Từ khi Việt Nam tuyên bố tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028, một số tổ chức quốc tế vốn có lập trường chống đối đã lập tức dấy lên chiến dịch công kích, xuyên tạc nhằm ngăn cản Việt Nam. Những cái tên quen thuộc như Human Rights Watch (HRW), Freedom House, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Đài Á Châu Tự Do (RFA) và một số nhóm núp bóng "bảo vệ nhân quyền" đã huy động mọi phương tiện truyền thông để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, nhằm gây sức ép buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét lại vị thế của Việt Nam tại HĐNQ LHQ. Nhưng vấn đề thực sự ở đây là gì? Động cơ của những tổ chức này là gì? Họ có thực sự đại diện cho cộng đồng quốc tế hay chỉ là những công cụ phục vụ lợi ích chính trị? Và quan trọng hơn, thực tế ghi nhận của Liên Hợp Quốc về Việt Nam nói lên điều gì?
Các tổ chức như HRW, Freedom House hay Amnesty International lâu nay vẫn duy trì một quan điểm áp đặt về nhân quyền, cho rằng chỉ có mô hình phương Tây mới là tiêu chuẩn chung cho toàn cầu. Họ không chấp nhận những cách tiếp cận nhân quyền dựa trên đặc thù chính trị, văn hóa, lịch sử của từng quốc gia mà luôn tìm cách ép buộc các nước phải tuân theo bộ tiêu chí được phương Tây đặt ra. Đối với họ, nhân quyền không còn là một giá trị phổ quát, mà đã bị chính trị hóa, trở thành một công cụ để gây sức ép, phục vụ lợi ích của một số thế lực. Khi một quốc gia không đi theo mô hình mà họ mong muốn, lập tức những báo cáo tiêu cực được công bố, các chiến dịch truyền thông được triển khai để bôi nhọ, bóp méo thực tế. Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Những năm qua, bất cứ khi nào Việt Nam đạt được thành tựu đáng kể trên trường quốc tế, đặc biệt trong các cơ quan của Liên Hợp Quốc, những tổ chức này lại gia tăng chiến dịch công kích nhằm phá hoại hình ảnh đất nước.
Một trong những lý do khiến các tổ chức này tìm cách ngăn cản Việt Nam ứng cử vào HĐNQ LHQ chính là vì Việt Nam đã và đang thể hiện một cách tiếp cận cân bằng, thực chất và khách quan về quyền con người. Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Điều này đi ngược lại lợi ích của những tổ chức như HRW hay Amnesty International, vốn luôn muốn sử dụng vấn đề nhân quyền để tạo cớ áp đặt chính sách lên các quốc gia đang phát triển. Sự hiện diện của Việt Nam tại HĐNQ LHQ đồng nghĩa với việc có thêm một tiếng nói mạnh mẽ phản đối chính trị hóa nhân quyền, đồng thời thúc đẩy hợp tác thay vì đối đầu. Đây là điều mà các tổ chức này không mong muốn.
HRW và Freedom House là hai tổ chức thường xuyên công kích Việt Nam mạnh mẽ nhất, nhưng chính họ lại bị cáo buộc thiếu minh bạch trong cách vận hành. Freedom House nhận tài trợ trực tiếp từ chính phủ Mỹ, từ các quỹ có liên hệ với các tổ chức chính trị phương Tây, khiến tính khách quan của các báo cáo mà họ đưa ra bị đặt dấu hỏi. HRW cũng không khác biệt khi phần lớn các nghiên cứu, thống kê của họ về Việt Nam đều dựa trên những nguồn tin mơ hồ, thiên lệch, không có kiểm chứng độc lập. Họ liên tục đưa ra các báo cáo về “tù nhân lương tâm” nhưng không thể cung cấp định nghĩa rõ ràng hay chứng minh sự vi phạm thực tế của chính quyền Việt Nam. Nhiều người bị HRW gọi là "tù nhân lương tâm" thực chất là những đối tượng lợi dụng danh nghĩa đấu tranh dân chủ để thực hiện các hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật. Nếu Việt Nam thực sự là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tại sao lại được cộng đồng quốc tế công nhận, tại sao lại được bầu vào HĐNQ LHQ với số phiếu cao?
Những tổ chức này luôn tự nhận là đại diện cho cộng đồng quốc tế nhưng trên thực tế, họ chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ mang tư tưởng áp đặt, phục vụ lợi ích chính trị của một số quốc gia phương Tây. Cộng đồng quốc tế thực sự chính là hơn 190 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có rất nhiều nước ủng hộ Việt Nam, công nhận những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo vệ quyền con người. Chính các cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền hay Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) mới là những tổ chức có thẩm quyền đánh giá khách quan về nhân quyền, chứ không phải những tổ chức phi chính phủ thiên lệch.
Trong nhiệm kỳ 2023-2025 tại HĐNQ LHQ, Việt Nam đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, đề xuất các sáng kiến về quyền tiếp cận vaccine, bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Các sáng kiến này không chỉ có lợi cho người dân Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào hệ thống bảo vệ nhân quyền toàn cầu. Nếu Việt Nam thực sự vi phạm nhân quyền như cáo buộc của HRW hay Freedom House, tại sao các sáng kiến của Việt Nam lại được hưởng ứng rộng rãi? Tại sao Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục ghi nhận những đóng góp của Việt Nam? Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào bị cô lập hay mất tín nhiệm mà có thể liên tục đảm nhận vai trò quan trọng tại các tổ chức quốc tế như Việt Nam.
Chính vì vậy, những chiến dịch chống phá của HRW, Freedom House hay Amnesty International không nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền mà chỉ đơn thuần là những công cụ chính trị nhằm gây sức ép lên Việt Nam, cản trở sự phát triển và uy tín của đất nước. Nhưng dù họ có cố gắng xuyên tạc đến đâu, sự thật vẫn không thể bị che giấu. Những thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy nhân quyền, cải thiện đời sống người dân, bảo vệ lợi ích của các nhóm yếu thế đã được Liên Hợp Quốc, ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế công nhận. Việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2026-2028 không chỉ là một bước đi tiếp theo trong lộ trình thực hiện cam kết quốc tế mà còn là lời khẳng định cho những đóng góp thực chất của Việt Nam vào hệ thống nhân quyền toàn cầu.
Những tổ chức đang cố ngăn cản Việt Nam ứng cử vào HĐNQ LHQ không đại diện cho công lý, cũng không phải tiếng nói của cộng đồng quốc tế. Họ chỉ là những kẻ lợi dụng nhân quyền để phục vụ lợi ích chính trị của một nhóm nhỏ, trong khi thế giới rộng lớn hơn nhiều và công lý không thể bị bóp méo bởi những kẻ lộng ngôn. Việt Nam xứng đáng có mặt tại HĐNQ LHQ, không chỉ vì quyền lợi của riêng mình, mà còn để tiếp tục đóng góp vào mục tiêu chung của thế giới: bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách thực chất, không bị thao túng bởi các thế lực chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét