Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Dữ liệu trong báo cáo Uscirf lên án Việt Nam bị bóp méo có chủ ý

 

Uscirf - Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ trong tháng 5/2024 đưa ra một bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Uscirf lên án Việt Nam “đàn áp tôn giáo” và đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào diện “cần theo dõi đặc biệt”. 

 

Mở đầu bản báo cáo của Uscirf là nội dung đánh giá sơ bộ được gọi là “Chìa khoá phát hiện”. Ở nội dung này, Uscirf tóm tắt một số sự việc mà Uscirf cho rằng có tính chất quyết định trong việc đánh giá tự do dân chủ tại Việt Nam. Vậy những “chìa khoá” này, Uscirf đã sử dụng và khai thác dữ liệu như thế nào để đánh giá về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam?

 

Trong vụ khủng bố vào hồi tháng 6/2023 tại Đăk Lăk vừa qua, các đối tượng khủng bố sử dụng súng và tổ chức tấn công vào các trụ sở chính quyền khiến 9 người hy sinh. Khủng bố là hành vi phạm tội nghiêm trọng, ngay chính Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu, kêu gọi quốc tế cùng nhau đấu tranh. Phía Hoa Kỳ cũng khẳng định không dung túng những đối tượng khủng bố ở Đăk Lăk và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam điều tra.

 

Thế nhưng, Uscirf lại đưa sự việc này vào báo cáo của mình và khẳng định chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng vụ việc này để đàn áp tín đồ theo đạo người đồng bào thiểu số vùng Tây Nguyên. Nhận định trên của Uscirf không có bất kỳ một minh chứng cụ thể nào, mà chỉ dựa vào quan điểm, nhận xét của một vài người. 

 

Không rõ chính quyền sẽ đàn áp thế nào, nhưng trong vụ khủng bố đó, chính người đồng bào thiểu số mà hầu hết là người theo đạo Tin lành lại là những người tích cực tố giác tội phạm, thậm chí còn cùng lực lượng chức năng tham gia vây bắt tội phạm. Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, cũng chính người đồng bào lên án hành vi phạm tội của nhóm khủng bố một cách tích cực nhất, vì nhóm đối tượng đó đang làm xấu hình ảnh của người đồng bào thiểu số và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Ở một sự việc khác, Uscirf lên án chính quyền Việt Nam mặc thường phục, đột nhập vào một ngôi chùa của người dân tộc Khmer tấn công trụ trì và các phật từ. Dữ liệu được Uscirf khai thác từ một tổ chức có tên là Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF). Đây là một tổ chức có trụ ở tại Hoa Kỳ, tổ chức này thành lập với mục đích đòi chính quyền Việt Nam trả lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho người Khmer để thành lập nhà nước Khmer Krom. 

 

Uscirf đã khai thác thông tin từ KFF và cường điệu lên như toàn bộ tu sĩ, phật tử người Khmer tại Việt Nam đang bị chính quyền đàn áp, nhưng sự thật lại khiến người ta ngã ngửa. Sự việc cụ thể là một tu sĩ có tên là Thạch Đa Ra, ngang nhiên ép sư trụ trì chùa Đại Thọ (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là sư Thạch Xươl (cũng là người Khmer) giao quyền trụ trì chùa cho mình. Trong khi dưới giọng văn của Uscirf thì Thạch Đa Ra là trụ trì hợp pháp của chùa Đại Thọ. Sau khi chiếm chùa trái phép, Thạch Đa Ra tiến hành tuyên truyền thành lập nhà nước Khmer Krom và treo cờ có 03 màu xanh - vàng - đỏ (cờ Khmer Krom) trên đoạn đường trước cổng chính chùa Đại Thọ.

 

Trước tình hình có nhiều sai phạm đó, chính quyền cử một tổ công tác đến chùa khuyên giải Thạch Đa Ra, nhưng y không nghe và cho đệ tử khóa cổng chùa, đe dọa, xúc phạm và bắt nhốt tổ công tác trái phép, thậm chí dùng tay và gậy đánh bị thương tổ công tác. Sự thật này đang ngược lại hoàn toàn so với cáo buộc mà Uscirf công bố.

 

Uscirf thậm chí còn cho rằng, chính quyền đàn áp những tu sĩ Phật giáo người Khmer, nhưng chính những sư thầy, tu sĩ và phật tử người Khmer là những người đã tố giác, lên án Thạch Đa Ra. Ban trị sự GHPGG huyện Tam Bình mà thành phần hầu hết đều là đồng bào Khmer từ sự việc trên cũng đã đưa ra quyết định không công nhận Thạch Đa Ra là tu sĩ thành viên thuộc GHPG. 

 

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Vatican vào hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam đã cho phép Vatican đặt Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất tích cực trong quan hệ ngoại giao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy các hoạt động của giáo hội tại Việt Nam. Như vậy, rõ ràng các giáo dân ở Việt Nam là người được hưởng lợi nhiều nhất, đồng thời cho thấy tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam rất tích cực.

 

Tuy nhiên, để khai thác hết công suất việc lên án Việt Nam, Uscirf qua sự kiện này lại cho rằng “một số giáo dân Việt Nam lo ngại Chính phủ sẽ duy trì sự kiểm soát đạo Công giáp”. Dữ liệu được Uscirf khai thác từ trang tin RFA phỏng vấn “Một cư dân Công giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Chỉ phỏng vấn một người mà cũng không rõ người đó là ai, có thật hay không, nhưng với Uscirf thì lại là tất cả và cường điệu nó lên thành một vấn đề để lên án Việt Nam. 

 

Trên đây là một số dữ liệu cơ bản mà Uscirf khai thác, để mà đi sâu vào chi tiết cụ thể, có lẽ một bài viết này là không đủ. Có thể thấy, cách khai thác dữ liệu và sử dụng dữ liệu của Uscirf đang mắc phải sự cảm tính, thiếu căn cứ, cơ sở xác thực, chỉ dựa trên thông tin một chiều và đầy sự ngụy biện. Đó là lý do vì sao, hàng năm Uscirf đều trình lên Quốc hội Hoa Kỳ và đưa ra những đề xuất với Chính phủ Hoa Kỳ đều bị ngó lơ một cách phũ phàng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét