Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Phim tài liệu "Đừng sợ" có nói dối về bản chất của Green Trees?


Ngày 16/03/2019, nhóm Green Trees đã hoàn thành và chiếu ra mắt phim tài liệu "Đừng sợ". Phim này chủ yếu xoay quanh 2 nội dung. Một là phong trào biểu tình, bạo động để phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm biển của tập đoàn Formosa, diễn ra từ năm 2016 đến năm 2017, với sự tham gia của đảng Việt Tân, Hội Anh em Dân chủ, các nhóm Công giáo chống đối ở miền Trung và Green Trees... Hai là hoạt động của các nhóm chống đối, mà bộ phim mô tả là "xã hội dân sự", trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến hiện tại.

Trong tuần qua, Green Trees và các nhóm thân cận đã tăng cường quảng bá bộ phim này, thông qua các post Facebook của các thành viên và một cuộc phỏng vấn trên RFA. Trong cuộc phỏng vấn, một thành viên nam giấu tên của nhóm này nói rằng "buổi chiếu phim đầu tiên sẽ mời các vị ở các sứ quán khối EU đến xem"; những buổi sau sẽ được "chiếu bí mật" cho khách mời gồm "những người quan tâm, nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ".
Khi tuyên truyền về phim, Green Trees tập trung vào 3 thông điệp.
Thứ nhất, họ ca ngợi và quảng bá tên tuổi của nhóm Green Trees. Chẳng hạn, họ gọi "Đừng sợ" là "bộ phim đầu tiên về xã hội dân sự Việt Nam", và cho biết Green Trees " cũng là tác giả của bản báo cáo “Tổng quan thảm họa môi trường biển Việt Nam” 2016".
Thứ hai, họ ca ngợi những tổ chức, cá nhân chống đối nêu trong phim như "những người khát khao dân chủ đã chính thức vượt qua nỗi sợ, đứng lên thực thi cái quyền của mình", "vì công lý, vì sự thật". Ngoài ra, họ cũng nói rằng bộ phim được làm để "tri ân" 3 cá nhân chống đối đang thi hành án tù hoặc bị truy nã - là Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa và Bạch Hồng Quyền - vì những người này đã "đồng hành" với đoàn làm phim trong vụ Formosa.
Thứ ba, họ giải thích vì sao phong trào của họ không thành công. Chẳng hạn, khi trả lời RFA, thành viên nam giấu tên than phiền rằng phong trào biểu tình để "bảo vệ môi trường" ở Việt Nam còn kém phát triển, có quá ít người tham gia, do "ý thức về môi trường của người dân chưa đủ mạnh", "nội bộ các nhóm có sự thay đổi", "bị chính quyền ngăn cản". Thành viên này cũng dẫn lời "một số tổ chức quốc tế về môi trường" mà anh ta đã trao đổi, rằng "phải có những cuộc biểu tình hàng triệu người" thì mới thay đổi được chính sách, và mới thể hiện được sự thay đổi ý thức của người dân.
Ngày 27/03, công an bắt tạm giữ một thành viên của Green Trees là Cao Vĩnh Thịnh, để phục vụ việc điều tra nhóm này. Nhân đó, Green Trees trộn lẫn việc tuyên truyền về Cao Vĩnh Thịnh với việc tuyên truyền về phim "Đừng sợ".
Công bằng mà nói, thì Green Trees và những người bạn cũng có đóng góp nhất định trong việc đưa tin về nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường của tập đoàn Formosa. Tuy nhiên, nên nhớ rằng vụ việc này do báo chí chính thống phát hiện, giới "dân chửi" chỉ thừa cơ bu vào khai thác.
Quan trọng hơn, khi Green Trees mô tả mình như một tổ chức "bảo vệ môi trường", họ đã nói dối. Có 3 bằng chứng cho thấy tổ chức Green Trees, cùng phong trào biểu tình "cá chết" mà họ góp mặt, chỉ lợi dụng vấn đề môi trường để xây dựng phong trào biểu tình, bạo loạn, nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam.
Thứ nhất, về mặt động cơ, trưởng nhóm Green Trees là Phạm Đoan Trang không hề giấu diếm ý định lật đổ Nhà nước của mình. Và qua việc Trang dùng cụm từ "cách mạng cá" để gọi phong trào biểu tình chống Formosa, có thể thấy "bảo vệ môi trường" chỉ là cái cớ để biểu tình, mục đích sau cùng của biểu tình là lật đổ chế độ.


Thứ hai, về mặt nhân sự, thành viên của Green Trees không xuất phát từ các phong trào bảo vệ môi trường, hoặc các ngành học liên quan đến môi trường. Thay vào đó, họ vốn là thành viên của các nhóm biểu tình chuyên nghiệp, tận dụng mọi chủ đề có thể để biểu tình, chửi chế độ từ năm này sang năm khác. Tương tự, phong trào biểu tình "chống Formosa" ở miền Trung chỉ quy tụ các nhóm giáo dân bất mãn, và chỉ giơ cờ Công giáo; người lạ nằm ngoài giáo xứ có thể bị đánh nếu xuất hiện trong đoàn. Người bắc loa hô hào biểu tình, nếu không phải linh mục ở các xứ bất mãn, thì cũng là những đảng viên Việt Tân như Hoàng Đức Bình, Trần Thị Xuân, Nguyễn Trung Trực. Như vậy, mẫu số chung của đoàn biểu tình không phải là ý thức bảo vệ môi trường, mà là quan điểm chống chế độ.
Thứ ba, về mặt hành vi, các đoàn biểu tình đã chặn Quốc lộ 1A, dùng gậy gỗ tấn công dân thường đi qua chốt chặn, và đập phá các trụ sở của Nhà nước. Họ cũng chặn cầu, chiếm bến phà, biến các khu Công giáo bất mãn ở một số địa phương thành những "khu tự trị" nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đây là những hành động vi phạm pháp luật, chống Nhà nước, chứ không phải là hành động bảo vệ môi trường, hay hành động "vì công lý".
Nếu Green Trees có đủ can đảm như đã khoe trong phim "Đừng sợ", hãy thôi dùng vỏ bọc "bảo vệ môi trường" để che giấu mục đích thật.


1 nhận xét: