Trong rất nhiều chính khách Mỹ từng là CCB trong chiến
tranh Việt Nam đến Việt Nam ít ai lại gặp trắc trở như trường hợp cả ông Bob
Kerrey. Cơ sở bất đồng này xuất phát từ việc ông từng tham gia vụ thảm sát phụ
nữ và trẻ em ở Thạnh Phong, ông gian dối để nhận Huy chương đồng nhờ vụ thảm
sát này từ Tổng thống Nixon, ông chỉ nhận tội khi bị chính truyền thông và CCB
Mỹ tố cáo năm 2001, ông từng thất bại khi điều hành trường Đại học New School vì
bị 94 % giáo viên trường này bỏ phiếu bất tín nhiệm và hàng chục sinh viên biểu
tình, tọa kháng, chiếm văn phòng để đòi Bob Kerrey từ chức cùng một số khuất tất
như ông tự trả lương cao nhất trong các hiệu trưởng Đại học ở Mỹ khi điều hành
New School, lên án các điều tra cáo buộc về CIA tra tấn tù nhân…Đáng ngạc nhiên
nhất là người khơi mào phản đối Bob Kerrey lại đến từ cựu học sinh Fulbright,
tiếp đến là CCB Mỹ và truyền thông Mỹ. Cả truyền thông, chính khách Việt Nam
cũng bị “chia rẽ” trong khuynh hướng ủng hộ hay không đối với Bob Kerry, vì ông
này là người có công trong việc giúp bình thường hóa quan hệ Việt Nam, vận động
Chính phủ Mỹ đầu tư 20 triệu USD trong việc mở trường và bản thân ông này đã nhận
lỗi và xin lỗi về vụ Thanh Phong, …
Xem bài
báo trên các trang nổi tiếng thế giới như “Bob Kerrey, war
criminal? - The Washington Post”, “One Awful Night
in Thanh Phong - NYTimes.com”, …Chính vụ việc bị phanh phui
này đã khiến Bob Kerrey không còn cơ hội trở lại chính trường Mỹ trong cuộc đua
trở lại Thượng viện Mỹ những năm 2001-2002.
Đại sứ Mỹ cho rằng việc tranh luận về Bob Kerrey là
bổ ích, thể hiện sự thẳng thắn cần thiết. Đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên
bố việc lựa chọn Bob Kerrey tiếp hay không thuộc về phía Mỹ và Hội đồng quản trị
FUV: “phía Mỹ và ban lãnh đạo Đại
học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ
đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ
thể cho cả nhân dân hai nước”.
Cũng là một CCB trong chiến tranh Việt Mỹ, cá nhân
tôi ủng hộ quan điểm của chính quyền Việt Nam, FUV nên tự cân nhắc lợi-hại khi
chọn Bob Kerrey làm Chủ tịch quỹ tín thác FUV trên cơ sở tiếp nhận các thông
tin từ tranh luận mở, thẳng thắn ở cả Việt Nam và Mỹ. Nếu chính dư luận Mỹ
không ủng hộ Bob Kerrey thì FUV khó phát triển bằng việc gây quỹ và mở rộng đầu
tư từ vốn “mồi” của Chính phủ Mỹ. Nếu dư luận Việt Nam còn nhiều băn khoăn về
Bob Kerrey thì FUV sẽ gặp bất lợi khi tìm kiếm sự ủng hộ từ giới trí thức,
doanh nhân, sinh viên hay nhân viên Chính phủ cũng như truyền thông báo chí.
Các cuộc tranh luận về Bob Kerrey được “mở” hoàn toàn trên truyền thông, không
gặp sự ngăn cản nào từ chính quyền, duy có dư luận về ý kiến của ông Bí thư
Thành Ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị một số báo gỡ chưa rõ nguyên nhân,
cũng có thể là phía ngành quản lý báo chí cho rằng, đại diện của chính quyền
không nên “định hướng” hay đặt áp lực gì nên cuộc tranh luận này bởi sự tế nhị
và phức tạp về lịch sử của vấn đề.
Mới đây, tôi lại đọc báo chí về tuyên bố của ông Bob
Kerrey sẽ quyết tâm không rời FUV, như vậy ông đã chấp nhận đối đầu với dư luận
từ cả hai phía. Khả năng bản thân Bob Kerrey đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ vì
chính phủ Mỹ và ban lãnh đạo FUV thực sự thấy không ai xứng đáng hơn Bob Kerrey
và muốn trường hợp Bob Kerrey là “phép thử” đối với người dân Việt Nam? Hoặc phải
chăng Bob Kerrey nhìn thấy FUV là dự án thành công vì sẽ có thể thu hút tài
chính, phát triển mạnh mẽ như ông ta từng làm ở New School do vấn đề lịch sử Việt
Mỹ, tính biểu tượng hàn gắn quan hệ hai nước và lợi ích chiến lược của cả Việt
lẫn Mỹ trong củng cố quan hệ Việt Mỹ nên kiên quyết “thử lửa”?
Điều tôi thấy cần phải phê phán nhất là từ phía những
người tự nhận đấu tranh dân chủ Việt Nam, phát triển xã hội dân sự như Mai Phan
Lợi, Huy Đức, và vô khối đầu nậu “dân chủ gia” khác không chỉ ca ngợi công lao
và nêu quan điểm cá nhân là Bob Kerrey xứng đáng, lại nã đạn vào quá khứ, biện
minh cho hành động thảm sát thường dân của Bob Kerrey vì “quân đội việt cộng
núp vào trong dân”, sử dụng dân như lá chắn để giành ưu thế trên chiến trường
do ông Nguyên Ngọc khởi xướng. Cách bảo vệ này khiến dư luận khiếp đảm, nhìn những
con người “cuồng dân chủ Mỹ” đến độ mất kiểm soát, sẵn sàng trà đạp, bắn đại
bác vào quá khứ, xét lại “công-tội” của cả thế hệ người Việt xả thân giành độc
lập.
Tất nhiên, thế hệ như ông Nguyên Ngọc có “quyền”
phán xét lịch sử vì chính ông cùng đồng đội từng tham gia cuộc chiến và viết
nên những tác phẩm đang được hệ thống giáo dục Việt Nam sử dụng để truyền thụ
lòng yêu nước, tinh thần chống giặc bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cách ông ta xét lại lịch
sử, cuộc chiến, lật ngược chính tà bằng góc nhìn “nhân văn” kia thì, đối với
dân tộc này, ông xứng đáng bị tòa án lương tâm kết vào “tội phạm chiến tranh”
như chính cách dư luận Mỹ lên án Bob Kerrey, đòi truy tố về hành động thảm sát
Thanh Phong, đóng cửa các tham vọng chính trị của Bob Kerrey.
Chủ trang Lốc Liếc đã có bình luận rất sắc sảo về Nguyên
Ngọc khi viết trường hợp Bob
Kerrey , cho ông ta “đã cố
công dùng miệng lưỡi xảo quyệt của mình để liếm sạch những vết máu trên mũi
giày Bob và cả những kẻ đã gây ra hàng chục vụ thảm sát dân thường trên đất nước
Việt Nam. Thật tởm lợm khi một kẻ mang danh nhà văn hóa, nhà nghiên cứu,
nhà văn, dịch giả, Chủ tịch Văn đoàn độc lập, Chủ tịch HĐKH quỹ giải thưởng văn
hóa Phan Chu Trinh, như Nguyên Ngọc, lại có thể phun ra một “nguyên lý” sặc
tanh mùi máu những người dân vô tội: “Không thể diệt Việt Cộng mà không giết
dân, đàn bà và trẻ con!”.
Nhà văn Đông La gọi hành động này của Nguyên Ngọc nằm trong “ý đồ bệnh hoạn nhằm lộn ngược lịch sử,
cùng một giọng với bọn Chu Hảo, Huy Đức San hô, Nguyễn Duy, đã viết và được nhắc
tới trong vụ bênh ông Bob này”. Dư luận đại đa số nhân dân Việt
Nam (ngoại trừ thiểu số đang cố công dựng tượng Nguyên Ngọc để hình thành lực
lượng chinh trị lật đổ Đảng Cộng sản), sẽ
có phán xét công bằng với phát ngôn và di họa “lộn ngược lịch sử” của Nguyên Ngọc.
Trở lại vấn đề Bob Kerrey, tôi tâm đắc với ý kiến của
luật sư Thái Bảo An trong bài báo “ Bob
Kerrey có xứng đáng là người đứng đầu trường Đại học Fullbright ”: “Tôi biết rằng ông Bob Kerrey muốn hàn gắn
vết thương chiến tranh – những vết thương của cả ông ấy lẫn của người Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi rằng ông đã bao giờ tự hỏi chính mình rằng, sự bổ nhiệm của
ông ta, thực tế đã xé toạc một vết thương cũ trong tâm trí người Việt? Sự bổ
nhiệm của ông ta, thực tế là đang chia rẽ người Việt trong việc phải ứng xử với
nó như thế nào. Tôi không rõ ông ta có thể tìm thấy sự bình an trong tâm hồn
mình khi làm nhiệm vụ đó không; thế nhưng tôi biết rằng rất nhiều người Việt đang
mất đi sự bình an trong tâm hồn họ khi biết về sự bổ nhiệm đó.”
Nguyễn Biên Cương