Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Không thể phủ nhận hay xuyên tạc nỗ lực xoá bỏ lao động trẻ em tại Việt Nam

 


 

Sau cáo buộc của Bộ Lao động Mỹ về việc Việt Nam bị liệt kê có các ngành nghề đang tồn tại tình trạng lao động trẻ em, bao gồm sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, da, hạt tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá, đồng thời đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi vì sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Ngay lập tức, một số trang chống phá Nhà nước ta giật tít, vu cáo kiểu như “Thắng giặc Mỹ, chúng cưỡng bức lao động trẻ em!”, cho rằng chế độ hiện nay phi đạo đức, cưỡng bức lao động trẻ em nhằm “ đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề thấp cho chiến lược định hướng xuất khẩu hàng hóa rẻ”…

 


Trên thực tế, tuy vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể phát huy thành tựu giảm dần lao động trẻ em một cách hiệu quả, đồng thời tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng lao động trẻ ở Việt Nam trong thời gian tới, nhưng Việt Nam được xem như là một trong những quốc gia hình mẫu và tiên phong, có vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 8.7 của Liên hiệp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

 

Theo số liệu khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5-17 (khoảng 1,1 triệu người) là lao động trẻ em.

Kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF cùng thực hiện cũng cho thấy, 6,6% số trẻ em 5-17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em).

Hiện nay, có hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Trong khi đó, thời gian làm việc của lao động trẻ em phải làm những công việc này lại khá dài (40,6% trẻ em nhóm này phải làm việc >40 tiếng/tuần). Trong số lao động trẻ em này, có tới 50% trẻ em bỏ học hoặc chưa từng tới trường. Đây là những con số đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung, quyền của lao động trẻ em nói riêng.

Để thực hiện mục tiêu 8.7 liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em, Việt Nam đề ra lộ trình giảm dần tỉ lệ lao động trẻ em, tương ứng là <9% vào năm 2020, <8% vào năm 2025 và <7% vào năm 2030. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để giảm dần tỉ lệ này trong thời gian qua.

Về mặt luật pháp, Nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2030, trong đó có mục tiêu 8.7. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Quyết định, Nghị quyết về phát triển bền vững, mới đây nhất là Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Trên cơ sở thực hiện các cam kết quốc tế trong các văn kiện mà Việt Nam là thành viên như Công ước về quyền trẻ em (1989), Công ước số 138 của ILO về độ tuổi lao động tối thiểu (1973), Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất..., Việt Nam đã nội luật hóa nội dung của các công ước đó bằng việc ban hành những văn bản qui phạm pháp luật phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

Liên quan đến lao động trẻ em, Luật Trẻ em 2016 đã xác lập rõ nguyên tắc bảo vệ tối ưu quyền trẻ em trong lĩnh vực lao động, cụ thể tại Điều 26 qui định rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo qui định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”. Đây là nguyên tắc có tính xuyên suốt trong mọi hoạt động có sử dụng lao động trẻ em, nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em, đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Song song với nguyên tắc trên của Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Lao động 2019 cũng chứa đựng nhiều qui định để bảo vệ lao động trẻ em tại Việt Nam và những qui định này đều tương thích với các qui phạm pháp luật quốc tế có liên quan. Trước hết là qui định về độ tuổi lao động tối thiểu (Khoản 1 Điều 3). Theo đó, độ tuổi tối thiểu của trẻ em được tuyển dụng vào làm việc tại Việt Nam là 15 tuổi (tương thích với Khoản 3 Điều 2 Công ước 138 của ILO). Để tuyển dụng người lao động dưới 15 tuổi, Bộ luật Lao động 2019 còn đặt ra yêu cầu chặt chẽ về việc kí kết hợp đồng lao động, đảm bảo những nội dung cụ thể tại Điều 21 của Bộ luật. Ngoài ra, có thể kể tới qui định về giờ làm việc của lao động trẻ em, cụ thể là không quá 04 giờ/ngày và 20 giờ/tuần đối với lao động dưới 15 tuổi, không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi (Điều 146).

Bên cạnh Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đặt ra một số biện pháp nhằm bảo vệ lao động trẻ em và xử lí hành vi vi phạm trong sử dụng lao động trẻ em; đặt ra chế tài cụ thể nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động sử dụng người dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Việc áp dụng chế tài hình sự có thể xem là biện pháp xử lí nghiêm khắc, có hiệu quả răn đe hơn so với các biện pháp xử lí hành chính đối với người sử dụng người lao động chưa thành niên.

Ngoài các văn bản luật do Quốc hội thông qua, nhiều văn bản qui phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cũng bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của trẻ em khi tham gia trong lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-11-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên. Thông tư này đã xác định rõ 69 loại hình công việc và 06 nơi làm việc có nguy cơ gây tổn hại đến sự phát triển của người chưa thành niên trên các phương diện thể lực, trí lực và nhân cách, đồng thời xác định danh mục các địa điểm/nơi làm việc.

Về mặt chính sách, nhiều chương trình, chính sách xã hội mang tính nhân văn và có ý nghĩa lâu dài đã và đang được áp dụng cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc. Trẻ em là nhóm đối tượng được coi trọng đặc biệt trong các chính sách an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận với những cơ hội tốt nhất có thể, nhất là cơ hội học tập, qua đó góp phần phòng ngừa và giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong các ngành nghề khác nhau.

Một số chính sách quan trọng được Chính phủ ban hành trong thời gian qua nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho trẻ em (nhất là trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, …) trong lĩnh vực giáo dục gồm: Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27-8-2021 qui định cơ chế thu, quản lí học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2-6-2016 Phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29-10-2018 Phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025...

Liên quan trực tiếp đến lao động trẻ em, có thể kể tới một số chương trình trọng điểm quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 (được ban hành kèm theo Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 7-6-2016); Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái qui định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...

Có thể nói, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về bảo vệ lao động trẻ em là khá đồng bộ, phản ánh mức độ tương thích nhất định so với pháp luật quốc tế về vấn đề này.

Theo Báo cáo quốc gia năm 2020 “Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với sự hỗ trợ của UNDP và Quỹ Hanns Siedel Foundation (Đức), tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi trên tổng dân số trẻ em độ tuổi 5-17 đã giảm từ 9,6% năm 2012 xuống còn 5,4% (1,1 triệu người) năm 2018 (ở mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới), còn tỷ lệ đi học của trẻ em tham gia lao động đã tăng từ hơn 43% năm 2012 lên hơn 63% năm 2018.

 

Có thể nói, trên đây là những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ dần lao động trẻ em được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, không thể xuyên tạc, phủ nhận, vu cáo của thành phần chống phá đất nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét