Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Báo cáo tự do Internet của Freedom House trái ngược hiện tình Internet ở Việt Nam.

 


Vào ngày 26/10, tổ chức “Ngôi nhà tự do” - Freedom House công bố bản báo cáo về tự do toàn cầu năm 2024 và đánh giá Việt Nam là quốc gia “không có tự do internet” với thang điểm 22/100. Trong đó, đánh giá rào cản tiếp cận internet ở mức 12/25 điểm, mục hạn chế nội dung 6/35 điểm, và mục vi phạm quyền của người dùng 4/40 điểm. Đây là mức đánh giá hoàn toàn sai lệch và thiên kiến về tình hình tự do internet tại Việt nam khi trên thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược với những gì Freedom House đưa ra. Cụ thể là:

Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Data Reportal - Singapore vào đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, đạt 79,1% trên tổng số 99,19 triệu người; trong đó có 72,70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 73,3 phần trăm tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động tại Việt Nam, tương đương với 169,8 phần trăm tổng dân số. Phân tích của Kepios cho thấy số lượng người dùng internet tại Việt Nam đã tăng 502 nghìn (+0,6 phần trăm) từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024. Trong việc sử dụng các mạng xã hội phổ biến gồm Facebook, TikTok và YouTube thì Việt Nam được xếp hạng là 10 trong số 10 quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới với 72,7 triệu người dùng Facebook, 68 triệu người dùng TikTok (xếp hạng thứ 5 trên thế giới), 63 triệu người dùng YouTube. Đáng chú ý, cơ hội tiếp cận thông tin trên internet của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Việt Nam đạt 61,3%. Theo Báo cáo SEA 2023 do công ty Google và Temasek thực hiện đã đánh giá “kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025”. Những con số trên đã thể hiện được, tại Việt Nam, số lượng người dùng Internet phát triển mạnh mẽ, nhất là mạng xã hội và kể cả những người đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú tại các vùng núi xa xôi, hẻo lánh, còn nhiều hạn chế về sóng, cơ sở vật chất… vẫn có thể dễ dàng tiếp cận internet, không hề đúng với những thang điểm thấp lè tè mà Freedom House đưa ra. Có lẽ nguồn thông tin do Freedom House lấy để xây dựng báo cáo này đều được thu thập từ các cá nhân, tổ chức lưu vong ở bên ngoài như BPSOS, “Việt Tân”… nên những thông tin đều mang tính chất “nhìn ngoài vào”, cực đoan và thiếu chính xác như vậy.

Đồng thời với việc chấm điểm, báo cáo của freedom house cũng đưa ra những thông tin xuyên tạc về việc Nhà nước Việt Nam hạn chế người dân tiếp cận thông tin internet thông qua các hoạt động như “từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023, Facebook đã hạn chế quyền truy cập theo yêu cầu của chính phủ đối với hơn 2.520 nội dung vì cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương theo Nghị định 72” hay”từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023, Google đã nhận được 417 yêu cầu xóa từ chính phủ liên quan đến 5.330 nội dung; 93 phần trăm các yêu cầu liên quan đến chỉ trích chính phủ và Google đã tuân thủ xóa 3.339 mục”, “Vào tháng 7 năm 2023, Netflix đã gỡ bỏ một loạt phim Trung Quốc, Flight to You , sau khi chính quyền Việt Nam phản đối các hình ảnh mô tả bản đồ Biển Đông, nơi hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ”… Điểm qua những thông tin về việc chính phủ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet như facebook, google, youtube hay neflix gỡ bỏ đều là những thông tin vi phạm, không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng của Việt Nam. Freedom House nên nhớ, các công ty cung cấp dịch vụ internet chủ yếu có trụ sở tại Mỹ, khi các công ty này xâm nhập vào Việt Nam hoạt động, trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Cho dù tại Mỹ hay các nước phương Tây việc “tự do ngôn luận” hay “dân chủ, nhân quyền” đều được thực hiện một cách vô cùng thoải mái tuy nhiên ở Việt Nam những khái niệm “tự do ngôn luận”, “dân chủ, nhân quyền” đều cần được thực hiện phù hợp với tiêu chuẩn của văn hóa và phong tục của người Việt. Do đó, những thông tin hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, vu cáo, sai lệch về lịch sử dân tộc Việt Nam, những thông tin sai lệch về lãnh thổ Việt Nam… đều là những thông tin không được hoan nghênh tại đất nước chúng tôi. Mỗi người dân yêu nước chúng tôi đều vô cùng hài lòng với việc ngăn chặn, tháo giỡ các thông tin không phù hợp đó, ngoại trừ một số thành phần là “người nước ngoài gốc Việt” đang sinh sống ở nước ngoài hay những thành phần người Việt Nam ở trong nước nhưng sính ngoại, muốn đi theo tự do, dân chủ theo kểu Mỹ và phương Tây.  

Bên cạnh đó, các trường hợp như Đường Văn Thái, Nguyễn Văn Lâm, Phan Sơn Tùng, Nguyễn Chí Tuyến… đều là các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam nên bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật. Có thể lấy ví dụ là trường hợp Đường Văn Thái từng tham gia một số hội, nhóm phản động, chống phá Nhà nước cực đoan trong nước như “Hội Anh em dân chủ”, “Hội nhà báo độc lập”. Đường Văn Thái thông qua nhóm “Lều Của Đầy Tớ” trên Facebook đăng tải và phát tán những bài viết xuyên tạc về đời tư của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những lời lẽ hết sức lệch lạc, bôi nhọ, vu cáo. Không dừng lại hoạt động trên mạng xã hội, Thái Văn Đường kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự năm 2016 khi công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Hoạt động của Thái Văn Đường không đơn thuần là vì mục đích đấu tranh cho dân chủ hay tự do ngôn luận, Thái Văn Đường móc nối với các tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ Việt Nam tự do”, để lấy tiền, kích động gây rối ở BOT Cai Lậy. Các hoạt động của Đường đã bị cơ quan công an điều tra nên đối tượng đã sợ hãi và trốn sang Thái Lan hòng xin tị nạn ở nước thứ ba. Tuy nhiên lưới trời lồng lộng, đến nay, Thái Văn Đường đã bị cơ quan chức năng bắt, xử lý thích đáng trước pháp luật. Do đó, Đường Văn Thái hay các trường hợp nêu trên không phải là “nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận”, “nhà hoạt động dân chủ”… như Freedom House nhắc đến mà là đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, có thể khẳng định việc một tổ chức phi chính phủ, trụ sở chính đặt ở Mỹ, nhận tài trợ lên đến gần 90% tài chính từ chính phủ Mỹ, Freedom House không có tư cách để đi rao giảng về cái gọi là báo cáo tự do về các quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, khi nhận tài trợ của một chính phủ, bản thân hoạt động và đánh giá của Freedom House đã trở nên thiếu khách quan. Hơn nữa, các thông tin do Freedom House dựa vào để nhận định lại không từ cơ quan chính thống của nhà nước mà lại từ các tổ chức “chống cộng” ở bên ngoài cung cấp thì không bao giờ có thể chính xác. Do đó, bản báo cáo của Freedom House không có tính trung thực và không thể đại diện cho thực tế tình hình tự do Internet tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét