Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Vì sao Bà Cô Dợ bị xem là tà đạo?

Thời gian qua, các thế lực thù địch thường quy kết rằng, Chính phủ Việt Nam cố tình áp đặt danh nghĩa tà đạo cho một số "tôn giáo" như Bà cô Dợ để đàn áp. Thực tế có việc áp đặt các "tôn giáo" trên là tà đạo hay không, trước hết xem đặc trưng của nó, tác động, hậu quả với xã hội.


 

Từ thực tiễn hoạt động của các tà đạo trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã đưa ra một số đặc trưng nhận diện các tà đạo, dễ dàng so sánh nó với tà đạo Bà Cô Dợ:

Thứ nhất, về người đứng đầu: Luôn tự đề cao, đánh bóng bản thân mình cho rằng bản thân họ là “phật”, “thánh”, “thần”…, nhiều người trước khi tạo dựng tà đạo hay “đạo lạ” còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước trước để tạo thanh thế. Các tà đạo thường sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu, khác với tôn giáo truyền thống: đối tượng sùng bái là những bậc thánh hiền, thần thánh hóa lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo truyền thống phát huy được tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người; “tà đạo” thường có tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền của người dân.

 Tà đạo Bà Cô Dợ do đối tượng Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, là người Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống tại thành phố Milwaukee, bang Wiscosin, Mỹ lập ra và làm hội trưởng từ cuối năm 2016. Vừ Thị Dợ đã đăng tải, tán phát nhiều video clip trên YouTube với nội dung con trai của Dợ, sinh năm 2000, là chúa Giê Su, đến năm 2018 (đủ 18 tuổi) sẽ tái lâm làm vua của người Mông. Vừ Thị Dợ đã lập ra nhóm đạo có tên “Đức Chúa trời yêu thương chúng ta” hay còn gọi là Bà Cô Dợ và lôi kéo mọi người tin theo và tham gia nhóm đạo trên để tập hợp lực lượng, lập nhà nước riêng của người Mông.Trong quá trình giảng dạy, các đối tượng sử dụng các bài hát về chúa đã được cải biên trên nền nhạc trẻ; nội dung chủ yếu chúng tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc Kinh thánh, đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống của người dân tộc Mông, tuyên truyền về ngày tận thế, việc vua Mông ra đời, kích động ly khai, tự trị, lôi kéo người theo Bà Cô Dợ tham gia thành lập “Nhà nước Mông”.

 Thứ hai, về lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật”: Chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, đã hình thành từ lâu, nên có những lời khuyên, điều răn dạy hướng thiện, giúp xoa dịu, an ủi con người về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn gặp phải trong cuộc sống (đây là yếu tố làm cho tà đạo có thể tồn tại). Tuy nhiên, có một số tà đạo có nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học như khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc phật”…, trái với quy luật tự nhiên; lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế quần chúng.

Vừ Thị Dợ trước đây tin theo Công giáo và Tin lành nhưng có nhiều vi phạm về giáo lý, giáo luật, thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc Kinh thánh hai tôn giáo này nên đã bị khai trừ ra khỏi giáo hội. Sau khi bị khai trừ, Vừ Thị Dợ đã lập trang mạng kiếm tiền từ YouTube kết với truyền đạo. Những người tin theo tà đạo Bà Cô Dợ không tà đạo lễ Phục sinh, chỉ tà đạo lễ Giáng sinh vào ngày 22/11 hằng năm (không phải ngày 25/12) là ngày sinh của chúa Cứ Nu Si Lông, tuyên truyền rằng không phải đóng 10% thu nhập, ai tin theo Bà Cô Dợ sẽ được chia tiền. Sáng chủ nhật hằng tuần, các đối tượng và những người tin theo tập trung sinh hoạt tại điểm nhóm. 

Thứ  ba, về mục đích hoạt động: Hầu hết các tà đạo đều có chung mục đích là phục vụ lợi ích của người cầm đầu “giáo chủ” (người sáng lập) và một số đối tượng cốt cán, tay chân của họ nhằm thu về kinh tế thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “sắc phong”, “bùa”, bán sách, bài giảng, “thuốc chữa bệnh”... Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động tạo dựng hoặc lợi dụng “tà đạo” như là công cụ để tuyên truyền, tập hợp, thu hút người vào các hoạt động chống chính quyền.

Bà Cô Dợ là tà đạo lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát triển lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Thời gian qua, các đối tượng triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tại Việt Nam tham gia tà đạo nhằm kích động lập “Nhà nước Mông” với các luận điệu như: người Mông không đoàn kết, nên đất đai đã bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác. Theo đạo Bà Cô Dợ khi có chiến tranh, thiên tai thì sẽ được đưa đến đất nước của chúa sinh sống; kêu gọi người Mông phải đoàn kết để chung tay xây dựng đất nước riêng của người Mông...Chúng thông qua việc hỗ trợ tài chính cho số đối tượng cầm đầu, cốt cán ở trong nước để động viên, chỉ đạo lôi kéo, phát triển tín đồ. Từ năm 2018 đến nay, nhóm của đối tượng Vừ Thị Dợ ở Mỹ đã công khai chỉ trích một mục sư ở trong nước và một số mục sư Tin Lành khác ở Mỹ là tà giáo, kêu gọi người Mông không tin những mục sư trên. Từ năm 2017 đến nay, đối tượng Vừ Thị Dợ và số đối tượng cốt cán ở Mỹ đã nhiều lần gửi tiền cho đối tượng cầm đầu, cốt cán ở Điện Biên, Lai Châu để hoạt động.

 

Thứ tư, về nghi lễ hành đạo: Mang nặng yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp, phản khoa học trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc hay thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc .Luận điệu tuyên truyền, tà đạo Bà Cô Dợ đã đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, coi các tôn giáo khác là tà giáo, còn bản thân tự nhận là tôn giáo chính thống của người Mông. Những gì mà các đối tượng cầm đầu, cốt cán trong tà đạo Bà Cô Dợ tuyên truyền là hoàn toàn trái ngược với thuần phong mỹ tục cũng như những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông; không được pháp luật Việt Nam cho phép. Vì vậy, việc nhận thức rõ bản chất của tà đạo Bà Cô Dợ để kịp thời ngăn chặn, xử lý hoạt động phi pháp, nguy hiểm của những đối tượng cầm đầu, cốt cán đang tích cực tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia vào các hoạt động gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay 

Thứ năm, về cách hoạt động: Thường thiên về hoạt động thực tiễn, nhưng lén lút, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng sơ hở của pháp luật, trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển “đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở trên mạng Internet hay ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa; lợi dụng những vùng đồng bào trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để dụ dỗ, lừa bịp, khống chế, lôi kéo theo “đạo”.  Với tà đạo “Bà Cô Dợ” thường sử dụng các đoạn video clip quay các buổi sinh hoạt của điểm nhóm ở Mỹ và phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, kênh Youtube để giới thiệu, hướng dẫn mọi người sử dụng điện thoại, máy tính bảng... kết nối Internet vào xem trực tuyến và làm theo hướng dẫn.

Số đối tượng cốt cán trong tà đạo Bà Cô Dợ ở các tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh ở Tây Nguyên đã chia thành nhiều nhóm hoạt động riêng lẻ, có đối tượng đứng đầu chỉ đạo, phụ trách; có sự trao đổi thông tin, tình hình và thống nhất về cách thức hoạt động và chịu sự chỉ đạo chung của đối tượng ở Mỹ. Tuy nhiên, tà đạo Bà Cô Dợ chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng mà chia thành nhiều nhóm hoạt động riêng lẻ; không có giáo lý, giáo luật, hiến chương, điều lệ cụ thể, hoạt động chủ yếu cắt xén giáo lý của đạo Tin lành, bị các chức sắc Tin lành Mông ở Mỹ và nhiều nước lên án. Tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt chủ yếu do Vừ Thị Dợ soạn thảo, tán phát trên mạng Internet dựa vào giáo lý, giáo luật của đạo Tin lành nhưng có lược bỏ, sửa đổi.  

Thứ sáu, về đối tượng tin theo: Phần lớn người tin theo các tà đạo là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có những tà đạo do biết khai thác, lợi dụng, tạo vỏ bọc xuyên tạc các sự kiện thực tế (dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa môi trường...) để “khoác áo” cho các “tín điều” nên đã thu hút được những người trẻ tuổi ưa cái mới, kể cả những người có trình độ nhận thức và chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc cán bộ các cơ quan chính quyền và nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngành, giáo sư, tiến sỹ nghỉ hưu tiếp tay cho tà đạo hoạt động.

Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo;... thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc...”. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24). Đồng thời, “nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền một số hình thức của tà đạo như “Long Hoa Di Lặc”, “Chân không”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”…

Hoạt động của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đáng chú ý hoạt động của tà đạo “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “tà đạo Hà Mòn”, tà đạo “Hoàng Thiên Long”… trái với phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc; tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; khống chế, lừa gạt người dân để trục lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo, gia đình ly tán (khi bị gia đình, người thân can ngăn, đối tượng đã bỏ người thân theo tà đạo).

Các tà đạo này ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội (kích động trốn vào rừng, trốn đi nước ngoài); một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền nhân dân …

Phần lớn các tà đạo ở nước ta có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế. Mặt khác, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của đất nước.

Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; nghiêm cấm bất kỳ ai lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. Dù ở quốc gia nào, hoạt động tôn giáo đều cần phải có sự quản lý để bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ luật pháp. Không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét