Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Việt Nam nỗ lực học hỏi kinh nghiệm chống bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc!

 


Tại Khóa họp 53 HĐNQ, diễn ra từ ngày 19/6-14/7/2023, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các nước, tổ chức quốc tế liên chính phủ và một số tổ chức phi chính phủ. Phái đoàn Việt Nam tại Genevađã phối hợp với các Phái đoàn Hoa Kỳ và Argentina đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế về chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc (ngày 3/7 trực tiếp tại Geneva và trực tuyến). Phát biểu dẫn đề tại Toạ đàm, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định dù đang trong quá trình nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước số 190 năm 2019 về chủ đề này của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam mong muốn thúc đẩy đối thoại giữa các nước và các tổ chức quốc tế và các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm và nhu cầu hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc. Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phong phú về tăng cường hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức và bảo đảm sự tham gia của người lao động, nhất là lao động nữ, các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn… trong việc chuẩn bị điều kiện, năng lực để tham gia Công ước ILO 190.



Có thể nói, quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc luôn là vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm,, Đảng và Chính phủ luôn tìm mọi cách giảm thiểu, bảo vệ nạn nhân vấn đề này.

“Quấy rối tình dục” có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, gây ra bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu cho người bị quấy rối. Luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2019 đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó. (Theo khoản 9 Điều 3).Nơi làm việc được hiểu là là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Theo quy định của pháp luật, những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, tập huấn, hội thảo, bữa ăn, chuyến đi công tác chính thức, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định đều được tính là nơi làm việc.

Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Theo văn bản này, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục.

Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.

Bên cạnh đó, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc sẽ bị sa thải.  Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, gây ảnh hưởng xấu tiêu cực tới môi trường lao động, phá vỡ sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ. Nó dẫn đến những tác động xấu về tâm lý, thậm chí gây lo lắng, căng thẳng và tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại. Môi trường công sở từ đó trở nên thiếu an toàn, hiệu suất cũng như năng suất làm việc bị giảm sút. Vì vậy, các hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục nơi làm việc cần được đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn và loại bỏ, tạo điều kiện cho tất cả mọi lao động phát huy tối đa khả năng để cống hiến hết mình cho nơi mà họ đã lựa chọn gắn bó.

Việc Việt Nam khởi xướng, chủ động và tích cực tham gia diễn đàn này tại Khóa họp 53 Hội đồng Nhân quyền LHQ phản ánh sự quan tâm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các nước chống bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc, từ đó nghiên cứu, vận dụng vào Việt Nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét