Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

Vì sao cần quán triệt phương châm tôn giáo đồng hành cùng dân tộc?

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, họ không chỉ có đức tin và sự cố kết với tôn giáo của mình, mà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chủ rương, phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc” là bài học quý báu mà ông cha ta đã tổng kết được trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, các thế lực thù địch không ngừng dùng những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo với nhiều hình thức để chống phá Nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng "tôn giáo ở Việt Nam đứng ngoài chính trị, tôn giáo độc lập với chính quyền, tôn giáo có sự "tự do" tuyệt đối, tôn giáo đứng ngoài pháp luật"…

Chúng lợi dụng triệt để quan điểm "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật" để cho rằng "tự do" tôn giáo của Việt Nam chỉ là hình thức, vu khống Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, cấm đoán tôn giáo, đàn áp giáo sĩ, tăng sức ép với Việt Nam qua việc quốc tế hóa các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng... Một số người đứng đầu các tổ chức tôn giáo đã bị đối tượng xấu xúi giục, kích động, mua chuộc trở nên cực đoan, phản động, coi tổ chức tôn giáo của mình như một cá thể độc lập, nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, của giáo hội, không liên quan đến chính quyền, tự đưa ra các quy định, các "điều luật" riêng, thậm chí đi ngược lại với những giáo lý và pháp luật...

Mặc dù cho rằng tôn giáo Việt Nam đứng ngoài chính trị, nhưng các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng tôn giáo hòng thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" để xuyên tạc, bóp méo cho rằng Việt Nam "đàn áp tôn giáo"; lợi dụng các vấn đề chính trị-xã hội phức tạp trong nước để kích động ly khai, biểu tình; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận dân chúng để thành lập các "đạo lạ", các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép; lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, gieo nên những ánh nhìn định kiến, ác cảm của đồng bào tôn giáo đối với chính quyền, kích động gây rối, làm mất ổn định chính trị-xã hội, gây mất đoàn kết lương-giáo, chia rẽ dân tộc...

Nhằm đẩy mạnh hoạt động chống đối dưới chiêu bài đòi tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực phản động không ngừng các thủ đoạn thâm độc kích động bà con giáo dân phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng việc không thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; không tham gia các tổ chức chính trị ở địa phương; không tham gia thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương... Từ đây chúng âm mưu lôi kéo đồng bào ra khỏi sự quản lý của chính quyền, của pháp luật, vô hiệu hóa chính quyền cơ sở; hòng làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng với chế độ, từ đó dễ bề chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Lợi dụng quyền "tự do tôn giáo" chúng cố tình đánh tráo khái niệm để cho rằng con người có quyền "tự do tuyệt đối về tôn giáo" tức là tôn giáo đứng ngoài pháp luật. Tuy nhiên cần phải hiểu "tự do tôn giáo" là việc mỗi người có quyền tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Tại khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế đã chỉ rõ: "Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác."… Không chỉ Việt Nam, mà các nước phát triển đều đặt giới hạn cho tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, đặt tự do tôn giáo trong mối quan hệ chặt chẽ và chịu sự quản lý, giám sát của nhà nước, pháp luật, chính quyền.

Lịch sử Việt Nam luôn đồng hành cùng tôn giáo, dân tộc

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ, thời nào các bậc minh quân khéo biết dùng chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc thì đất nước thái bình, thế nước vững như “Âu vàng”. Ngay khi bắt tay vào xây dựng nền độc lập cho quốc gia Đại Việt, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết phát huy Phật giáo ở cả khía cạnh trí tuệ và cố kết nhân tâm, để đoàn kết, phò Vua, chống giặc, giúp nước. Vua đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, chức đứng đầu các sư cả nước; sau lại phong là Khuông Việt Đại sư, nghĩa là bậc Đại sư khuông phò nước Việt nhằm tôn vinh, khích lệ sự cống hiến của ông đối với đất nước. Thời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc đạo và đã có công lớn trong việc cố kết nhân tâm và vun bồi trí đức; nhờ đó mà dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh nhất đương thời. Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc đã trở thành tư tưởng xuyên suốt, một chiến lược cách mạng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm trên thực tế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết tôn giáo; hoà hợp dân tộc. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Người đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đã là người Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo nào thì đều chung một dân tộc, đều là con cháu của dòng dõi Lạc-Hồng, vì vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề tất yếu, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ xuất phát từ thực tế của đất nước, mà từ kinh nghiệm xương máu trong truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, từ tinh hoa văn hoá của nhân loại, từ lý luận học thuyết Mác - Lê-nin. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” là sức mạnh chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ; là sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Trong mối quan hệ giữa dân tộc và nhân dân, Bác Hồ đã dạy: đất nước có độc lập thì nhân dân mới được tự do. Đối với tôn giáo, Người cũng đã chỉ rõ: “…hơn ai hết, đồng bào công giáo càng mong cho Tổ quốc được độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do…”2.

Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tại Đại hội VII, Đảng ta đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”3. Nghị quyết 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX), xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Hiến pháp nước ta qua các thời kì đã ghi rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 70, Hiến pháp 1992 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo đều được pháp luật bảo hộ”. Đặc biệt, Pháp lệnh về Tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) thông qua ngày 18-6-2004 và được Chủ tịch Nước ký lệnh công bố ngày 29-6-2004 tiếp tục khẳng định: tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta. Sự ra đời của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo; tạo sự phấn khởi trong đại đa số đồng bào tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta. Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã làm cho “lòng dân, ý Đảng” hoà quyện, tạo nên sức mạnh vô địch trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

 

 

Không thể phủ nhận đóng góp tôn giáo với dân tộc

 

Ở Việt Nam, các tín ngưỡng, tôn giáo đều mang những bản sắc riêng, nhưng đều có sự dung hợp, đan xen, thống nhất trong đa dạng và đều hướng đến giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Trong lịch sử dân tộc, đồng bào theo những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn luôn hòa hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận không tách rời của đời sống văn hóa-tinh thần của dân tộc. Suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phát triển đất nước đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo. Với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", "tôn giáo đồng hành cùng dân tộc", nhiều tổ chức tôn giáo cùng các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

 

Ở Việt Nam hiện nay, tôn giáo có mối quan hệ tương đối thống nhất với chế độ chính trị. Nhà nước bảo đảm tạo mọi điều kiện về "quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng", tạo điều kiện giúp đỡ các tôn giáo được bảo đảm lợi ích và hoạt động trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Còn các tôn giáo ở Việt Nam hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng quê hương, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Sự đồng hành của tôn giáo với sự phát triển của đất nước được thể hiện rõ nét qua việc đóng góp các nguồn lực vào công cuộc phát triển đất nước; qua nhiều hoạt động thiện nguyện; chung tay cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới; giúp đỡ nhân dân trong khó khăn, dịch bệnh, thiên tai; giúp đỡ những người yếu thế, người già, trẻ em không nơi nương tựa trong xã hội,... Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo: mở 300 trường mầm non, 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề và một số trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên cả nước; tổ chức hơn 500 cơ sở y tế, khám, chữa bệnh từ thiện; thành lập hơn 113 cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong dịch Covid-19 vừa qua, 3.000 tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo đã tham gia chống dịch; các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho quỹ vắc-xin, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19, tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị với hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo... Các hoạt động này thể hiện sự chung tay, góp sức một cách tích cực của các tổ chức tôn giáo Việt Nam với chính quyền các cấp, góp phần hỗ trợ chính quyền trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giúp đỡ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Không ít chức sắc, tín đồ tôn giáo là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, có nhiều đóng góp quan trọng trong hệ thống chính trị, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Cụ thể, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo còn thể hiện ở việc các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã và đang góp phần đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào một cách nhanh chóng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp chính quyền ở địa phương vận động đồng bào tôn giáo xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới, đô thị mới; lên án, bài trừ hủ tục góp phần xây dựng đời sống mới với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho chính đồng bào...

Xuất phát từ thực tế đó, không có thế lực nào có thể xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét