Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Lực lượng An ninh Tư tưởng của FBI đã do thám các trí thức lớn như thế nào?



FBI - Cục Điều tra Liên bang trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 20. So với CIA, FBI đã rất thành công không chỉ trong triệt phá các băng đảng tội phạm trong nước mà còn thành công trong phát hiện các mật vụ của Liên Xô tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những hoạt động của FBI đã đi quá xa, trở thành nỗi ám ảnh của vị Giám đốc đời đầu FBI – Edgar Hoover, tới mức xem mọi tư tưởng khác biệt với tinh thần Mỹ là mối đe dọa từ Chủ nghĩa Cộng Sản đến an ninh quốc gia. Một lực lượng “An ninh Tư tưởng” đã được thành lập để điều tra các văn bản của các nhà tư tưởng có ảnh hưởng đến người dân Hoa Kỳ, đồng thời theo dõi hoạt động của các nhà tư tưởng này tại Hoa Kỳ.
Khởi đầu cho sự việc hình thành lực lượng An ninh tư tưởng của FBI đến từ mối nghi ngờ của Edgar Hoover với hai nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre và Albert Camus. FBI đã rất lo ngại về xu hướng tả khuynh của Sartre và mối liên hệ của ông với những người Cộng Sản, Fidel Castro và Bertrand Russell – những người đã đấu tranh phản đối can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. FBI liên tục theo dõi Sartre từ đầu năm 1945. Sau đó, họ bắt đầu điều tra Albert Camus. FBI cho người theo dõi mọi hoạt động của hai nhà triết học hiện sinh này tại Mỹ (theo dõi, nghe trộm điện thoại, lấy trộm đồ vật), và lập một đội kiểm duyệt sát sao các tác phẩm của hai ông.
Đối với Edgar Hoover, bất cứ một tuyên ngôn nào đi ngược lại quyền lợi của chính phủ Mỹ cũng có thể bị xem là tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản. Để thực hiện kiểm duyệt tác phẩm của hai ông, các đặc vụ FBI đảm nhiệm An ninh Tư tưởng buộc phải có kỹ năng như một nhà phân tâm học và văn bản học. Các kỹ năng này được gọi là “mô hình Thợ săn”, kết hợp các yếu tố trinh thám và phân tâm học.
Cùng với mối lo ngại về liên đới với những người Cộng Sản, FBI còn thực hiện giám sát đối với nhà văn Mỹ vĩ đại Ernest Hemingway.  Năm 1983, FBI công bố 127 trang tài liệu về Hemingway mà họ thu thập được từ năm 1940 vì có nghi ngờ ông có mối liên hệ mật thiết với những người Cộng Sản tại Cuba. Qua tài liệu ta có thể thấy rằng việc theo dõi nhà văn này nhân lệnh trực tiếp từ Edgar Hoover.
Tài liệu miêu tả rằng vào tháng 11, Hemingway đã than phiền với các bạn cùng chuyến săn vịt của mình tại Idaho (Mỹ) như sau: “Các nhân viên tình báo bám đuôi theo chúng ta ở mọi nơi. Như là địa ngục, họ nghe trộm mọi thứ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đi xe của Duke, không phải của tôi. Không thể sử dụng điện thoại. Đường thư tín cũng đã bị chặn”.  Thậm chí FBI còn săm soi tài khoản của Hemingway tại ngân hàng địa phương. Những hoạt động theo dõi này đã gây một áp lực lớn tới Hemingway tới mức ông phải vào bệnh viện chuyên khoa thần kinh Mayo tại Minnesota để điều trị bằng phương pháp sốc điện. Ông đã cố gắng tự tử nhiều lần, và chỉ thành công vào ngày 2 tháng 7 năm 1961 khi trở về nhà tại Ketchum trước ngày sinh nhật lần thứ 62.

Không chỉ có các triết gia, một lãnh tụ tinh thần có ảnh hưởng lớn tới thế giới vào đầu thế kỷ trước là J.Krishnamurti cũng là đối tượng của FBI. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, Krishnamurti thường xuyên có các bài giảng mang tính chất hòa giải. Ông cho rằng con người gây ra chiến tranh vì những khác biệt trong tư tưởng và nhận thức mà điều này là không đáng để tiêu diệt tính mạng của nhau, đồng thời chỉ trích tư tưởng tôn sùng tinh thần Mỹ được sử dụng như một trụ cột để quân đội tuyển dụng lính phục vụ chiến trường. Những tư tưởng này của Krishnamurti bị FBI coi như có mầm mống của chủ nghĩa Cộng sản và làm ảnh hưởng đến chủ trương tư tưởng chung của chính phủ Mỹ. Krishnamurti bị FBI theo dõi và lưu hồ sơ. Ông bị buộc cấm phát ngôn trong suốt 4 năm từ 1940 đến 1944.
Trên đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho các trí thức đã bị giám sát, theo dõi, và gây sức ép từ lực tượng An ninh Tư tưởng của FBI. Những hoạt động này cho thấy FBI, cũng giống như CIA đã liên tục vi phạm các thỏa thuận trong Hiến pháp Mỹ về tôn trọng các quyền tự do dân sự của người dân Mỹ. Những hoạt động loại này hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện bởi cả hai cơ quan tình báo lớn nhất nước Mỹ này và được hỗ trợ bởi hệ thống công nghệ tiên tiến.
Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã kích hoạt tiêu chí “tiết lộ  thông tin mật đe dọa an ninh nước Mỹ” để ngăn cản ông John Bolton xuất bản cuốn sách có tựa đề "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (tạm dịch: Căn phòng nơi sự việc diễn ra: Một hồi ký về Nhà Trắng) bất lợi cho Tổng thống Mỹ. Như vậy, cuốn sách chưa được công khai (public) đã bị lực lượng an ninh phát hiện, biết rõ nội dung và ngăn cản nó phát hành.
Vậy nên cho đến nay, bất cứ ai mơ hồ rằng, nước Mỹ tôn trọng tự do ngôn luận, không có lực lượng công an giám sát “tư tưởng” của dân là mơ hồ và ảo tưởng nghiêm trọng. Bản chất là ai bị bóc mẽ, ai bị “các tổ chức nhân quyền quốc tế” cho vào danh sách đen, ai bị Bộ Ngoại giao Mỹ cần “chi phối” hay không mà thôi
Nguyễn Biên Cương

1 nhận xét:

  1. Nước Mỹ không như một số người vẫn ảo tưởng, Mỹ không màu hồng, không phải là thiên đường. Là nước đi đầu trong việc đấu tranh bảo vệ quyền con người dân chủ nhân quyền quyền tự do ngôn luận báo chí nhưng đây chỉ là võ mồm còn trong xã hội Mỹ thì vẫn tồn tại những góc khuất những mặt trái những tồn tại. Giống như vụ một người da màu bị cảnh sát Mỹ đè tới tắt thở mà chết, nước Mỹ đang tồn tại những bất cập những bất công về xã hội, các quyền cơ bản của con người đang bị bó hẹp, thâu tóm.

    Trả lờiXóa