Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

USCIRF và những luận điệu vu cáo Việt Nam đàn áp tín đồ đạo Dương Văn Mình bằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

 


Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm mục đích chống phá thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chẳng hạn, trong các Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế hàng năm của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, mặc dù đã đề cập đến nỗ lực và tiến triển của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và bảo đảm đời sống tôn giáo, nhưng vẫn tiếp tục đưa ra những luận điệu cáo buộc Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền, bóp méo sự thật, đánh giá sai lệch về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. 


 

Bằng việc đưa ra một số luận điệu như: pháp luật Việt Nam quy định sự kiểm soát của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định “mập mờ” cho phép hạn chế tự do tôn giáo, pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo không tương đồng với công ước quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người, trái với các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế; trong năm qua, chính quyền không công nhận tổ chức tôn giáo mới nào, có nhiều hình thức sách nhiễu, theo dõi, từ chối, hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác, như chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở sách nhiễu đối với các nhóm Công giáo, Tin lành, trong đó các nhà chức trách đã giam giữ một số tín đồ của đạo Dương Văn Mình v.v..

Những nội dung và dẫn chứng được nêu trong báo cáo hoàn toàn không mang tính đại diện và phổ quát cho đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Một số nhóm tôn giáo mà báo cáo cho rằng chính quyền sách nhiễu, gây khó khăn, như Dương Văn Mình là thông tin sai sự thật. Đây là tổ chức lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chống phá Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, báo cáo đưa ra số liệu chức sắc, tín đồ tôn giáo bị bắt, giam giữ, chất vấn về hoạt động tôn giáo của họ cũng là thông tin bịa đặt, bởi pháp luật Việt Nam quy định chỉ những người vi phạm các tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự thì cơ quan chức năng mới tiến hành các thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử.

Ở Việt Nam không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”. Cần tường minh vấn đề này, không thể mập mờ, “đánh lận con đen” để vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền.

Dễ dàng nhận thấy, ẩn chứa trong báo cáo này là việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, biến tôn giáo trở thành một thứ vũ khí lợi hại để xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam nhằm đưa Việt Nam vào cái gọi là “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt”, gây ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại của Việt Nam, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo sức ép từ bên ngoài và tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, từ đó thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam.

Chiêu bài vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã có từ lâu. Những đánh giá, kết luận hằng năm của tổ chức này chỉ dựa trên những báo cáo của một số tổ chức phi chính phủ thông qua việc thị sát vài vùng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và một số nhóm, tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo, nhưng thực chất hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi là thiếu tính khách quan, tính chính xác, tính toàn diện, thể hiện sự tùy tiện trong nhận định và đánh giá.

Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo là một cách thức bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tự do tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, mà có giới hạn. Khoản 2 điều 29 Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Khoản 3 điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng quy định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Do đó, theo các quy định này, quyền tự do tôn giáo là quyền giới hạn, quyền này phải bảo đảm sự tôn trọng quyền tự do của những người khác và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và phúc lợi chung cho xã hội.

Pháp luật của các quốc gia đều phân định rõ ràng giữa tự do tôn giáo và luật pháp, giữa tự do tôn giáo và lợi dụng tự do tôn giáo, nên có những quy định cụ thể về quyền tự do tôn giáo, nhân quyền, đồng thời ngăn chặn những hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, nhân quyền để cản trở quyền của người khác, xâm phạm an ninh quốc gia; đều có hành lang pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo được diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, truyền thống lịch sử và văn hóa của từng quốc gia, dân tộc.

Việc Nhà nước Việt Nam đưa ra các quy định pháp luật để quản lý hoạt động tôn giáo là phù hợp và tương đồng với luật pháp quốc tế. Các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người liên quan đến quyền tự tôn giáo mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết đều đưa ra các nguyên tắc: nguyên tắc về những quyền con người cơ bản; nguyên tắc không phân biệt đối xử; nguyên tắc về sự bảo vệ pháp lý; nguyên tắc tăng cường đối thoại; nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác(1).

Theo các nguyên tắc trên, pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể để bảo hộ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đồng thời tránh việc lợi dụng quyền tự do tôn giáo.

Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Khoản 1 điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; khoản 1 điều 3 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có thay đổi quan trọng về chủ thể hưởng quyền tự do tôn giáo từ “công dân” mở rộng sang “mọi người” cho thấy, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đồng thời các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo vi phạm pháp luật cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các văn bản pháp luật của Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tựu trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền và nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo được thực thi, đồng thời bảo vệ, thúc đẩy tự do tôn giáo, thúc đẩy quyền con người, hoàn toàn tương đồng với luật pháp quốc tế và phù hợp thực tiễn đời sống tôn giáo, lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Mặt khác, việc hoàn thiện luật pháp, trong đó có luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, để bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, quyền con người đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng thế giới và trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu tín nhiệm cao (184/193 phiếu). Ngày 11-10-2022, Việt Nam lại tiếp tục trúng cử là một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này. Kết quả trên cho thấy, pháp luật, chính sách tôn giáo của Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét