Có thể xác định một trong những yếu
tố chính để xuất hiện các tà đạo ở nước ta là do tác động của phong trào tôn
giáo mới từ bên ngoài vào. Do đó, chỉ cần chính quyền áp dụng một số biện pháp
quản lý hành chính thì nhiều tà đạo đã lụi tàn rất nhanh, hoặc số lượng người
tin theo rất ít, mặc dù địa bàn có thể trải ra trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng
không thể phủ nhận việc “bùng nổ” của các tà đạo từ sau đổi mới đến nay, nhất
là ở miền Bắc và vùng dân tộc thiểu số, là do tác động mạnh mẽ của quá trình
thay đổi nhận thức, chính sách và cách thức phát triển kinh tế, quản lý xã hội
của các cấp chính quyền ở nước ta. Trong đó, những tác nhân trực tiếp là sự
thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sống do tiến trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa đưa lại, sự thay đổi
này đã làm nảy sinh những vấn đề bức xúc của xã hội. Bên cạnh đó, sự tác động
mạnh mẽ của trình độ dân trí, phương tiện truyền thông; lợi dụng quyền tự do
tôn giáo, tín ngưỡng của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước... cũng
là những yếu tố quan trọng làm xuất hiện và phát triển các tà đạo ở nước ta.
Nguyên nhân hình thành và phát
triển các tà đạo thuộc về 5 loại sau:
Thứ nhất là các yếu tố kinh tế - xã
hội. Sự phát triển của nền kinh tế thị
trường ngoài các tác động tích cực quan trọng và to lớn, cũng đã góp phần làm
phân hóa xã hội, nhất là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các bộ
phận dân cư ở những vùng miền và dân tộc. Một số người đã tìm kiếm sự che
chở, phù trợ từ tín ngưỡng, tôn giáo để cầu mong sự may mắn từ các lực lượng
siêu nhiên. Khi chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều người
đã nhanh chóng thích nghi với môi trường cạnh tranh và thành công trong điều
kiện mới. Cũng có một bộ phận không nhỏ gặp khó khăn, thất bại do những rủi ro,
hoạn nạn, ốm đau... gây ra, và trở nên hẫng hụt, không theo kịp với sự chuyển
biến của xã hội. Họ tìm sự lý giải do số phận theo cách riêng của mình và mong
nhờ sự trợ giúp của thần thánh, vào giá trị tâm linh để có thể vượt qua hoàn
cảnh thực tại. Những người này, theo các nhà nghiên cứu, là tầng lớp dễ bị tổn
thương về tâm lý trước mọi mthay đổi của xã hội, dễ đi theo những hiện tượng
tôn giáo khác nhằm tìm một lối thoát trong suy nghĩ và cảm nhận về thực tại của
mình. Sự phát triển của kinh tế thị trường làm cho các tôn giáo, tín ngưỡng
truyền thống ngày càng bộc lộ rõ sự bất lực, tính linh thiêng bị giảm sút. Con
người không chỉ tìm kiếm sự
thỏa mãn nhu cầu tâm linh ở đình, chùa, nhà thờ với những nghi lễ rườm rà, bó
buộc so với nếp sinh hoạt của xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mà dễ chấp
nhận một dạng tín ngưỡng đơn giản hơn, phù hợp hơn. Đây là lý do làm nảy nở các
hiện tượng tôn giáo mới.
Nền kinh tế thị trường gắn liền với
xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi
hỏi cường độ lao động cao, kể cả chân tay và trí óc. Do đó, để giảm sự căng
thẳng trong xã hội hiện đại, con người thường tìm đến các hiện tượng tôn giáo
mới, mong tìm một sự thư giãn, giải trí. Bởi thế, nhiều tà đạothường tổ chức
các chuyến thăm quan, giao lưu và hoạt động này thu hút được nhiều người tham
gia. Những may rủi trong cuộc sống do thiên tai, sức khỏe gây ra, những bất
công và tệ nạn xã hội nảy sinh từ thiếu việc làm, đời sống khó khăn... cũng là
lý do để một số người tìm đến các hiện tượng tôn giáo mới.
Đặc biệt, một số người không thể tìm
kiếm được việc làm thích hợp trong xã
hội hiện đại, và họ phát hiện ra rằng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng là một
“nghề”, nhưng để hoạt động trong các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống thì
không có đủ khả năng, nên họ tự động lập ra các đạo mới để hành nghề.
Thứ hai là các yếu tố văn hoá tinh
thần.
Thách thức của toàn cầu hoá và mặt trái
của cơ chế thị trường là những nguyên nhân chính khiến cho nhiều giá trị đạo
đức, văn hoá, xã hội truyền thống
bị suy giảm. Trước tình trạng ấy, một bộ phận người dân đã tìm đến các hiện
tượng tôn giáo mới, trong đó có các “tà đạo” mang tính “mê tín dị đoan”, thậm
chí phản văn hiến, phi nhân tính, như: đạo Chân Không ở Hà Tĩnh, đạo Thiên Cơ ở
Thái Bình, đạo Thiên Nhiên ở Hải Dương,... Một số người do mù chữ, trình độ học
vấn thấp, nhận thức kém nên đã bị mê hoặc dẫn đến những hành động cực đoan gây
chết người hay tự sát tập thể. Từ khi xoá bỏ bao cấp trong ngành văn hoá, thể
thao thì ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, các cơ sở văn hoá ngày càng xuống cấp,
thiếu hụt sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể và các tổ chức văn hoá. Vì vậy,
một bộ phận quần chúng có đời sống tinh thần nghèo nàn, hiểu biết văn hoá hạn
chế đã tìm đến những loại hình văn hoá khác, trong đó có các tà đạođể thoả
mãn nhu cầu tâm linh.
Thứ ba là sự phân ly của tín ngưỡng,
tôn giáo truyền thống.
Ở nhiều nước trên thế giới và nước
ta, tình trạng phân ly tôn giáo, tín ngưỡng
truyền thống đang diễn ra, phản ánh sự đa dạng và phức tạp của cuộc sống
đương đại. Xu hướng phân ly này như một quy luật trong sự vận động và phát triển
của tín ngưỡng, tôn giáo, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và thiết chế
chính trị. Bên cạnh đó, sự phủ nhận các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của
các hiện tượng tôn giáo mới, thể hiện qua thái độ phê phán gay gắt tôn giáo chủ
lưu là bảo thủ, lạc hậu, phiền toái. Sự xuất hiện nhanh chóng các tà đạo ở nước
ta trong những năm qua đã phản ánh những bất cập của tín ngưỡng, tôn giáo
truyền thống, nhất là các vấn đề suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trước tác
động của nền kinh tế thị trường, thể hiện qua những biểu hiện thương mại hoá và
thế tục hóa tôn giáo, tín ngưỡng làm cho tính linh thiêng bị giảm sút. Vì vậy,
con người cũng dễ dàng chấp nhận các hiện tượng tôn giáo mới.
Thứ tư là quá trình mở rộng quan hệ hợp
tác quốc tế.
Tà đạo hiện nay cho thấy, quá trình
toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho một số đạo lạ xâm nhập từ
bên ngoài vào nước ta. Trong điều kiện đó, các thế lực thù địch thường lợi dụng
các hiện tượng tôn giáo mới để hoạt động chống phá như: cung cấp tiền cho một
số tổ chức tôn giáo mới là Đoàn 18 Phú Thọ, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luận
Công, Tin Lành Đề ga, Tin Lành Vàng chứ.... Một số đạo lạ thông qua việc truyền
bá giáo lý, hoạt động thờ cúng có nội dung hoạt động gắn với các vấn đề chính
trị khá rõ, như phê phán Đảng, Nhà nước ta và chính quyền địa phương; gây rối
trật tự xã hội; vi phạm pháp luật; gây tâm lý
hoang mang trong nhân dân; làm phức tạp và khó khăn cho công tác quản lý nhà
nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ năm là hệ thống chính trị ở địa phương.
Nhiều địa phương chưa nhận thức kịp thời,
đầy đủ về bản chất của các hiện
tượng tôn giáo mới, coi đây là “tà đạo” nên chủ yếu tiến hành các biện pháp đấu
tranh xoá bỏ. Một số địa phương lại cho đây là các "tạp giáo" nên coi
thường và
chủ quan cho rằng, việc giải quyết không mấy khó khăn. Có nơi gọi là “đạo lạ”
hay “tôn giáo mới” nên có sự thận trọng, áp dụng các giải pháp thiếu cương
quyết, buông lỏng để mặc cho các đạo lạ hoành hành, vì sợ động chạm đến chính
sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở một số nơi, công tác quản lý xã hội còn bị
buông lỏng, công tác quần chúng thiếu sâu sát, không phát hiện kịp thời, các
đạo lạ xâm nhập, phát triển; khi phát hiện ra thì lúng túng, xử lý không dứt
điểm. Chính vì thế, trong
khi các đạo này chưa được giải quyết, thì các đạo khác lại xuất hiện; khi bị đấu
tranh xử lý thì co cụm lại, thậm chí từ bỏ, nhưng thực chất vẫn tồn tại âm ỷ chờ
thời cơ để phát triển trở lại, lan toả ra các địa bàn khác.
Có thể nói, các hiện tượng tôn giáo mới hình
thành, xâm nhập và phát triển ở nước ta có nguyên nhân là quá trình quản lý xã hội của hệ thống chính trị các
cấp, trực tiếp là ở các địa phương, còn hạn chế; sự hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng
nói chung và các hiện tượng tôn giáo mới nói riêng; sự lợi dụng tôn giáo, tín
ngưỡng của các thế lực thù địch; việc phân công chức năng, nhiệm vụ quản lý, giải
quyết các hiện tượng tôn giáo mới của các cấp, ngành chưa rõ ràng, chủ yếu giao
phó cho các cơ quan chức năng thực hiện; đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai
công tác này còn thiếu và chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ;
đặc biệt là còn thiếu một hành lang pháp lý trong công tác đối với các hiện
tượng tôn giáo mới.