Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Tin giả về Biển Đông xuất hiện tràn lan, lừa được cả “trí thức phản biện”



Đầu tháng 07/2019, Trung Quốc đã đưa một số tàu khảo sát, tàu hải cảnh đến quấy rối, thăm dò các mỏ dầu tại vùng biển bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi thông tin về vụ xâm phạm này xuất hiện trên Internet vào ngày 10/07, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã lợi dụng tình hình để tung tin giả, đòi thay đổi đường lối đối ngoại, kích động biểu tình, và tuyên truyền chống Nhà nước. Trong tuần cuối tháng 7, các hoạt động tuyên truyền vừa nêu đã được duy trì với lượng bài viết không giảm.
Trong tuần qua, dư luận phi chính thống đã truyền tay nhau nhiều thông tin sai sự thật về tình hình xung đột ở bãi Tư Chính – như “Tổng thống Trump thách Trung Quốc dám động vào Bãi Tư Chính”, “Nga triệu tập Đại sứ Trung Quốc về việc xâm phạm Bãi Tư Chính”, “Liên Hiệp Quốc cảnh cáo Đại sứ Trung Quốc vì hành động phạm pháp tại Biển Đông”… Nhìn chung, chúng là những tin tức giả về “tình hình chiến sự”, sự can thiệp của nước ngoài, hoặc trách nhiệm của một số Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc xung đột tại bãi Tư Chính.



Qua tìm hiểu, được biết có ít nhất 2 trang mạng đang cố tình tạo tin tức giả về tình hình Biển Đông.
Thứ nhất, là trang “Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc” (vnctq.com). Ở mục giới thiệu, trang này tự xưng là “Tạp chí điện tử của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Academia Sinica”, đặt trụ sở tại “No. 128 Academia Road, Taipei, Taiwan”. Nhưng trong thực tế, cái tên “Academia Sinica” và địa chỉ trụ sở vừa nêu thuộc về Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan. Còn “Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc” vốn là tên tờ báo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (ICS), có trụ sở tại Phòng 1306 Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Thứ hai, là kênh Youtube “KTV1”. Kênh này được lập vào ngày 14/05/2019, ban đầu được dùng để tung tin giả về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó đến nay, KTV1 đã đăng thêm một lượng lớn tin giả về tình hình nội chính trước thềm Đại hội Đảng, tình hình Biển Đông… Kênh này có lượng người xem rất đến, có clip đạt đến hơn 1 triệu lượt.
Các clip đầu tiên của KTV1 được đọc bởi một người nói giọng Bắc, tự xưng là “bình luận viên Việt Thành”. Dường như Việt Thành tiếp tục đọc các bản tin của KTV1 cho đến nay, nhưng đã thôi lộ diện trên clip:



Trong tuần qua, các tin giả từ 2 trang mạng vừa nêu đã được share lại bởi nhiều người, thuộc nhiều cộng đồng độc giả khác nhau. Chẳng hạn, số người share lại bao gồm cả các ông Hoàng Hưng, Andre Menras của nhóm “Diễn đàn Xã hội Dân sự”, lẫn một số blog ủng hộ Nhà nước như ngonco.net. Trước tình hình đó, các cộng đồng bị ảnh hưởng đã đồng loạt tìm cách ngăn tin giả về tình hình biển Đông. Cụ thể, những bài viết cảnh báo tin giả đã xuất hiện trên cả các báo chính thống như Pháp luật TP.HCM, lẫn các trang tin chống đối như Luật khoa Tạp chí. Trên mạng xã hội Facebook, nhà báo Duan Dang lập nhóm “Bài trừ tin giả về Biển Đông”, thu hút nhiều người tham gia.
Bên cạnh đó, một số độc giả cũng lưu ý rằng các trang chuyên đăng tin giả thường “chêm dấu chấm một cách vô tội vạ” vào trữa các chữ trong một từ, hoặc giữa các từ, để tránh phần mềm quét nội dung của cơ quan quản lý.
Như vậy, có không ít lực lượng chính trị đang dựng lên các trang mạng tung tin giả về tình hình biển Đông, để gây bất ổn xã hội hoặc định hướng dư luận, nhằm phục vụ cho các mục đích riêg của họ. Tiếc rằng tin giả đã tác động đến nhiều thành phần trong xã hội, bao gồm cả các “trí thức phản biện” như nhóm ông Hoàng Hưng, thay vì chỉ ảnh hưởng đến bộ phận dân chúng thiếu hiểu biết. Sau sự việc này, hy vọng các cộng đồng độc giả ở Việt Nam sẽ cùng nâng cao thói quen thận trọng và kỹ năng kiểm chứng thông tin, để tin giả không có cơ hội lây lan, gây hỗn loạn trong xã hội.

1 nhận xét: