Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Lạm bàn chuyện 40 tổ chức nhân danh nhân quyền kêu gọi Hoa Kỳ không hợp tác phát triển AI với Việt Nam!

 


Bất chấp quan hệ tiến bộ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với những cơ hội hợp tác được mở ra với biên độ rộng hơn, vẫn còn đó những cá nhân, tổ chức “lạc lõng” với tư duy “hậm hực”…. Chẳng hạn như sự việc “Gần 40 tổ chức gửi thư cho Tổng thống Mỹ Biden: “Giúp Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo là sai lầm” khi Tổng thống Mỹ có chuyến đi tới Việt Nam để làm sâu rộng thêm mối quan hệ vào các ngày 10-11/9/2023 của RFA, trong đó "họ" đòi hỏi: “Chúng tôi yêu cầu Tổng thống thảo luận tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là hoàn cảnh của những người bị giam giữ vì lý do tôn giáo, nhân quyền và vận động dân chủ. Cụ thể, Mỹ nên lên tiếng ủng hộ quyền tự do ngôn luận và các liên đoàn lao động độc lập ở Việt Nam, coi đó là điều kiện để nâng cấp quan hệ song phương về mặt ngoại giao”.

Rõ ràng ai cũng biết, “họ” mà RFA đang cổ súy đó là những tổ chức và thành phần luôn có thái độ hậm hực về nhiều thành tựu tốt đẹp của Việt Nam để bịa đặt trắng trợn rồi quy chụp rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam cần chứng tỏ rằng họ phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước”. Nói là các tổ chức thực tế chỉ là các nhóm người Việt ở Mỹ hoặc người Mỹ gốc Việt mang tư tưởng cực đoan và không có thông tin cũng như am hiểu về tình hình cụ thể ở đất nước Việt Nam. Họ đưa ra những luận điệu cũ rích từ vài chục năm về trước với việc lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền đưa ra những thủ đoạn, các luận điệu để xuyên tạc, bóp méo sự thật về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đó là mục đích không hề mang tính chất xây dựng nếu không muốn nói là chống phá của những tổ chức này núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” để xuyên tạc nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị – xã hội tại Việt Nam.

Tung hô, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu phương Tây, tuyệt đối hóa quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối hóa các giá trị của quyền con người. Cùng với đó là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, chèn ép “những người bất đồng chính kiến”… Hàng năm, quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên… với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu… Trong đó, chỉ riêng Hạ viện Mỹ hằng năm đã liên tục thông qua nhiều dự luật, nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Thực ra, vấn đề nhân quyền là điểm nghẽn từ lâu trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây trong đó đặc biệt là Mỹ. Điểm nghẽn ở đây không phải là “Mỹ có nhân quyền”, “Việt Nam không có nhân quyền” mà là nhận thức của các bên về nhân quyền có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển mối quan hệ lên cấp Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã có những nỗ lực để xích lại gần nhau hơn trong vấn đề này. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện có đoạn quan trọng về “thúc đẩy quyền con người”. Toàn văn như sau:

Việt Nam và Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại Lao động Việt Nam – Hoa Kỳ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt. Hai Nhà lãnh đạo khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay khuynh hướng tình dục và người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền con người. Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận quyền con người, ổn định khu vực, hòa bình thế giới và phát triển bền vững có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Hai bên ghi nhận những đóng góp mà các tổ chức xã hội và tôn giáo tiếp tục mang lại trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội ở cả hai nước.

Có một chi tiết rất thú vị trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ, Biden lúc ông nhắc đến hai câu thơ trong truyện Kiều “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” khi đáp từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Nhà lãnh đạo nước Mỹ nói thêm “đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt”…

Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mô tả mối quan hệ Việt – Mỹ trong 16 chữ là “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023. Đây được coi là nguyên tắc nền tảng quan trọng định hướng quan hệ hai nước.

Người Mỹ rất thực dụng và thực tế khi họ “tìm tới” Việt Nam để hợp tác hướng tới tương lai và sẵn sàng “vượt qua khác biệt”. Thế mà nay vẫn còn tồn tại một số những tiếng nói lạc lõng, quy chụp về tình hình nhân quyền, về cái gọi là “tù nhân lương tâm” hay kêu gọi không cung cấp công nghệ AI cho Việt Nam của một số ít những tổ chức còn có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam, điển hình là RFA trong đó có các phóng viên, cộng tác viên của nhà đài thiếu thiện chí này. Có lẽ bởi vì họ quá thiên kiến, cực đoan và còn rất nhiều u mê không hiểu được tình hình thực tế tại Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét