Tại Khóa họp 53 HĐNQ, diễn ra từ ngày 19/6-14/7/2023, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực
tuyến, thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các nước, tổ chức quốc tế liên
chính phủ và một số tổ chức phi chính phủ. Phái
đoàn Việt Nam tại Geneva đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo
luận về nhiều chủ đề như về BĐKH và quyền lương thực, bảo trợ xã hội và sự tham
gia, lãnh đạo của phụ nữ, quyền sức khỏe, quyền giáo dục, mua bán người, đói
nghèo cùng cực, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái... Tham gia các diễn đàn
này, Việt Nam đã tích cực chia sẻ kết quả, kinh nghiệm của Việt Nam đồng thời
học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc nâng cao năng lực bảo vệ quyền con
người.
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực
đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia
trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong
tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với
trẻ em gái đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong
xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ những
giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi
phạm nghiêm trọng tới quyền con người.
Trong xã hội ngày nay, việc bạo lực với phụ nữ
không chỉ dừng lại ở việc đánh đập hành hạ thể xác, gây ra những tổn thương về
sức khỏe của người phụ nữ mà nó còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Những
tổn thương gây ra trên thể xác thì còn có thể có ngày lành, nhưng những tổn
thương, những vết cắt sâu trong tâm lý, tinh thần thì mãi mãi vẫn còn đó, in
hằn trong tâm trí của những người phụ nữ khốn khổ. Có thể trong một gia đình,
người phụ nữ chẳng bao giờ bị đánh đập, nhưng lại bị ép làm những công việc
nặng nhọc, không một ngày ngơi nghỉ, cuộc sống tù túng, không được sự an ủi san
sẻ, động viên từ những người thân trong gia đình, đặc biệt là từ người chồng.
Hoặc họ phải liên tục nghe những lời mắng nhiếc sỉ nhục, thậm tệ xuất phát từ
nhiều nguyên nhân như không sinh được con trai, ăn bám,… phải chịu sức ép từ
gia đình chồng hoặc những lời bêu rếu về ngoại hình xấu xí, mập mạp sau khi
sinh con. Tất cả đều là những kiểu bạo lực đáng sợ gây ảnh hưởng nghiêm trọng
đến tâm lý và tâm hồn của người phụ nữ, trong khi phụ nữ lại là những có thể có
tâm hồn vô cùng nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ thôi là có thể để lại cho họ
những tổn thương sâu sắc.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy
ra ở khắp mọi nơi: trong nhà, trường học, nơi làm việc, công viên, phương tiện
giao thông công cộng, nhà thi đấu thể thao và cả môi trường trực tuyến. Bạo lực
trên cơ sở giới được coi là một vấn đề vi phạm quyền con người dai dẳng, có
tính tàn phá nhưng lại vẫn còn bị xem nhẹ trên thế giới.
Trên toàn cầu có gần 1 trong 5 phụ nữ đã trải
qua bạo lực thể chất hoặc tình dục - bao gồm cả xâm hại trực tuyến, bởi chồng/
bạn tình hiện tại hoặc trong quá khứ trong vòng một năm trở lại. 85% phụ nữ
trên toàn cầu đã chứng kiến bạo lực trên không gian mạng xảy ra đối với một phụ
nữ khác và 38% phụ nữ đã trải qua bạo lực trên không gian mạng.
Tại Việt Nam, kết quả của Điều tra quốc gia lần
thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 63% phụ nữ đã kết
hôn trong độ tuổi 15-64 cho biết họ đã trải qua một số hình thức bạo lực ít
nhất một lần trong đời bởi chồng hoặc bạn tình. Hơn nữa, một nửa số phụ nữ bị
bạo lực giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp
đỡ nào.
Phụ nữ khuyết tật, thanh thiếu niên, thành viên
cộng đồng LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số là những đối tượng có nhiều nguy cơ
bị xâm hại hoặc quấy rối hoặc bị lạm dụng hình ảnh trực tuyến. Số liệu thống kê
cũng cho thấy, từ 40 đến 68% phụ nữ trẻ là người khuyết tật bị bạo lực tình dục
trước 18 tuổi.
Có thể nói, nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia
có khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối
hoàn chỉnh. Điều này được thể hiện trong các quy định của chính sách và pháp
luật, bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực
thi như: Chiến
lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực
gia đình giai đoạn 2010-2020; Chiến lược quốc gia bình đẳng giới
giai đoạn 2011-2020… Đặc biệt, Quyết định 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ
tướng Chính phủ về Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu thực hiện có hiệu
quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; người có nguy
cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp
và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng
cao chất lượng môi trường sống và làm việc… có thể coi là bước đột phá trong
việc nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các
ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, ngoài quy định mang tính hiến định
về nguyên tắc “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” trong Hiến pháp
1992, đến nay đã được bổ sung thêm “cơ hội bình đẳng giới” trong Hiến
pháp năm 2013 (khoản 1 Điều 26). Điều này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong
việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Nhà nước ta, được thể chế hóa thành
luật và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, công tác thực thi và giám sát
thực thi kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong
nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em.
Năm 2016 là năm đầu tiên
Việt Nam triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực
trên cơ sở giới. Với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ
em gái”, ngày 30/8/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban
hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo
lực trên cơ sở giới”. Với mục tiêu huy động sự tham gia, phối hợp của các
ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là nam giới và trẻ em
trai cùng hành động nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực; thúc
đẩy thực hiện luật pháp, chính sách, vận động xã hội về bình đẳng giới và
phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; khuyến khích kêu gọi mọi người cùng lên
tiếng và hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nhằm hướng
đến huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan,
tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong công tác
phòng, chống bạo lưc đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Để góp phần ngăn chặn và
đẩy lùi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các cơ quan chức năng, tổ chức xã
hội đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính
sách, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân
dân về hậu quả của bạo lực và xây dựng, triển khai các mô hình, dịch vụ phòng
ngừa và ứng phó với bạo lực. Đặc biệt, ngày 13/11/2016 Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội đã phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Sự
kiện này mở đầu cho Chiến dịch truyền thông quốc gia về bình đẳng giới và
phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Kết quả sau một tháng, với sự vào cuộc mạnh mẽ, sự hưởng ứng tích cực của các
cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, đã có hàng trăm hoạt động
được triển khai rộng rãi từ trung ương tới địa phương, thu hút sự tham gia trực
tiếp của hàng trăm ngàn người dân. Thông qua Chiến dịch truyền thông này, các thông
điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ
nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn.
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong
những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách
giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo
dục...
Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Khóa họp 53 của HĐNQ cùng với việc
tổ chức phiên thảo luận chuyên đề và Tọa đàm nêu trên thể hiện nỗ lực và trách
nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 nói chung
và nỗ lực trong phòng chống bao lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét