Khóa họp thứ 52 của Hội đồng
nhân quyền LHQ là khóa họp đầu tiên mở đầu nhiệm kỳ HĐNQ (2023-2025) mà Việt
Nam tham gia với tư cách là thành viên. Trái ngược với luận điệu xuyên tạc, hoạt
động chống phá quyết liệt nhằm phủ nhận, cho rằng Việt Nam không xứng đáng trở
thành Thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ thì Việt Nam đã chứng minh ngay vai
trò, trách nhiệm và hiệu quả của mình tại diễn đàn lớn nhất thế giới về nhân
quyền này. Thực tế đó không khác nào cú tát vào mặt những kẻ từng không từ thủ
đoạn nào chống phá Việt Nam ứng cứ vị trí này trước đó.
Ngay từ đầu khóa họp, ngày
27/2, phát biểu tại phiên họp cấp cao ngay sau khai mạc khóa họp, Phó Thủ
tướng Trần Lưu Quang đã nêu bật nhiều thông điệp mạnh mẽ về cam kết, nỗ lực
và thành tựu của Việt Nam trong phát triển đất nước, bảo đảm quyền con người;
kêu gọi các nước thông hiểu và tôn trọng các đặc thù về lịch sử, hệ thống chính
trị, văn hóa, xã hội của nhau, thúc đẩy hợp tác và đối thoại, tiếp cận các quyền
con người một cách tổng thể.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần
Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân
quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) bằng một
văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ
lực, cũng như hành động nhằm đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của
tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con
người cho tất cả mọi người.
Tiếp theo phiên cấp cao, Ðoàn
Việt Nam tích cực tham dự suốt tiến trình Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền diễn
ra trong hơn một tháng từ ngày 27/2 - 4/4, với khối lượng công việc lớn và thời
lượng dài kỷ lục, bao gồm: phiên họp cấp cao (từ ngày 27/2 - 2/3); 9 phiên thảo
luận chuyên đề (về đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược của Liên hợp quốc về
thanh niên và phương hướng cho thời gian tới, án tử hình, kỷ niệm 35 năm Tuyên
ngôn về quyền phát triển, Quỹ tự nguyện nhằm triển khai các khuyến nghị theo Cơ
chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), quyền trẻ em trong môi trường số); hàng loạt
các phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 45 Thủ tục đặc biệt và các cơ chế
nhân quyền của Liên hợp quốc; các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân
quyền tại các nước cụ thể như Afghanistan, Myanmar, CHDCND Triều Tiên, Syria,
Ethiopia, Venezuela...
Tại khóa họp, Đoàn Việt Nam
cùng các đoàn các nước tham dự hàng loạt cuộc thảo luận về khoảng 80 báo cáo,
nhiều tham vấn không chính thức về 43 dự thảo nghị quyết chuyên đề, xem xét
thông qua các báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ quát của 14 nước và thông qua quyết
định bổ nhiệm 10 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt.
Trong tiến trình khóa họp,
đóng góp mang tính dấu ấn nổi bật của Việt Nam là sáng kiến được Phó Thủ tướng
Trần Lưu Quang đưa ra ngay ngày mở đầu khóa họp về Nghị quyết của Hội đồng Nhân
quyền kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và 30 năm Tuyên bố và
Chương trình hành động Vienna. Đoàn Việt Nam tham dự khóa họp phối hợp chặt chẽ
với đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao đã đề xuất, soạn thảo nội dung và tham vấn,
thương lượng cùng với đoàn đại biểu của các nước để đi đến nhất trí nội dung dự
thảo nghị quyết, vận động các nước đồng bảo trợ, ủng hộ nghị quyết. Ngày 3/4, Hội
đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết bằng đồng thuận, với đông đảo các
nước tham gia đồng bảo trợ.
Ngoài phát biểu của Phó Thủ tướng
Trần Lưu Quang tại phiên họp cấp cao và sáng kiến nghị quyết nêu trên, Đoàn Việt
Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp khác như các phiên thảo luận về đảm
bảo quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa, quyền phát triển, quyền trẻ
em, đảm bảo quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý của
tất cả các quốc gia đối với vaccine ngừa COVID-19...
Ngoài ra, Đoàn Việt Nam đã
tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại biểu của các nước, đồng
bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ
của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong việc tham vấn, bỏ phiếu thông qua
43 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền.
Nghị quyết này cũng đề nghị
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm
tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên, trong đó có Sự kiện cấp cao của Liên hợp quốc về
quyền con người vào tháng 12 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp
56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm tới.
Có thể nói, nghị quyết này là
một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên
Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách
nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền.
Phái đoàn đại diện thường trực
Việt Nam tại Geneva đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng dự
thảo nghị quyết, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu sáng kiến tại
khóa họp.
Ngày 3/4 vừa qua, Hội đồng
Nhân quyền đã thông qua nghị quyết bằng đồng thuận, với sự tham gia đồng bảo
trợ nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều ngày 3/4, theo giờ Geneva),
bao gồm 14 nước đồng tác giả (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil,
Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước
thành viên Hội đồng Nhân quyền, cả các nước phương Tây và nhiều nước đang phát
triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.
Trong số 43 nghị quyết được Hội
đồng Nhân quyền thông qua, một số nghị quyết có những nội dung mà các nước,
nhóm nước còn nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, nhiều ý kiến đề
nghị chỉnh sửa dự thảo nghị quyết nên không đạt được đồng thuận và Hội đồng
Nhân quyền đã phải tiến hành bỏ phiếu để thông qua.
Với nội dung nêu trên, việc
nghị quyết do Việt Nam đề xuất, soạn thảo được thông qua bằng đồng thuận, có sự
đồng bảo trợ của đông đảo các nước như vậy cho thấy nghị quyết thể hiện sự quan
tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng,
tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên.
Việc Việt Nam đề xuất nghị quyết
này tại Hội đồng Nhân quyền rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng
quốc tế về kỷ niệm và đề cao UDHR và VDPA, hai văn kiện quan trọng về quyền con
người là nền tảng của khuôn khổ các công ước quốc tế, các cơ chế, đối thoại và
hợp tác ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia về quyền con người.
Nghị quyết này sẽ giúp tăng cường
hơn nữa nỗ lực và hành động của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong hiện thực
hóa các mục tiêu, tôn chỉ, cam kết hành động đề ra tại hai văn kiện trên, góp
phần nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về
thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho mọi người, thông qua đối thoại và hợp
tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Ðây cũng là kết quả của những
nỗ lực chủ động, sáng tạo và triển khai bài bản của Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt
Nam tại Geneva trong việc đưa ra sáng kiến Nghị quyết, soạn thảo nội dung, cũng
như nỗ lực của Ðoàn Việt Nam trực tiếp tham vấn, vận động, thương lượng với
đoàn của các nước tại Geneva để đi đến nhất trí về nội dung dự thảo nghị quyết
bao gồm những nội dung tích cực, cân bằng sự quan tâm của các nước, trong bối cảnh
các nước và các nhóm nước còn có quan điểm khác nhau trên các vấn đề cụ thể về
quyền con người. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài đã góp phần tích cực trong việc vận động các nước ủng hộ nghị quyết.
Còn nhớ, vào cuối tháng
02/2021, ngay sau khi Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thông báo tại
Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc việc Việt
Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, các thế lực thù địch, thiếu thiện
chí với Việt Nam đã ngay lập tức đặt ra mục tiêu ngăn cản Việt Nam ứng cử vào Hội
đồng này. Họ ra sức vận động để tạo dựng “Phong trào hưởng ứng Luật Magnisky
toàn cầu”1 hướng vào Việt Nam. Dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”,
các thế lực tăng cường lôi kéo, kích động quần chúng đòi tự do dân chủ, nhân
quyền theo tiêu chí phương Tây. Dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình tự
do tôn giáo và tình hình nhân quyền do một số phần tử phản động ở trong nước, một
số tổ chức phi chính phủ không thiện chí với Việt Nam, một số tổ chức phản động
lưu vong chống phá Việt Nam, như: Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS; “Tin lành
người dân tộc thiểu số Tây Nguyên”; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ định kỳ công bố các
Báo cáo Nhân quyền, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có nhiều thông tin
xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Dựa vào đó, các thế lực thù địch ra
sức kêu gọi đưa Việt Nam trở lại “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự
do tôn giáo”, đòi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những người vi
phạm pháp luật mà họ tự gọi là “tù nhân lương tâm”. Một số tổ chức phản động,
thiếu thiện chí ở nước ngoài cũng đẩy mạnh các chiến dịch đòi Nhà nước Việt Nam
phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn về tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư
nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước,… theo tiêu chí của
Mỹ và phương Tây; gắn “dân chủ”, “nhân quyền” với các vấn đề hợp tác phát triển.
Một số tổ chức phi chính phủ thù địch người Việt Nam và nước ngoài có quy chế
quan sát viên tại Hội đồng Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) cũng lợi
dụng diễn đàn của Hội đồng Nhân quyền để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người;
tổ chức trao giải cho các đối tượng chống đối để tạo dựng “ngọn cờ” chống
phá Việt Nam. Một vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi cái gọi là
“thư ngỏ” tới các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm vận
động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Tuy nhiên, bất chấp mọi sự vu
cáo, xuyên tạc, ngăn cản của các tổ chức và cá nhân nói trên, tình hình nhân
quyền tại Việt Nam được thế giới nhìn nhận ngày một khách quan hơn. Bởi thế,
trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10/2022 tại trụ sở Liên hợp quốc, trong bối cảnh cạnh
tranh giữa các ứng viên rất quyết liệt, Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn đặt niềm
tin và lựa chọn Việt Nam cùng 13 quốc gia khác làm thành viên mới của Hội đồng
Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Với gần 80% tổng số phiếu bầu, Việt Nam đứng
vào nhóm nước trúng cử với số phiếu cao nhất. Kết quả đó là “cái tát” đích đáng
của cộng đồng quốc tế vào mặt những kẻ rắp tâm phá hoại uy tín của Việt Nam,
trong đó có cả những kẻ ở trong nước nhân danh bảo vệ “nhân quyền” để phá hoại
uy tín của Việt Nam. Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu là thành viên của Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao, thể hiện sự khẳng định của cộng đồng
quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo
vệ và thúc đẩy quyền con người; đồng thời, đặt niềm tin đối với Việt Nam trong
lĩnh vực này.
Cùng với kết quả bỏ phiếu ghi
nhận sự ủng hộ đa số với ứng cử của Việt Nam, hoạt động hiệu quả với vai trò
thành viên Hội đồng nhân quyền ngay từ khóa họp đầu tiên của Nhiệm kỳ càng khẳng
định Việt Nam xứng đáng vào vị trí này và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận điều
đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét