Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Việt Nam phát huy chính sách đối ngoại trong bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu!

 

Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 53 của Hội đồng nhân quyền LHQ, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines một lần nữa soạn thảo, đề xuất và thành công thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người, trong đó nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và quyền con người, nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này. Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu).



Trước thực trạng BĐKH đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã xây dựng và luôn thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững nói chung, đảo đảm quyền con người nói riêng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. IPCC cho rằng, khi mực nước biển dâng lên 100cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả khiến khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống. Biến đổi khí hậu là nhân tố chính gây ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, chiếm 87 - 91% số lượng thiên tai, ảnh hưởng đến 70% dân số, gây thiệt hại khoảng 1 - 1,5% GDP, đe dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2011 - 2020, khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với tổng thiệt hại lên tới khoảng 10 tỷ USD.

Trước tác động to lớn của biến đổi khí hậu, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng vấn đề này, luôn nhất quán chủ trương chủ động, tích cực hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Đại hội VI (năm 1986) của Đảng cho rằng, tất cả các dân tộc và cộng đồng nhân loại cần có sự phối hợp với nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường. Kể từ đó, nhận thức của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt của ứng phó, khắc phục các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được nâng cao, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế. Đại hội VII (năm 1991) của Đảng đề ra chủ trương: “Nhà nước dành một phần quỹ dự phòng của ngân sách để chủ động cứu giúp những người gặp tai nạn do thiên tai”. Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng đưa ra quan điểm cần phải có sự hợp tác đa phương trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường(6). Đại hội IX (năm 2001) của Đảng lần đầu tiên sử dụng cụm từ “biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi. Đại hội X (năm 2006) của Đảng nhận định, tình trạng môi trường tự nhiên bị hủy hoại, khí hậu diễn biến ngày càng xấu, là vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức quốc tế phối hợp giải quyết. Đại hội XI (năm 2011) của Đảng chứng kiến sự phát triển nhận thức ngày càng đầy đủ về vấn đề biến đổi khí hậu, nhận định biến đổi khí hậu có tính cấp bách liên quan đến vận mệnh loài người, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và chủ trương “Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu”, “tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (năm 2013) của Đảng đã ban hành một nghị quyết riêng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định sự coi trọng đặc biệt tới vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu.

Đại hội XII (năm 2016) của Đảng đánh giá “Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh”, đề ra nhiệm vụ “thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” và lần đầu tiên đề ra chủ trương “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính”. Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nhấn mạnh “thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới” và chủ trương “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu... Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu”.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa, ban hành một số luật, văn bản quan trọng để thúc đẩy, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhất quán đẩy mạnh thực hiện chủ trương từ “tham gia” thành “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực. Không chỉ tham gia với tư cách quốc gia thành viên, mà Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều sáng kiến, cơ chế, phương thức hợp tác hiệu quả, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực bên ngoài trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Trong hợp tác đa phương, Việt Nam đã: 1- Ký kết và sớm phê chuẩn nhiều thỏa thuận lớn về biến đổi khí hậu, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Ky-ô-tô năm 1998, Thỏa thuận Pa-ri năm 2016...; 2- Tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn về biến đổi khí hậu, như Diễn đàn biến đổi khí hậu Á - Âu năm 2011 hay phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” năm 2015...; 3- Đóng góp tích cực thúc đẩy các sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP). Tại các Hội nghị COP lần thứ 26 và 27, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong hợp tác song phương, Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các quốc gia phát triển, nhận được nguồn vốn hỗ trợ lớn thông qua các tổ chức quốc tế, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB),... Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, Việt Nam đã nhận được khoảng 600 dự án quốc tế hỗ trợ ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD. Trong đó, tổng số nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Tháng 12-2022, Việt Nam đã nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ Anh, Mỹ, các nước EU hỗ trợ chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thời gian tới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bên cạnh phát huy kinh nghiệm hợp tác trong những mặt đã đạt được, việc nhận định và giải quyết thách thức đặt ra đối với hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu đóng vai trò hết sức quan trọng.

 Như  vậy, xuất phát từ chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã và đang nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa quan hệ với các đối tác nhằm huy động nguồn viện trợ, hỗ trợ tài chính ưu đãi, và chủ động hợp tác với các nước, nhất là các nước phát triển, như Mỹ, Pháp, Đức, EU,... vừa góp phần tranh thủ sự quan tâm của các nước trong nỗ lực thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, vừa huy động được nguồn vốn viện trợ ưu đãi, bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư, giảm áp lực vốn khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế.

Việc trở thành Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tranh thủ diễn đàn này lan tỏa tiếng nói tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế chống BĐKH nhằm bảo đảm quyền con người, hỗ trợ, hiện thực hóa lộ trình chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét