Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Việt Nam: 80% số người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu là phụ nữ!

 


Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao... Theo đánh giá hằng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 1997 - 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn

 


Biến đổi khí hậu gây ra những tác động khác nhau đối với phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 80% số người chịu các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu là phụ nữ(7). Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số phụ nữ và trẻ em tử vong bởi các thảm họa thiên nhiên cao hơn 14 lần so với nam giới(8). Biến đổi khí hậu tác động lên cuộc sống và sinh kế của người dân theo những cách thức khác nhau và phụ nữ luôn được coi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, biến đổi khí hậu có thể làm tồi tệ thêm những bất bình đẳng giới, tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ. Báo cáo thảo luận chính sách của Liên hợp quốc và Oxfam khẳng định, nhiều thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu dẫn đến di cư tăng lên ở Việt Nam. Phụ nữ di cư thường kiếm được việc làm ít hơn nam giới và nếu họ ở lại khi các thành viên khác trong gia đình di cư thì họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm của nam giới. Một tình trạng phổ biến khác là nam giới trong gia đình thường làm việc xa nhà, nên khi thiên tai tàn phá thì phụ nữ buộc phải gánh vác hầu hết các hậu quả của rủi ro thiên tai.

Sinh kế của người nghèo, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em nông thôn, phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản gần bờ. Cuộc sống của họ phụ thuộc khá nhiều vào các hệ sinh thái có sẵn trong tự nhiên. Nhưng biến đổi khí hậu đang làm mất đi nhiều khu rừng tự nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điều này ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em, vốn cuộc sống chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn trong tự nhiên. Hơn nữa, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, thường phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc, đóng vai trò người chủ gia đình và lao động chính ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên khan hiếm, các vùng bị nhiều thiên tai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khiến họ bị giảm cơ hội được giải phóng và bình đẳng. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng nước và trữ lượng nước sạch, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm và đây chính là các yếu tố đe dọa sức khỏe sinh sản, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em. 

Do vậy, để thực hiện Chiến lược quốc gia chống BĐKH, Việt Nam đặt nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác quốc tế bảo đảm quyền con người trong BĐKH. Những năm qua, Việt Nam đã “chủ động, tích cực tham gia” hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều thể chế đa phương, quốc tế, khu vực. Tiêu biểu, mới đây nhất, tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 53 của Hội đồng nhân quyền LHQ, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines soạn thảo, đề xuất và thành công thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quyền con người, trong đó nêu bật ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với sinh kế và quyền con người, nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này. Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu). Thành công đáng ghi nhận này không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn phản ánh uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tại Diễn đàn Nhân quyền LHQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét