Vừa qua, tổ chức Freedom House, một tổ chức NGO cho mình quyền
được đi đánh giá tình hình tự do trên thế giới tung ra bản báo cáo về “Tự do
trên thế giới năm 2024”. Theo đó, bản báo cáo này đã đánh giá mức độ tự do của
Việt Nam ở mức 19/100 điểm, mức độ tự do internet là 22/100 và xếp vào mục
“không có tự do”. Trên thực tế hàng năm, Freedom House luôn đưa Việt Nam vào
trong nhóm các nước “Không có tự do”. Tuy nhiên, ngay sau khi bản báo cáo này
được công bố, một số trang tin tức, diễn đàn ở bên ngoài đã triệt để loan tin,
kèm theo phỏng vấn một vài phần tử phản động lưu vong, với nội dung mang chủ ý thiếu
thiện chí với Việt Nam. Hoạt động này không phải là chiêu bài mới nhưng việc
đưa tin một cách ồ ạt, trích dẫn nguồn từ các tổ chức thù địch với Việt Nam đã
thu hút sự chú ý của một bộ phận công chúng chưa hiểu về Việt Nam, gây nhiễu loạn
thông tin. Sau đây là một số điều sai lệch, phi lí trong báo cáo của Freedom
House về tình hình tự do tại Việt Nam:
Thứ nhất, báo cáo của Freedom House cho rằng “Tự do Internet
vẫn bị hạn chế ở Việt Nam, vì chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm
soát chặt chẽ đối với môi trường trực tuyến của đất nước”. Tổ chức này còn dẫn
chứng việc “vào tháng 7 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã công
bố để lấy ý kiến công chúng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72. Nếu được
ban hành, nghị định mới sẽ yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải xác
minh danh tính người dùng, chỉ cho phép các tài khoản đã xác minh được đăng bài
và có khả năng chặn các tài khoản chưa được xác minh” và cho rằng đây là biểu
hiện của việc kiểm soát, hạn chế quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân.
Phải nói là Freedom House có đang bị “ngộ” hay “chấp niệm” với cái từ “Freedom
- Tự do” không khi thực tế xác minh danh tính là một khía cạnh quan trọng
trong việc bảo mật tương tác của người dùng và bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Nó bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ các quy định và xây dựng lòng
tin vào sự tham gia của người dùng. Từ ngân hàng trực tuyến đến thương mại
điện tử và y tế từ xa, các hoạt động hàng ngày của chúng ta minh họa cho nhu cầu
xác minh danh tính. Nếu không có sự xác minh danh tính người dùng hay sự
quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng thì rủi ro đến với người dùng sẽ rất
trầm trọng. Tin tặc và kẻ gian lận sử dụng các phương pháp tinh vi để thao túng
các lỗ hổng và khai thác dữ liệu, khuếch đại rủi ro cho cả cá nhân và
doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các thông tin sai (fake news) hay tin
xấu độc là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ người dân khỏi việc bị gây nhiễu loạn
thông tin như hiện nay. Ngoài việc các đối tượng xấu, muốn ẩn danh tính để thực
hiện các hành vi trái pháp luật mới lo sợ khi phải xác minh danh tính, còn người
dân bình thường, muốn tiếp cận thông tin thì hoàn toàn không gặp bất kỳ trở ngại
nào về khai thác thông tin trên không gian mạng cả.
Ngoài ra việc, tạp chí trực tuyến Zing News đã bị phạt hai lần
trong thời gian đưa tin, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2023, với tổng số tiền là
423 triệu đồng (17.400 đô la), vì đưa tin về các mục tin tức được cho là nằm
ngoài thẩm quyền của mình. Việc này là hoàn toàn xác đáng bởi lẽ các tạp chí trực
tuyến cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ như tạp chí giấy. Việc các tạp chí được
đưa tin dựa trên các quy định về lĩnh vực và thẩm quyền của mình là tiêu chuẩn
cứng. Do Zing News đưa tin sai thẩm quyền của mình thì việc bị phạt là đương
nhiên. Điều đó cũng tương tự như việc cơ quan chức năng Việt Nam xử lý Nguyễn
Văn Lâm, Phan Sơn Tùng, Nguyễn
Minh Sơn, Lê Minh Thể, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Phương Hằng, Trần Mai
Sơn, Ngô Thị Oanh Phương… vì họ vi phạm pháp luật chứ không phải vì họ hoạt động
bảo vệ nhân quyền hay tự do internet. Việc mỗi cá nhân, tổ chức sống ở mỗi quốc
gia phải chấp hành pháp luật của quốc gia ấy, Freedom House không thể sử dụng
“tiêu chuẩn kép” nghĩa là lấy tiêu chí về tự do của Mỹ và phương Tây để áp đặt
cho một đất nước với thể chế chính trị, văn hóa, xã hội khác được. Điều này là
hoàn toàn áp đặt và sai lầm.
Mặt khác, trích lời một số chuyên gia quốc tế khi nhắc đến
freedom House, như ông Vladimir Goshin - Đại sứ Belarus tại Việt Nam: "Bạn
có thể thường xuyên nghe thấy những lời buộc tội về sự tham gia chính trị của tổ
chức "Freedom House" và vận động hành lang cho lợi ích của một số lực
lượng nhất định. Vì vậy, tôi không cho rằng những đánh giá này được xem xét một
cách nghiêm túc, chứ chưa nói đến được xem xét một cách khách quan. Những nhận
xét của tổ chức này đều mang tính chủ quan, thể hiện sự thiên vị và cố gắng
kích động sự bất mãn nào đó". Hay ông Yerlan Baizhanov - Đại sứ
Kazakhstan tại Việt Nam nhận định "Có những tổ chức nhân quyền có
tư tưởng rất cứng nhắc, phiến diện. Họ bị chi phối bởi tham vọng chính trị. Họ
không chú ý đến sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa. Khi lập báo cáo, họ
thường bị yếu tố chính trị và định kiến chi phối. Chúng ta sống và làm việc
không phải để làm hài lòng những tổ chức như Freedom House, mà Nhà nước của
chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Đó mới là điều
quan trọng nhất". Đúng vậy, với người dân Việt Nam, sau bao năm đổi mới
và phát triển được như hiện nay, chúng ta luôn bảo vệ và thực thi các quyền con
người một cách nghiêm túc và đầy nỗ lực. Kết quả Việt Nam được Liên Hợp Quốc -
Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh lại luôn coi Việt Nam như một điểm sáng về
phát triển con người, trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm
nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, trải qua các chu kỳ của Cơ
chế UPR - một tiến trình rà soát định kỳ việc thực hiện nhân quyền của tất cả
các thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã chấp nhận phần lớn trong tổng số hơn
600 khuyến nghị nhận được, và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực
đảm bảo quyền cơ bản và trao cơ hội phát triển cho người dân. Tất cả những điều
đó đã bẻ gãy lập luận của Freedom House hằng năm vẫn đưa ra một phán xét không
thay đổi: xếp Việt Nam vào những nước "không có tự do" và thậm chí
đánh tụt điểm về cái gọi là "mức độ tự do".
Thiết nghĩ, một đất nước có tự do hay không thì chỉ chính đa
số những người dân của đất nước đó mới biết, mới đánh giá được được chứ không
thể là một tổ chức nào đó ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng cứ hàng
năm đưa ra đánh giá, phán xét dựa trên các thông tin bịa đặt, bóp méo từ các tổ
chức phản động chống phá cực đoan từ bên ngoài hoặc những kẻ bất mãn, vi phạm
pháp luật ở trong nước. Do đó có thể kết luận báo cáo của Freedom House là
không phản ánh đúng thực tế cũng như không có bất kỳ giá trị thẩm định nào về tình
hình tự do tại việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét