Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện
thuận lợi cho các tổ chức hội thành lập và duy trì hoạt động nhằm đảm bảo cho
công dân thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền tự do hội họp, lập hội. Tham gia hoặc
không tham gia các tổ chức hội là quyền của mọi công dân. Tất nhiên, các tổ chức
hội phải có mục đích, đường hướng hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia và các
chuẩn mực xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam có hàng nghìn hội, đại diện cho ý chí, lợi
ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức và hiệp hội
của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật…;
các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các
tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hoạt động.
Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể bao gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội
Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu Chiến
binh Việt Nam…, hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc với hàng chục triệu hội
viên.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội
tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao
động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công
nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc…” ; “…là lực lượng lãnh đạo Nhà nước
và Xã hội”. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, tổ chức đại diện và hiệp thương ý kiến của tất cả các đoàn thể và tổ
chức nhân dân trong lĩnh vực chính trị, xã hội và các tổ chức nghề nghiệp, tôn
giáo, dân tộc với đại diện của tất cả 54 dân tộc anh em.
Ngoài hàng chục tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam
còn có hàng nghìn tổ chức công đoàn ở cơ sở địa phương. Các tổ chức này tích cực
tham gia vào việc xây dựng chính sách lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người lao động thông qua các văn bản hướng dẫn và hợp đồng lao động, đồng
thời đóng vai trò đại diện cho người lao động trong thương lượng, ký kết các thỏa
ước lao động tập thể… Bên cạnh các tổ chức của thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu
chiến binh…ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ… hoạt động trong mọi
lĩnh vực đời sống xã hội. Các tổ chức, các hội, hiệp hội hoạt động trên nguyên
tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật. Chính phủ chỉ trợ giúp tài
chính nếu các chương trình, dự án và hoạt động phù hợp với chính sách phát triển
kinh tế – xã hội và lợi ích chung của cộng đồng. Các cơ sở của tổ chức xã hội
và cơ sở của tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng tăng nhanh.
Những năm qua, các hội, hiệp hội ở Việt Nam đã có nhiều đóng
góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự là cầu nối giữa các hội
viên với chính quyền; hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế, làm giàu chính
đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ngoài ra, các hội, hiệp hội còn thể
hiện ngày càng rõ hơn vai trò tư vấn, phản biện, đối với các chủ trương, đường
lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Thực tế đó đã khẳng định những
nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền con người nói chung,
trong đó có quyền tự do lập hội.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy một trong những
chiêu bài của các thế lực thù địch, phản động là lợi dụng quyền tự do lập hội để
lập ra nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm trá hình, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước
và Nhân dân ta. Các câu lạc bộ, hội, nhóm này thường núp dưới danh nghĩa các
câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân
quyền… Mục đích hoạt động mà các câu lạc bộ, hội, nhóm này đề ra nghe qua có vẻ
tích cực nhưng trên thực tế họ ngấm ngầm tiến hành các hoạt động gây rối an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt họ cấu kết, nhận tài trợ từ
các tổ chức phản động ở nước ngoài để kích động, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người
dân, nhất là những người bất mãn, nhẹ dạ, cả tin nhằm phát triển lực lượng. Khi
có thời cơ họ gây ra các vụ việc mất an ninh trật tự, nhằm làm xấu đi hình ảnh
về đất nước và con người Việt Nam. Thông qua internet, mạng xã hội họ lập các
web, diễn đàn… đăng tải, tán phát các tài liệu, bài viết, video… có nội dung
tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Họ bóp méo, xuyên tạc rằng ở Việt
Nam quyền tự do hội họp, lập hội không được tôn trọng và bảo đảm, còn nhiều người
bị phạt tù do thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ
khác. Các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động tuyên truyền rằng quyền tự do hội
họp, lập hội là thứ “tự do tuyệt đối” và vì thế lợi dụng thực hiện quyền tự do
hội họp, lập hội họ cố tình tìm cách gieo rắc vào trong nhân dân tư tưởng “tự
do hội họp, lập hội tuyệt đối”, đòi “tự do vô hạn độ” không trong khuôn khổ
pháp luật…
Trước chiêu bài lợi dụng quyền tự do, dân chủ nói chung, tự
do lập hội nói riêng để núp bóng hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực
thù địch, phản động chúng ta cần tiếp tục đề cao cảnh giác, tích cực, chủ động
triển khai biện pháp đấu tranh đấu tranh, phản bác mạnh mẽ hơn nữa. Bởi đấu
tranh ngăn chặn, làm thất bại chiêu bài này không chỉ là bảo vệ hình ảnh đẹp về
đất nước và con người Việt Nam mà còn là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của
mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đối với những cá nhân và các câu lạc bộ, hội,
nhóm có hành vi vi phạm các cơ quan, lực lượng chức năng cần có các biện pháp mạnh
tay, xử lý kiên quyết, triệt để theo pháp luật. Công tác tuyên truyền cần tập
trung nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt phải giúp cho nhân dân
hiểu rõ những luận điệu tuyên truyền, gieo rắc tư tưởng tự do lập hội vô hạn độ
thực chất chỉ là trò xuyên tạc, bịp bợm nhằm thực hiện mưu đồ đen tối gây mất ổn
định chính trị, ngăn cản sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét