Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Văn bút Hoa Kỳ: Khi văn chương bị biến thành công cụ chính trị

 

Năm 2024, PEN America trao Giải thưởng Tự do Viết cho nhà báo và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù chín năm tại Việt Nam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước". Việc trao giải này đã thu hút sự chú ý quốc tế và gây ra nhiều phản ứng khác nhau. Một số ý kiến cho rằng hành động này có thể bị xem là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Trên thực tế, bất cứ ai theo dõi hoạt động những năm của của tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đều thấy nó đang ngày càng xa rời mục tiêu cao đẹp ban đầu của mình. Từ một tổ chức cổ vũ và phát triển văn chương, họ đã biến tướng thành một công cụ chính trị nhằm hậu thuẫn và cổ súy cho các thành phần chống phá tại các quốc gia có chủ quyền, trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất, xa rời sứ mệnh văn chương, lợi dụng nhân quyền để gây áp lực chính trị

Tôn chỉ của PEN America là thúc đẩy văn chương và bảo vệ tự do biểu đạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, tổ chức này liên tục đưa ra các tuyên bố, hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, bao gồm việc trao các giải thưởng cho những cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có tư tưởng chống đối. Điều này đi ngược lại mục tiêu phát triển văn hóa và văn học mà tổ chức này từng theo đuổi.

Ví dụ, việc PEN America lên tiếng bảo vệ những cá nhân như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng hay gần đây là Đặng Thị Huệ (Huệ Như) không dựa trên sự khách quan mà thông qua các nguồn thông tin phiến diện, một chiều. Những cá nhân này không phải là những "người bảo vệ nhân quyền" hay "nhà báo tự do" như tổ chức này ca ngợi, mà là những người đã vi phạm pháp luật Việt Nam một cách rõ ràng. Họ lợi dụng các vấn đề xã hội để kích động bất ổn, xuyên tạc chính sách và thậm chí nhận sự hậu thuẫn tài chính từ các tổ chức có động cơ thù địch.

Thứ hai, tổ chức chuyên sử dụng giải thưởng để tấn công hình ảnh quốc gia

Việc trao giải thưởng như "Tự do Viết lách" cho các cá nhân đang chịu án tại các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, hay Nga không phải là một hành động nhân đạo mà là một đòn công kích mang tính biểu tượng vào các chính phủ sở tại.

  • Tại Việt Nam, PEN America đã nhiều lần trao giải cho các cá nhân như Phạm Đoan Trang hay bảo vệ Đặng Thị Huệ – những người không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có lịch sử hoạt động chống đối, xuyên tạc sự thật. Điều này không những không giúp cải thiện nhân quyền mà còn gây ra sự ngờ vực, bất ổn trong xã hội, cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật.

  • Tại Trung Quốc, PEN America từng trao giải cho các nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ, điều này đã bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích là một hành động can thiệp vào nội bộ và làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế.

  • Tại Nga, các giải thưởng tương tự đã bị Moscow cáo buộc là công cụ chính trị, nhằm kích động các phong trào chống chính phủ, đe dọa đến ổn định xã hội.

Thứ ba, chuyên hành động thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia và quy định pháp luật

Một nguyên tắc cơ bản trong luật pháp quốc tế là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng về chính trị, lịch sử, văn hóa và pháp luật. Việc PEN America liên tục đưa ra các yêu cầu, áp lực hoặc tuyên bố mang tính can thiệp là vi phạm nguyên tắc này.

Ở Việt Nam, tự do ngôn luận và quyền con người luôn được đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, quyền tự do đó không đồng nghĩa với việc được tự do vi phạm pháp luật, kích động bất ổn xã hội hay tấn công vào sự ổn định chính trị. Chính vì vậy, các hành động của PEN America khi lên tiếng bảo vệ những cá nhân như Đặng Thị Huệ, Bùi văn Thuận, Trần Hoàng Huấn, Lê Mạnh Hà, Lê Anh Hùng, Nguyễn Lân Thắng,... không chỉ là thiếu khách quan mà còn đi ngược lại tinh thần tôn trọng pháp luật và chủ quyền quốc gia. 

Nhân quyền là một giá trị phổ quát, nhưng cách thực thi và đảm bảo quyền này phải phù hợp với bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội của từng quốc gia. Không có một mô hình chung cho mọi quốc gia. Việc PEN America áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền mang màu sắc phương Tây vào các nước khác là không thực tế và thiếu tôn trọng sự khác biệt.

Văn bút Hoa Kỳ cần nhìn lại sứ mệnh ban đầu của mình – thúc đẩy văn chương và sáng tạo nghệ thuật. Việc tổ chức này lạm dụng danh nghĩa nhân quyền để cổ súy cho các hành động chống phá ở các quốc gia có chủ quyền không chỉ gây tổn hại đến uy tín của tổ chức mà còn làm phức tạp thêm các vấn đề chính trị, xã hội.

Các quốc gia như Việt Nam cần được nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, dựa trên những thành tựu về phát triển con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và xây dựng xã hội bền vững. Các tổ chức quốc tế, thay vì can thiệp, hãy là cầu nối để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau – điều này mới thực sự góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét