Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Chiêu trò cũ rích hòng phủ nhận thành tựu nhân quyền Việt Nam

 


Cái gọi là “Thư ngỏ gửi Tổng thống Biden nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 10/9” đăng trên VOA Tiếng Việt mưới đây có nội dung khuyếch trương bức thư được cho là “ý nguyện” của toàn thể cử tri Mỹ gốc Việt do đối tượng Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao làm đại diện gửi đến Tổng thống Mỹ Biden trước chuyến thăm Việt Nam, trong đó trắng trợn xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; đề nghị Tổng thống Mỹ cần có động thái nhắc nhở, gây áp lực để Việt Nam thực hiện nghiêm các Công ước quốc tế về quyền con người…

Bất cứ người Việt nàm chẳng lạ gì luận điệu, chiêu trò đã cũ rích này. Dân chủ, nhân quyền là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng để chống phá Việt Nam. Đặc biệt họ triệt để lợi dụng các sự kiện đối ngoại để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Nhưng dù có giở luận điệu, chiêu trò gì đi chăng nữa, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể xuyên tạc được sự thật.

Tư tưởng, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi ra đời đã đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và Người đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bên cạnh sứ mệnh lịch sử khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Tuyên ngôn Độc lập ấy còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của Việt Nam.

Ngay sau ra đời, các nội dung liên quan đến quyền con người đã được Nhà nước Việt Nam thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946). Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, rồi Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013, quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) với bản chất là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Trong hệ thống các quan điểm cơ bản, chính sách nhất quán và khuôn khổ pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng đến mục tiêu cao nhất là vì con người, cho con người.

Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế, coi đây là yếu tố then chốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên quan tâm đến đổi mới công tác xây dựng pháp luật và đẩy mạnh cải cách tư pháp. Công việc này được đặt trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã ban hành mới và bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó bảo vệ quyền của nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương được đặc biệt quan tâm… Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật là tiền đề và điều kiện để Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Đặc biệt ở Việt Nam, các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình tin tưởng bầu ra. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin của người dân theo Hiến pháp và pháp luật luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam ngày càng cởi mở, sôi động. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet và tự do thông tin ở Việt Nam.

Trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật, các quyền của người dân về tự do hội họp và lập hội được bảo đảm và quy định cụ thể. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với hàng chục triệu hội viên. Cùng với các tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam còn có hơn 6.000 tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài ra ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ… hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm. Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác… Nhiều chính sách và biện pháp cụ thể đã và đang được Nhà nước Việt Nam thực thi để bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách này được thể hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thể hiện trong đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau…

Trong bối kinh tế thế giới có lúc lâm vào khủng hoảng và suy thoái, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định và tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá. Tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam giải quyết những vấn đề bức thiết về xã hội, thực hiện tốt hơn các mục tiêu công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn những giá trị quyền con người, quyền công dân. Việt Nam nằm trong số các quốc gia được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và được LHQ đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu…

Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được nêu trong các công ước mà mình đã tham gia, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đạt được và đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao trong cuộc bầu chọn thành viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025. Việc trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền hai nhiệm kỳ, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Tuy còn có những hạn chế nhất định nhưng những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là kết quả từ chính sách nhất quán luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ quốc tế.

Chủ trương tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không chấp nhận sự “nhắc nhở”, “gây áp lực” hay áp đặt, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước mình. Giữa Việt Nam và Mỹ, từ nhiều năm nay thường xuyên có kênh thông tin chính thức qua các cuộc “đối thoại nhân quyền”. Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Vì mục đích xây dựng, nếu thực lòng muốn giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy nhân quyền thì trước hết Mỹ cũng như các nước phải có cái nhìn khách quan, trung thực, toàn diện về vấn đề này, chứ không thể nghe theo sự bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt từ một cá nhân hay nhóm người nào đó thiếu thiện chí với Việt Nam.  Những giọng điệu lạc lõng bóp méo, xuyên tạc phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí là nhằm dụng ý xấu hòng phá hoại sự ổn định và kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Thế nhưng dù bằng chiêu trò gì chăng nữa họ không thể làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, dân chủ, phát triển và là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Những ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế và thực tiễn sinh động tại Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái đó./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét