Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Ông Nguyễn Quang A: Hội anh em dân chủ là một tổ chức chính trị chặt chẽ?

Trong thời gian qua, một loạt các thành viên của tổ chức tự xưng là “Hội Anh em Dân chủ” (HAEDC) đã bị truy tố theo điều 79 Bộ luật Hình sự. Trước diễn biến này, khi trả lời phỏng vấn RFA (1), ông Nguyễn Quang A tuyên bố rằng vì “phong trào của dân chúng rất phát triển, đến độ có thể thay đổi về chất”, mà HAEDC lại “là một hội có tổ chức chặt chẽ, của một tổ chức chính trị rất cổ điển”, hội này đã trở thành mục tiêu “đàn áp” của công an. Tuy nhiên, dù ông Nguyễn Quang A có lạc quan thế nào về HAEDC và “phong trào của dân chúng”, hội này vẫn chỉ là một tổ chức chống Cộng chộp giật và nghiệp dư. Có thể thấy rõ sự chộp giật và nghiệp dư này qua một “bản lên tiếng” được họ viết vào giữa năm 2016.


Ngày 11 tháng 7 năm 2016, website của HAEDC đăng tải một “Bản lên tiếng của Hội anh em dân chủ gửi linh mục Micae Trần Định”, với người nhận là linh mục Michael Trần Định, chánh xứ giáo xứ Kẻ Đọng, Nghệ An. Trong sự kiện này, HAEDC đã thể hiện rằng nó là một tổ chức rất độc đáo. Bình thường, người ta chỉ viết “bản lên tiếng” để gửi tới các cơ quan và tập thể, chứ không ai đòi “lên tiếng” trước một cá nhân.

Vậy vì sao HAEDC phải “lên tiếng” với ông Trần Định? Phải chăng ông Định đã làm gì mạo phạm đến “tự do” và “nhân quyền” của các “anh em”? Không phải thế: thực ra “bản lên tiếng” mà HAEDC gửi đến ông Trần Định là một mớ hổ lốn, trong đó người viết trộn lẫn hai văn bản con với nhau. Văn bản đầu tiên là một bài tường thuật vụ các thành viên HAEDC “bị đánh” khi đi ăn cưới ở Nghệ An, và “bản lên tiếng” thể hiện thái độ của họ trước vụ việc này. Văn bản thứ hai là một lá thư riêng mà HAEDC gửi đến ông Trần Định, để cảm ơn ông và giáo xứ của ông đã hỗ trợ các thành viên của HAEDC trong vụ việc đó. Khi trộn lẫn lá thư riêng với một “bản lên tiếng” để tuyên truyền chính trị, hẳn nhiên HAEDC muốn mượn lá thư riêng để tuyên truyền. Qua ngôn ngữ sùng đạo mà người viết sử dụng trong thư, có thể thấy HAEDC muốn dùng thư này để lôi kéo sự ủng hộ của giáo hội và các tín đồ Công giáo. Qua việc người viết trộn lẫn hai văn bản khác loại làm một, rồi đăng nó công khai như một văn kiện chính thức, có thể thấy HAEDC là một tổ chức chính trị rất vụng về, thô thiển và nghiệp dư. Qua việc HAEDC dùng một lá thư riêng để tuyên truyền chính trị, có thể thấy nó là một tổ chức rất chộp giật và cơ hội. Vì đây là thư tuyên truyền, lời cảm ơn được viết trong thư có lẽ cũng không chân thành lắm. Sau cùng, qua việc HAEDC dùng thư tuyên truyền chính trị để lôi kéo một tập thể tôn giáo, có thể thấy họ muốn lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ chính trị, tức làm trái với quan điểm thế tục đang được khuyến khích ở các nước phương Tây.

“Bản tuyên bố” có chữ ký của ba người, là Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Trung Tôn. Nhưng vì thư gửi từ Thanh Hóa, và người viết thư trích dẫn kinh thánh Tin lành, có thể thấy thư này do ông Tôn soạn. Khi ông Tôn đứng trên quan điểm tôn giáo của mình để viết “bản tuyên bố” chính thức của một tổ chức chính trị phi tôn giáo, ông một lần nữa chứng minh rằng HAEDC là một tổ chức luộm thuôm và nghiệp dư.

Ngoài ra, qua nội dung của lá thư và diễn biến của vụ việc mà thư đề cập, ta có thể khẳng định thêm một sự thật nữa. Vì đây không phải là lần đầu tiên một nhóm các “nhà hoạt động” thân Việt Tân kịp thời trốn vào các nhà thờ Công giáo ở Nghệ An và Thanh Hóa khi bị truy đuổi, chắc chắn các giáo xứ ở hai tỉnh này đã được lệnh thường xuyên hỗ trợ các nhóm chống Cộng. Có lẽ các cha xứ và các nhà chống Cộng đã cùng liên lạc qua điện thoại với một bên trung gian, vì nếu không làm theo cách này, cha xứ không thể biết đám cầu cứu có phải “quân mình” thật hay không, và các nhà chống Cộng không thể biết địa chỉ của nhà thờ gần nhất để kịp thời vào trốn. Vì cha xứ lập tức bao che cho các nhà chống Cộng, mà không nghi ngờ danh tính và mục đích thật của họ, chắc chắn họ đã có thỏa thuận từ trước với các tổ chức chống Cộng, và hai bên đã thống nhất cách thức hành động khi vụ việc xảy ra.

Cộng với việc HAEDC chủ động lôi kéo sử ủng hộ của giáo hội và sự gia nhập của giáo dân ở Nghệ An, có thể nói rằng dù người Công giáo ở vùng này có tham gia các tổ chức chống Cộng hay không, giáo hội Công giáo tự nó đã là một lực lượng chính trị gây bất ổn cho khu vực.

Vậy vì sao khi trả lời phỏng vấn vào thời điểm này, ông Nguyễn Quang A lại tuyên bố rằng “phong trào của dân chúng rất phát triển”, và HAEDC có tổ chức “rất chặt chẽ”, dù mọi bằng chứng đều cho thấy một thực tế trái ngược với lời nói của ông? Đây là điều mà chúng ta nên ngẫm nghĩ.


1 nhận xét: