Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Mỹ đã công nhận những nỗ lực của Việt Nam về phòng, chống nạn buôn người và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ‘theo dõi’ về buôn người

 


Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo phúc trình buôn người 2024, theo đó Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng Cấp độ 2 (Tier 2) và không còn nằm trong danh sách bị ‘theo dõi’ nữa (Tier 3).  Theo báo cáo “Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tổng thể hơn so với kỳ báo cáo trước; do đó Việt Nam được nâng cấp lên Nhóm 2”.



 Những nỗ lực của Việt nam trong xóa bỏ nạn buôn người được phía Mỹ công nhận, nổi lên là:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm phòng, chống mua bán người. Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ được trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ VIII vào diễn ra từ ngày 21/10 - 30/11/2024 tới đây. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã thể hiện rõ tính ưu việt, tính nhân văn, tiến bộ trong bảo vệ quyền con người so với pháp luật hiện hành cũng như đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 55 điều, xây dựng mới 10 điều, bỏ 2 điều. Các nội dung sửa đổi lớn trong dự thảo Luật gồm: Bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân; Bổ sung chế định đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân gồm: Bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán. Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung các quy định để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, các luật liên quan và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua như: Bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; bổ sung quy định về bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; người thân thích của họ; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…

Việc dự thảo Luật được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Thứ hai, báo cáo của Mỹ cũng ghi nhận nỗ lực của cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong công tác truy tố. Báo cáo cũng khẳng định “Chính phủ đã điều tra 365 nghi phạm mua bán người trong số 147 vụ vào năm 2023, so với 247 nghi phạm mua bán người trong số 90 vụ vào năm 2022”, “Bộ Công an dẫn đầu các nỗ lực điều tra của chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao dẫn đầu các nỗ lực truy tố của chính phủ”, “Bộ Công an được cho là đã thực hiện các bước để giám sát nỗ lực trực tuyến của các đối tượng mua bán người nhằm tuyển dụng và bóc lột nạn nhân”... Thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm mua bán người, tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép; mở các đợt cao điểm điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; tổ chức Hội nghị, tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng ngừa, nhận diện tội phạm mua bán người; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới; tổ chức Hội nghị liên ngành đánh giá công tác phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới… Có thể thấy, lực lượng chức năng Việt Nam nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn người, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Thứ ba, Việt Nam cũng đã xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán. Hiện nay tại Việt Nam, các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh, thành phố thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% nạn nhân bị mua bán người có khó khăn về tài chính, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trong đó, 96% vụ việc tham gia tố tụng. Theo đó, các nạn nhân bị mua bán (tùy theo nhu cầu, nguyện vọng) được tiếp nhận và lưu trú tạm thời tại Trung tâm bảo trợ Xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tích cực triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán..., trong đó nổi bật là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Theo thống kê, hiện đang có trên 400 Trung tâm Bảo trợ xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và 03 cơ sở hỗ trợ nạn nhân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng với các Tổ chức quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ như: trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý…

Thứ tư, báo cáo của Mỹ cũng thừa nhận nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán người của Việt Nam qua công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được Việt Nam chú trọng từ lâu. Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người được ban hành một cách kịp thời, hiệu quả có sức răn đe, cảnh báo; tổ chức nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mua bán người, tiếp nhận nạn nhân; tập huấn nâng cao kỹ năng chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác hợp tác trong phòng, chống nạn buôn người thông qua việc ký kết và là thành viên tích cực của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống nạn mua, bán người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua, bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em... Ngoài ra, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua, bán người.

Thực tiễn chứng minh, những nỗ lực và thành tựu của của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua, bán người. Chính sách về bảo vệ nạn nhân mua, bán người của Việt Nam thể hiện sự tiến bộ khi đã tiếp cận với những giải pháp mới, dặc biệt ở quan điểm "lấy nạn nhân là trung tâm" và hỗ trợ nạn nhân ngay từ đầu, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro và tổn thương, góp phần bảo vệ được quyền con người ở mức tốt nhất; phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét