Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Ông Nguyễn Quang A đang đánh giá thấp di sản lý luận của chủ nghĩa xã hội?



Ngày 10/06/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức một hội nghị báo cáo viên cấp trung ương, trong đó đại diện của Hội đồng Lý luận Trung ương đã có báo cáo chuyên đề về những điểm được cho là mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, sẽ diễn ra vào năm tới. Theo tường thuật của báo Thanh niên, thì Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cho biết 4 điểm mới này bao gồm: (1) gắn "xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị" với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (2) đặt ra mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN"; (3) "xác định vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn"; và (4) "giữ vừng nền tảng tư tưởng có ý nghĩa sống còn".

Nhân đó, ngày 14/06, BBC đã phỏng vấn Nguyễn Quang A, Lê Văn Sinh, Mai Thanh Sơn và Song Chi về sự kiện này. Các câu hỏi phỏng vấn cho thấy BBC tập trung khai thác một vấn đề, là Đại hội XIII có gì đổi mới không hay vẫn như cũ. Nội dung trả lời phỏng vấn chủ yếu gồm 2 cụm thông điệp:
(1) Phản bác hai bài viết trên báo Thanh Niên, qua đó công kích hệ thống lý luận hiện tại của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
(2) Đòi hỏi đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, chủ nghĩa dân tộc.
Về cụm thông điệp (1), 4 người được phỏng vấn nói rằng thực ra chủ nghĩa xã hội đã bị lịch sử đào thải khi Liên Xô sụp đổ, cả thế giới chuyển sang công nhận chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ĐCSVN vẫn “bám lấy chủ nghĩa xã hội” để có tính chính danh (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn con đường này), và nhằm tiếp tục giữ quyền lực (do công nhận mô hình nhà nước độc đảng). Việc này khiến ĐCSVN rơi vào thế bế tắc về mặt lý luận, khi kỳ đại hội nào cũng nhắc lại những lý luận cũ, trong khi số lý luận này không còn khả năng lý giải các diễn biến trong thực tế và vạch ra đường hướng lãnh đạo quốc gia.
Cụ thể, về việc Đại hội chỉ nhắc lại những lý luận cũ, Mai Thanh Sơn viết rằng thực ra dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII không có điểm nào thật sự mới, trừ mục (3) liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Về việc lý luận của ĐCSVN không còn khả năng lý giải các diễn biến trong thực tế và vạch ra đường hướng lãnh đạo quốc gia, họ viết rằng các nhà lý luận của ĐCSVN đang không giải thích được “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì, cần được quản lý theo mô hình nhà nước nào, trong đó mỗi thành phần kinh tế có vị thế chính trị ra sao, và khi nào thì Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội... Ngoài ra, họ cũng bình luận rằng khi đặt mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN", thực ra ĐCSVN đã thừa nhận thất bại trong việc theo đuổi mục tiêu “đến năm 2020 biến Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (đặt ra vào năm 2001).
Từ đó, họ kêu gọi đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, với lý do rằng “Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, quan hệ sản xuất tại Việt Nam đã thay đổi tới mức không thể không đổi mới chính trị” (lời ông Lê Văn Sinh). Ông Nguyễn Quang A viết rằng đổi mới chính trị sẽ không dẫn đến “loạn 12 sứ quân” như ông Phùng Hữu Phú lo ngại trong hội nghị, tuy nhiên không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh điều đó.
Sau khi xem xét ý kiến các ông này, tôi xin đưa ra 4 ý kiến:
Thứ nhất, “chủ nghĩa xã hội” không hẳn là đã bị từ bỏ trên toàn thế giới. Các nước dân chủ xã hội ở Bắc Âu được nhiều người xem là đã xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng Marxist ở Châu Âu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành xã hội học. Và trong trường hợp Đảng Cộng sản Trung Quốc, công tác lý luận theo đường hướng chủ nghĩa xã hội đã dẫn dắt được các thay đổi về cách tổ chức quốc giả và đường hướng phát triển… Vài ví dụ vừa kể cho thấy “chủ nghĩa xã hội” vẫn là một kho tư tưởng khá dồi dào của nhân loại, mà người Việt Nam, bao gồm những người vừa được BBC phỏng vấn, nên tham khảo thay vì phủ nhận sạch trơn. 
Thứ hai, nếu đọc mục “Nghiên cứu lý luận” trên trang lyluanchinhtri.vn, bạn sẽ thấy các công trình nghiên cứu về lý luận của ĐCSVN không chỉ xoay quanh vấn đề “kiên định chủ chĩa xã hội”, mà còn xoay quanh nhiều vấn đề thiết thực, gắn liền với các thay đổi trong thời gian qua của đất nước – như phát triển bền vững, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, phòng chống tham nhũng, quyền đất đai… Vì vậy, dù công tác lý luận trong guồng máy chính trị hiện nay có những hạn chế không thể phủ nhận, sẽ là sai khi nói rằng nó “hoàn toàn bế tắc” hay không đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, chừng nào các “nhà dân chủ” Việt Nam còn chụp mũ, đấu tố, chửi bới nhau chỉ vì một kỳ bầu cử ở… Mỹ, thì chừng đó dư luận Việt Nam vẫn xem nguy cơ “loạn 12 sứ quân” do đa đảng là có thật. Mong các “nhà dân chủ” tập trung bình lẫn nhau trước khi bình thiên hạ, đừng vội ném người Việt Nam vào canh bạc “cách mạng đường phố” đã và đang làm phá sản nhiều nước.
Nguyễn Biên Cương

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Lực lượng An ninh Tư tưởng của FBI đã do thám các trí thức lớn như thế nào?



FBI - Cục Điều tra Liên bang trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 20. So với CIA, FBI đã rất thành công không chỉ trong triệt phá các băng đảng tội phạm trong nước mà còn thành công trong phát hiện các mật vụ của Liên Xô tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những hoạt động của FBI đã đi quá xa, trở thành nỗi ám ảnh của vị Giám đốc đời đầu FBI – Edgar Hoover, tới mức xem mọi tư tưởng khác biệt với tinh thần Mỹ là mối đe dọa từ Chủ nghĩa Cộng Sản đến an ninh quốc gia. Một lực lượng “An ninh Tư tưởng” đã được thành lập để điều tra các văn bản của các nhà tư tưởng có ảnh hưởng đến người dân Hoa Kỳ, đồng thời theo dõi hoạt động của các nhà tư tưởng này tại Hoa Kỳ.
Khởi đầu cho sự việc hình thành lực lượng An ninh tư tưởng của FBI đến từ mối nghi ngờ của Edgar Hoover với hai nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre và Albert Camus. FBI đã rất lo ngại về xu hướng tả khuynh của Sartre và mối liên hệ của ông với những người Cộng Sản, Fidel Castro và Bertrand Russell – những người đã đấu tranh phản đối can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. FBI liên tục theo dõi Sartre từ đầu năm 1945. Sau đó, họ bắt đầu điều tra Albert Camus. FBI cho người theo dõi mọi hoạt động của hai nhà triết học hiện sinh này tại Mỹ (theo dõi, nghe trộm điện thoại, lấy trộm đồ vật), và lập một đội kiểm duyệt sát sao các tác phẩm của hai ông.
Đối với Edgar Hoover, bất cứ một tuyên ngôn nào đi ngược lại quyền lợi của chính phủ Mỹ cũng có thể bị xem là tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản. Để thực hiện kiểm duyệt tác phẩm của hai ông, các đặc vụ FBI đảm nhiệm An ninh Tư tưởng buộc phải có kỹ năng như một nhà phân tâm học và văn bản học. Các kỹ năng này được gọi là “mô hình Thợ săn”, kết hợp các yếu tố trinh thám và phân tâm học.
Cùng với mối lo ngại về liên đới với những người Cộng Sản, FBI còn thực hiện giám sát đối với nhà văn Mỹ vĩ đại Ernest Hemingway.  Năm 1983, FBI công bố 127 trang tài liệu về Hemingway mà họ thu thập được từ năm 1940 vì có nghi ngờ ông có mối liên hệ mật thiết với những người Cộng Sản tại Cuba. Qua tài liệu ta có thể thấy rằng việc theo dõi nhà văn này nhân lệnh trực tiếp từ Edgar Hoover.
Tài liệu miêu tả rằng vào tháng 11, Hemingway đã than phiền với các bạn cùng chuyến săn vịt của mình tại Idaho (Mỹ) như sau: “Các nhân viên tình báo bám đuôi theo chúng ta ở mọi nơi. Như là địa ngục, họ nghe trộm mọi thứ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đi xe của Duke, không phải của tôi. Không thể sử dụng điện thoại. Đường thư tín cũng đã bị chặn”.  Thậm chí FBI còn săm soi tài khoản của Hemingway tại ngân hàng địa phương. Những hoạt động theo dõi này đã gây một áp lực lớn tới Hemingway tới mức ông phải vào bệnh viện chuyên khoa thần kinh Mayo tại Minnesota để điều trị bằng phương pháp sốc điện. Ông đã cố gắng tự tử nhiều lần, và chỉ thành công vào ngày 2 tháng 7 năm 1961 khi trở về nhà tại Ketchum trước ngày sinh nhật lần thứ 62.

Không chỉ có các triết gia, một lãnh tụ tinh thần có ảnh hưởng lớn tới thế giới vào đầu thế kỷ trước là J.Krishnamurti cũng là đối tượng của FBI. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, Krishnamurti thường xuyên có các bài giảng mang tính chất hòa giải. Ông cho rằng con người gây ra chiến tranh vì những khác biệt trong tư tưởng và nhận thức mà điều này là không đáng để tiêu diệt tính mạng của nhau, đồng thời chỉ trích tư tưởng tôn sùng tinh thần Mỹ được sử dụng như một trụ cột để quân đội tuyển dụng lính phục vụ chiến trường. Những tư tưởng này của Krishnamurti bị FBI coi như có mầm mống của chủ nghĩa Cộng sản và làm ảnh hưởng đến chủ trương tư tưởng chung của chính phủ Mỹ. Krishnamurti bị FBI theo dõi và lưu hồ sơ. Ông bị buộc cấm phát ngôn trong suốt 4 năm từ 1940 đến 1944.
Trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho các trí thức đã bị giám sát, theo dõi, và gây sức ép từ lực tượng An ninh Tư tưởng của FBI. Những hoạt động này cho thấy FBI, cũng giống như CIA đã liên tục vi phạm các thỏa thuận trong Hiến pháp Mỹ về tôn trọng các quyền tự do dân sự của người dân Mỹ. Những hoạt động loại này hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện bởi cả hai cơ quan tình báo lớn nhất nước Mỹ này và được hỗ trợ bởi hệ thống công nghệ tiên tiến.
Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã kích hoạt tiêu chí “tiết lộ  thông tin mật đe dọa an ninh nước Mỹ” để ngăn cản ông John Bolton xuất bản cuốn sách có tựa đề "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (tạm dịch: Căn phòng nơi sự việc diễn ra: Một hồi ký về Nhà Trắng) bất lợi cho Tổng thống Mỹ. Như vậy, cuốn sách chưa được công khai (public) đã bị lực lượng an ninh phát hiện, biết rõ nội dung và ngăn cản nó phát hành.
Vậy nên cho đến nay, bất cứ ai mơ hồ rằng, nước Mỹ tôn trọng tự do ngôn luận, không có lực lượng công an giám sát “tư tưởng” của dân là mơ hồ và ảo tưởng nghiêm trọng. Bản chất là ai bị bóc mẽ, ai bị “các tổ chức nhân quyền quốc tế” cho vào danh sách đen, ai bị Bộ Ngoại giao Mỹ cần “chi phối” hay không mà thôi
Nguyễn Biên Cương

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Việc gì phải “cố đấm ăn xôi”?



Tính đến hôm nay,  Việt Nam trải qua hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam là phi công người Anh tiến triển tích cực, khả năng phục hồi tốt, khả năng không phải ghép phổi. Hiện cả nước chỉ còn 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Thực tế đó là minh chứng rõ ràng, Chính phủ Việt Nam đã làm nên một kỳ tích trong việc chống giặc Covid-19, nhờ có khả năng nhìn xa và áp dụng những biện pháp quyết liệt, hữu hiệu để chặn đứng và ngăn ngừa dịch bệnh trước khi quá trễ. Đây quả thực là một điểm son của Chính phủ trong việc bảo vệ và chăm sóc đời sống của người dân.
Không chỉ có vậy, theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Đánh giá về cơ hội khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19, giới chuyên gia đều đưa ra một số nhận định khả quan , tiêu biểu như:
(1) Theo đánh giá của tờ The Economist, Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 11%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 17%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 96%...;
(2) Đài CNBC (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn dịch Covid-19 kịp thời;
(3) Nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics Sian Fenner đánh giá: “Việt Nam sẽ không tránh được tác động từ thực trạng nhu cầu thế giới chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm”;
(4) Nói về nguyên nhân, nhà kinh tế Fenner cho rằng, nhờ sớm áp dụng lệnh hạn chế biên giới và giãn cách xã hội, Việt Nam đã tránh được làn sóng lây nhiễm lớn. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa;
(5) Hãng tin Bloomberg nhận thấy, khả năng “bật dậy” của kinh tế Việt Nam được khẳng định khi quốc gia Đông Nam Á này là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020;
(6) Một số chuyên gia khẳng định, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt nếu các nước như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tái dịch chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.
Vậy nên, gần đây truyền thông quốc tế tiếp tục dành nhiều lời khen ngợi cho phản ứng chống dịch Covid-19 nhanh và thành công của Việt Nam. Trang The Guardian cho rằng, không chỉ làm phẳng "đường cong" Covid-19, Việt Nam đã "nghiền nát" nó. CNN, một trong những hãng tin tức nổi tiếng của Mỹ và thế giới, ngày 30/05 đã có bài viết đánh giá cao công tác kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Bài viết nhấn mạnh một loạt các biện pháp hiệu quả Việt Nam đã thực hiện và tới nay đã thành công khi chưa ghi nhận ca tử vong nào.
         Bất chấp nỗ lực, thành công đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam, những kẻ bất mãn, tự nhận “đấu tranh zân chủ” vẫn miệt mài xuyên tạc thành quả đó và tung tin bịa đặt, dựng chuyện để phủ nhận thành công đó
Họ khai thác đánh giá của Bill Hayton trên Foreign Policy, (vốn là cựu phóng viên BBC thường có nhiều bài viết ác cảm với chính quyền, ca ngợi giới “đấu tranh zân chủ” trên báo chí nước ngoài) viết rằng mô hình thành công của Việt Nam khó mà có thể áp dụng được ở các nước khác vì có rất ít các quốc gia có những cơ chế kiểm soát như của Việt Nam, như khả năng huy động các lực lượng dân quân tự vệ phong toả toàn khu vực một cách nhanh chóng, tương tự như việc khống chế sự biểu đạt của các tiếng nói bất đồng chính kiến để bôi xấu Nhà nước cho rằng thành công của Việt Nam có được là nhờ những biện pháp “mạnh tay”, “ghi điểm” chủ yếu cho những biện pháp cứng rắn hiệu quả nhờ sự độc đoán của chính quyền, chèn ép, bịt miệng tiếng nói “bất đồng chính kiến”.
Họ triệt để khai thác thông tin một phụ nữ mắc bệnh sốt rét tử vong trong khu cách ly Covid-19 tại Quảng Bình để cho rằng chính quyền vẫn quyết tâm làm đẹp con số, không chịu chấp nhận có ca tử vong nào do CoVid-19.

Nhộn nhịp nhất là họ khai thác, thổi phồng phản ứng từ dư luận, báo chí về bất cập hay tệ nạn liên quan đến giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ sau dịch Covid-19 nhằm phủ nhận giá trị đích thực của nó, bôi nhọ quan chức, nói xấu Đảng, Nhà nước…
Không dễ liệt kê ra hết các chiêu trò, thủ đoạn “cố đấm ăn xôi” nhằm phủ nhận nỗ lực của chính quyền trong cuộc chiến chống CoVid-19 và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Dường như, với những kẻ này, chính quyền làm bất cứ thứ gì tốt đều khiến họ cay cú, hậm hực, tìm mọi cách phủ nhận và tận dụng mọi cơ hội để liên kết đến cán bộ, quan chức nhằm chia rẽ Nhà nước với người dân, khiến dân chúng hoài nghi và không tin tưởng vào chính quyền, cùng họ chống lại chính quyền thì phải. Tuy nhiên, thực tế là điều không dễ phủ nhận!
 Nguyễn Biên Cương

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Bài học từ cuộc đình công của gần 8000 công nhân tại công ty Chí Hùng, Bình Dương



Từ ngày 26 đến 29/05/2020, khoảng 8.000 công nhân Công ty Chí Hùng, chuyên gia công giày thể thao cho hãng Adidas, đóng ở Tân Uyên (Bình Dương), đã đình công và biểu tình. Căng thẳng lên cao vào ngày 28/05, khi công nhân tràn ra chặn đường giao thông, buộc cảnh sát can thiệp, tạm giữ 4 người và chích điện khiến 1 người bất tỉnh. Nhân đó, một số tổ chức chống đối đã tận dụng vụ việc để công kích chế độ chính trị của Việt Nam, và kêu gọi công nhân tham gia các hoạt động chống chế độ, cụ thể:
Thứ nhất, họ công kích chế độ, khi tuyên truyền rằng doanh nghiệp đang thuê công an và quân đội để đàn áp công nhân biểu tình đòi quyền lợi; rằng thay vì bảo vệ công nhân, chế độ lại “cộng sinh” với doanh nghiệp để bóc lột công nhân.



Thứ hai, họ tuyên truyền rằng qua việc công đoàn cơ sở không xuất hiện trong cuộc đình công, có thể thấy hệ thống công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đại diện cho quyền lợi của người lao động. Từ đó, họ kêu gọi công nhân tham gia các tổ chức chống đối đội lốt công đoàn độc lập, do các nhóm chống Cộng ở hải ngoại đứng đằng sau.

Thứ ba, họ kêu gọi người lao động Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chế độ, để “chấm dứt bất công trong xã hội”.
Thực hư sự việc ra sao?
Với lý do không có đơn đặt hàng vì dịch COVID-19, công ty Chí Hùng dự định tạm ngưng sản xuất, cho công nhân tạm nghỉ việc từ nửa cuối tháng 06 đến hết tháng 08/2020.
Do công ty Chí Hùng chỉ thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ mỗi công nhân 170.000 VNĐ cho nửa cuối tháng 6, mà chưa nói gì về khoản hỗ trợ của tháng 7 và tháng 8; một số công nhân hoang mang, cho rằng mình sắp bị ép nghỉ việc không lương, nên đưa vấn đề lên mạng xã hội.
Ngày 26/05, khoảng vài chục công nhân bắt đầu đình công, biểu tình để đòi công ty thông báo chính sách hỗ trợ, nhưng phía doanh nghiệp chưa xuất hiện và trả lời công nhân nên đến ngày 28/05 lượng người đình công, biểu tình tăng lên đến 8.000 người. Báo chí phản ánh, một số người biểu tình đã đập phá tài sản và chặn đường giao thông, khiến cảnh sát can thiệp, bắt tạm giữ 4 người và chích điện khiến 1 người bất tỉnh.
Ngay trong ngày 28/05, đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Sở Lao động và UBND thị xã Tân Uyên đã đến làm việc với công ty; đồng thời “gặp gỡ công nhân để giải thích, đề nghị công nhân yên tâm sản xuất, không nên nghe kích động, dừng việc gây mất an ninh trật tự”.
Ngày 29/05, công ty Chí Hùng giải thích với báo chí rằng “phía công ty chưa thông báo cụ thể về tình hình và chế độ hỗ trợ công nhân, nên một số công nhân hiểu nhầm rồi đình công để đòi quyền lợi”. Cùng ngày, công ty Chí Hùng ra thông báo rằng họ “vẫn đang sản xuất bình thường, công nhân tới làm việc và thực hiện quẹt thẻ đúng quy định vẫn sẽ được chấm công. Vì vậy, công ty đề nghị công nhân viên tiếp tục yên tâm sản xuất. Về các chính sách hỗ trợ (trong trường hợp tiếp tục thiếu đơn hàng dẫn tới phải tạm hoãn hợp đồng lao động) thì công ty cũng sẽ thông báo sau ngày 20/06”.
Như vậy có thể thấy, từ nguyên nhân nảy sinh đình công của công nhân xuất phát một số cơ sở sau:
Về phía doanh nghiệp thanh minh với báo chí rằng họ chỉ phạm một lỗi, là “chưa thông báo về chế độ hỗ trợ công nhân”, “khiến công nhân hiểu nhầm”. Tuy nhiên, tuyên bố này thiếu trọng lượng, vì thực ra doanh nghiệp đã tránh né trả lời công nhân trong suốt 3 ngày đình công, và chỉ ra thông báo chính thức sau khi đoàn công tác liên ngành xuống làm việc. Cách hành xử như trên là nguyên nhân chính khiến cho công nhân lo sợ doanh nghiệp đưa ra mức hỗ trợ thấp hoặc không rõ ràng, để ép công nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giúp họ không phải trả tiền bồi thường cho công nhân. Đây là một thủ thuật mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam thường xuyên áp dụng để giảm chi phí lao động.
Về phía công nhân, việc tham gia một cuộc đình công, biểu tình không do công đoàn cơ sở tổ chức, và không xin phép, là không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, lựa chọn này của công nhân là có thể hiểu được, nhưng việc công nhân chặn đường giao thông và đập phá tài sản, là hành vi vi phạm pháp luật.
Về phía tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động và chính quyền địa phương, Liên đoàn Lao động Bình Dương làm tròn trách nhiệm, khi đã đến thực địa để trao đổi với doanh nghiệp và công nhân, buộc doanh nghiệp phải thỏa hiệp với yêu sách của công nhân. Trong đó, đoàn công tác đã "giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ về quy định tạm hoãn hợp đồng lao động theo Khoản 5 Điều 32 và việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điểm c, Khoản 1 Điều 38 của Bộ Luật Lao động; yêu cầu Công ty cũng phải đảm bảo các điều kiện làm việc, vận động người lao động quay trở lại nhằm ổn định sản xuất và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp... Sau đó, đại diện công ty cam kết sau ngày 20/6 sẽ có hỗ trợ cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng trong tháng 7,8/2020"


Về phía công an, họ đã làm đúng trách nhiệm, bởi việc chặn đường giao thông và đập phá tài sản là có thật.
Như vậy có thể thấy, truyền thông giới zân chủ, truyền thông nước ngoài, nhất là Việt tân đã triệt để lợi dụng bức xúc của công nhân và lỗi từ phía chủ doanh nghiệp tuyên truyền bóp méo bản chất sự việc và kích động công nhân phản ứng cực đoan, hướng lái dư luận sang thành bất mãn chế độ chính trị, gây rối an ninh trật tự, hy vọng biến nó thành điểm khởi đầu cho cuộc bạo loạn như ở Bình Dương hay Bình Thuận, Hà Tĩnh trước đó.
Đây cũng là bài học cho chính quyền địa phương, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động cần phải vào cuộc nhanh chóng hơn, bài học cho công nhân cần tỉnh táo khi đấu tranh đòi quyền lợi, đừng manh động, vi phạm pháp luật hay để các thế lực phản động lợi dụng.
Nguyễn Biên Cương