Lợi dụng sự quan tâm của dư luận tới vụ án “các chuyến bay
giải cứu”, các thế lực “té nước theo
mưa” suy luận, bình luận, thậm chí bóp méo nhằm “lái” những bức xúc, bất bình của
người dân sang bôi nhọ chính quyền, phủ nhận chế độ xã hội XHCN, đồng thời, dẫn
dắt tình cảm, suy nghĩ của mọi người đến mô hình xã hội ngoại nhập “dân chủ đa
nguyên, tam quyền phân lập”. Họ phân tích, bình luận nguyên nhân quan trọng dẫn
đến các đại án tham nhũng là do độc đảng, không có tự do ngôn luận, tự do báo
chí từ đó dẫn dắt đến vấn đề phải thay đổi chế độ xã hội, chế độ đó phải “có
nhiều hơn một đảng”… Đặc biệt, họ xoáy sâu, đòi số tiền hàng trăm tỉ đồng tiền
nhận hối lộ của nhiều bị cáo nộp lại phải được dùng để trả lại tiền chênh cho
những người dân từng phải nộp nhiều tiền để được lên những chuyến bay giải cứu,
từ đó dẫn lái cho rằng nộp vào công quỹ như hiện nay là “cướp tiền của dân”, đồng
thời kích động “200 ngàn nạn nhân của vụ “chuyến bay giải cứu” phải tiến hành một
vụ kiện tập thể, chống lại Chính phủ VN theo điều 170, 174, 168 BLHS” vì chỉ
khi khởi kiện và bị truy tố bởi những điều khoản trên thì vụ án mới có nạn nhân
và nạn nhân mới được bồi thường”.
Việc đổ lỗi cho chế độ một Đảng gây ra những vụ án tham
nhũng, tiêu cực như trên là nhận thức rất sai, cần phải phê phán. Việc nhìn nhận
và đánh giá về một vấn đề cần khoa học, người đánh giá phải là người có cái
tâm, cái tài, cái tình trong khi đánh giá. Mang tà tâm vào việc đánh giá chế độ
xã hội sẽ dẫn đến sự méo mó trong cách nhìn nhận. Theo đó, nếu nhìn vào phiên
tòa xét xử 54 bị cáo, những người có tâm sẽ nhìn thấy sự quyết tâm của Đảng và
Nhà nước trong chống tham nhũng, cuộc chống tham nhũng hiện nay là không có
vùng cấm. Nhưng những kẻ có tà tâm thì lợi dụng việc này để hướng lái từ vụ án
hình sự sang vấn đề chính trị, tạo cớ bôi nhọ đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước
ta.
Nhìn nhận vấn đề này cần phải tách bạch 2 vấn đề.
Thứ nhất, việc Đảng, Nhà nước chủ trương thực hiện những
chuyến bay giải cứu đưa người dân vùng dịch có nguyện vọng trở về nước tránh dịch
là một việc làm ý nghĩa, nhân văn và đúng đắn. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng,
toàn dân chống dịch như chống giặc, mặc dù hiển hiện nguy cơ “đưa dịch” về nước
qua những chuyến bay giải cứu nhưng với phương châm “không ai bị bỏ lại phía
sau”, hơn 1000 chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh
thổ trở về, rất nhiều gia đình đã đoàn tụ, đã bày tỏ sự biết ơn đối với Chính
phủ VN qua những bức thư, những bài thơ ca ngợi… Tuy nhiên, tất cả ý nghĩa tốt
đẹp của chủ trương này đã bị lu mờ trước tội ác tày trời của 54 bị cáo.
Việc xét xử cùng một lúc 54 cán bộ, đảng viên, trong đó có
những cán bộ cấp cao là một sự việc đau lòng, bởi những cá nhân chỉ vì
lòng tham làm mờ mắt, ngã gục trước sức mạnh của đồng tiền đã biến một chủ
trương nhân đạo lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước VN thành cơ hội để tham nhũng,
tư lợi và hậu quả trước mắt là 54 người phải đứng trước vành móng ngựa và hậu
quả lâu dài là gây dư luận xấu trong xã hội, làm mất niềm tin của dân đối với sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” nhiều tội
danh, trong đó có tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ
quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là
một vụ án hình sự, do vậy số tiền đưa nhận hối lộ mà các bị cáo nộp lại sẽ được
xử lý theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự và nguyên tắc xử lý vật chứng.
Theo đó, tất cả số tiền đưa hối lộ, số tiền gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân,
tiền do phạm tội mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước theo quy định
về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.Trường hợp bị cáo bị ép buộc đưa hối lộ
và chủ động khai báo thì mới được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại tiền.
Đối với trường hợp bị cáo không bị ép buộc hoặc không thuộc trường hợp tự thú
thì số tiền đó sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Do đó, việc nhiều người cho rằng, số tiền các bị cáo nộp khắc
phục hậu quả phải dành để trả lại cho những người dân từng phải nộp nhiều tiền
để được lên những chuyến bay giải cứu là không hiểu luật. Vì những người này tự
nguyện nộp số tiền lớn cho các đơn vị tổ chức chuyến bay để được về nước là
quan hệ dân sự, không năm trong phạm vi giải quyết của vụ án này. Những người
dân trở về nước trong các “chuyến bay giải cứu” nếu thấy việc thu phí không có
căn cứ pháp luật, giao dịch bị vô hiệu do bị ép buộc, lừa dối thì có quyền khởi
kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu các doanh nghiệp hoàn trả số tiền
đã thu bất hợp pháp. Tuy nhiên, người khởi kiện phải chứng minh quan hệ dân sự
đó bị vô hiệu do lừa dối, bị ép buộc và số tiền toàn bộ hoặc một phần phải trả
lãi theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp thỏa thuận giá cả là tự nguyện,
mặc dù giá cao nhưng không bị ép buộc thì không có căn cứ để đòi lại số tiền
đó. Bên cạnh đó, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú có thể biến động
theo giá thị trường, trong khi Nhà nước không quy định cụ thể giá đối với các dịch
vụ này. Do đó rất khó để xác định chính xác mức chênh lệch giá vé và giá trị
trách nhiệm hoàn trả đối với chủ thể đã thu tiền dịch vụ của công dân trong vụ
án nói trên.
Những “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng chức vụ, quyền
hạn để tư lợi cá nhân với số tiền lớn, phạm vi rộng đang phải chịu sự trừng phạt
nghiêm minh của pháp luật. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực chính là những cuộc đấu tranh diễn ra hàng ngày trong chính bản
thân mỗi người. Nếu không đủ bản lĩnh, rất dễ bị sa ngã trước sự cám dỗ của đồng
tiền. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chỉ có những người với “bàn
tay sạch”, “tấm lòng sạch” mới có đủ dũng khí để dọn sạch tàn dư của những thói
hư tật xấu đã len lỏi vào một bộ phận cán bộ của chúng ta; “Tay đã nhúng chàm
không thể chống tham nhũng”. Chính vì vậy, mỗi một cán bộ, đảng viên phải
không ngừng trau dồi bản lĩnh và trí tuệ ; luôn giữ trái tim
nhiệt huyết, đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để “đứng vững, đứng
thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét