã nhận định: “Đây là kết quả của các chính sách mà chính quyền Mỹ đang áp dụng. Điều này đã trở thành hệ thống. Đây không phải chỉ xảy ra một lần, không phải là một vụ tai nạn. Đây chính là một nỗ lực để khiến những nhà cung cấp thông tin phải giữ im lặng. Đây quả là một điều đáng tiếc”.

Trước đó, vào ngày 17-1-2005, ngay trước khi diễn ra lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã nhận được một “món quà” từ các quan chức báo chí. Kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ CBS đã quyết định sa thải 4 phóng viên dám cả gan xâm phạm đến quá khứ “vinh quang” trong quân ngũ của người đứng đầu Nhà Trắng. Lý do là ngày 8-9-2004, kênh truyền hình này đã phát một đoạn phim phóng sự trong chương trình “60 phút”, nói về thời gian phục vụ của ông George W.Bush tại căn cứ không quân thuộc lực lượng vệ binh quốc gia ở Texas hồi đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Nội dung trong đó cho biết, Bush thường xuyên lẩn trốn việc tập luyện cũng như những đợt kiểm tra y tế bắt buộc. Ngoài ra, còn có một quan chức thân cận nào đó với Bush - cha đã gây áp lực với Killian để ông ta làm ngơ trước những vi phạm của Bush - con. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ nội dung nêu trên được trích dẫn chính xác từ bản ghi chép công việc của Trung tá Jerry Killian, cựu chỉ huy của ông W.Bush ngày đó.

Tồi tệ hơn, với tư cách là nước đặt trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ), lẽ ra Mỹ có nghĩa vụ không cản trở công việc của các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài hoặc công việc của các nhà báo đưa tin về hoạt động của LHQ, bất kể hoàn cảnh nào. Thế nhưng Washington đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo Nga tháp tùng Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến trụ sở LHQ. Mặc dù trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã liên hệ nhiều lần và được Bộ Ngoại giao Mỹ đảm bảo rằng thị thực “sắp được cấp”. Tuy nhiên, đây là một lời nói dối trắng trợn. Vì thế, ngày 23-4-2023, trước khi lên đường đến New York để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an LHQ, ông Serguei Lavrov đã chỉ trích Hoa Kỳ có một quyết định “hèn hạ”. Đồng thời, Ngoại trưởng Nga còn mỉa mai rằng, Hoa Kỳ đã cho thế giới thấy rõ giá trị của những tuyên bố của họ về tự do ngôn luận, tự do báo chí. 

Trơ trẽn và lố bịch hơn, nhân danh “tự do báo chí” kiểu Mỹ và phương Tây, họ tung ra các bài viết, clip, ảnh và đủ thứ tư liệu ngụy tạo, bịa đặt cùng những bình luận theo kiểu bất chấp sự thật nhằm gieo rắc hoang mang ở các quốc gia không phải là đồng minh. Đã vậy, họ còn ra sức tung hô, cổ xúy, ca ngợi những kẻ mà họ gán cho những mỹ từ như “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” mà thực ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật Việt Nam xử lý. Trong khi đó, Bộ luật United States Code năm 1953 của Mỹ đã bổ sung điều khoản cho phép xét xử việc đăng tải các tài liệu mà chính phủ cho là bí mật. Thế nhưng trong đạo luật này không hề có quy định như thế nào là bí mật. Như vậy, một khi thông tin bị chính phủ phán cho là bí mật thì chắc chắn nhà báo sẽ phải hầu tòa.

Từ những sự kiện nêu trên mọi người có thể dễ dàng thấy, trong khi chính quyền Mỹ cao giọng rao giảng về chuyện bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận thì chính các nhà cầm quyền Mỹ lại đang sử dụng quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng USD để thao túng báo chí, phục vụ lợi ích của mình. Thật lố bịch và trơ trẽn, các thế lực thù địch còn lớn tiếng quy chụp rằng, ở Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân là không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí. Thâm độc hơn, chúng còn lợi dụng các vụ, việc một số nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo bị xử lý để cho rằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam bị hạn chế, thậm chí bị đàn áp… Từ đó, họ đòi Việt Nam phải tổ chức, quản lý báo chí theo “mô hình báo chí phương Tây”, đòi “tư nhân hóa báo chí” để biến báo chí ở Việt Nam thành công cụ phục vụ mưu đồ của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét