Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Có cần “thân Mỹ” để “thoát Trung”?


Trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, trong tuần cuối tháng 07/2019, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã đòi thay đổi đường lối đối ngoại của Việt Nam. Luồng dư luận này được tạo nên bởi 3 nhóm người: (1) nhóm kích động chiến tranh; (2) nhóm muốn lợi dụng tình hình để đòi chính phủ Việt Nam “thoát Trung – thân Mỹ”, thay đổi chế độ chính trị; và (3) nhóm đơn thuần quan tâm đến an ninh hàng hải trong khu vực hoặc chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tư Chính.
Nhóm kích động chiến tranh được đại diện bởi các cây bút cực đoan trên các trang “Việt Tân”, “VNTB”, “RFA”, và trên các mạng xã hội. Họ lập luận một cách đơn giản rằng khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, quân đội Việt Nam có trách nhiệm nổ súng chống trả, nếu không làm là “bán nước”. Trong nhóm này, đáng chú ý là các bài viết của nhà thơ, đạo diễn Bùi Chí Vinh (sống tại TP.HCM). Ông Vinh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kêu gọi bạo động, khi viết rằng mình “không thèm biểu tình”, “mà bắn thẳng vào bọn Tàu xâm lược”, “bắn luôn tụi bay nếu thằng nào bán nước”.
Nhóm kêu gọi “thoát Trung – thân Mỹ” được đại diện bởi Nguyễn Anh Tuấn, Trương Nhân Tuấn và Nguyễn Quang Dy. Những người thuộc nhóm này đều theo một “thuyết định mệnh” – rằng muốn bảo vệ biển Đông thì Việt Nam phải “thân Mỹ”, và muốn “thân Mỹ” thì Việt Nam phải thay đổi thể chế.
Chẳng hạn, Nguyễn Anh Tuấn viết rằng vì Biển Đông vừa là “hướng phát triển của Việt Nam”, vừa là “hướng bành trướng của Trung Quốc”, hai nước này không thể không xung đột trên Biển Đông. Xung đột này tất yếu dẫn đến chiến tranh – vì một mặt, Nhà nước Việt Nam không còn lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, chính trị đến mức có thể “quy phục” trong thời bình; mặt khác, Trung Quốc có nhu cầu “đưa xung đột ra ngoài biên giới mỗi khi nội trị rối ren”, và nhu cầu “nâng cao kinh nghiệm tác chiến của không quân, hải quân” để sẵn sàng đối mặt với những đối thủ lớn hơn sắp tới. Vì Nhà nước Việt Nam sẽ “bị mất tính chính danh cầm quyền” nếu “bị mất dàn khoan” hoặc “bị đánh chiếm đảo”, Nhà nước không có “lựa chọn nào khác ngoài việc phải sát lại với Mỹ và Tây phương và chịu mọi áp lực cải cách chính trị từ đó”. Tuấn tuyên truyền rằng Việt Nam phải biến nguy cơ thành cơ hội để “cải cách sâu rộng” đất nước, như Nhật từng làm khi xung đột với phương Tây; và rằng những quan chức Việt Nam chống lại việc “thân Mỹ - thoát Trung” đều là kẻ đặt “quyền lực độc tôn” của phe nhóm lên trên lợi ích của đất nước.
Những thông điệp vừa nêu không mới, chúng đã được dùng lặp đi lặp lại trong một số bài Tuấn viết về Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung.
Về những việc cụ thể cần làm, cả Nguyễn Anh Tuấn, Trương Nhân Tuấn lẫn Nguyễn Quang Dy đều đồng ý rằng Việt Nam cần chính thức trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, và cải cách chính trị theo lối phương Tây. Nguyễn Quang Dy nói cụ thể rằng để phù hợp với CPTPP và EVFTA, Việt Nam cần đổi mới thể chế theo hướng bỏ đuôi Xã hội Chủ nghĩa, chuyển hẳn thành kinh tế thị trường và tư nhân hóa. Trương Nhân Tuấn nhấn mạnh rằng “thoát Trung” về mặt ý thức hệ chính trị quan trọng hơn “thoát Trung” về mặt kinh tế, văn hóa; bởi dù Nhật Bản, Hàn Quốc có kinh tế, văn hóa gần giống Trung Quốc, hai nước này vẫn độc lập với Trung Quốc nhờ theo mô hình dân chủ, pháp trị của phương Tây. Trương Nhân Tuấn cũng đòi Nhà nước “kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa”, để được quốc tế công nhận chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ, lãnh hải mà VNCH từng kiểm soát.

Ngoài ra, Nguyễn Quang Dy cũng nêu một số giải pháp đơn thuần giúp ích cho việc bảo vệ chủ quyền – như Việt Nam nên sử dụng truyền thông để tìm kiếm sự ủng hộ “của thế giới (nhất là Mỹ)”, xích lại gần Nhật và EU, giữ “nội bộ đoàn kết và nhất trí” về cách ứng phó với Trung Quốc, nghiêm túc điều tra các doanh nghiệp chuyển hàng hóa Trung Quốc thành hàng hóa “Made in Vietnam” để trốn thuế nhập khẩu Mỹ.
Trong nhóm người đơn thuần quan tâm đến an ninh hàng hải trên biển Đông, một số chuyên gia trong nước và nước ngoài bình luận rằng chính phủ Việt Nam nên đưa các phóng viên quốc tế đến đưa tin tại bãi Tư Chính (như từng làm trong vụ HD-981), và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế (như Philippines từng làm thành công năm 2016). Họ nhấn mạnh rằng vì Tòa Trọng tài PCA năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn và "quyền lịch sử" ở khu vực Biển Đông, Việt Nam sẽ có nhiều khả năng thắng kiện lần này nếu dùng lại chính các lý lẽ mà Philippines từng sử dụng. Ba người tiêu biểu cho hướng tuyên truyền này là Hoàng Việt (giảng viên Đại học Luật TP.HCM), James Kraska (Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ) và Jonathan Odom (giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ).
Trước tiên, chúng tôi xin phép bác bỏ “lời tiên tri” của Nguyễn Anh Tuấn – rằng xung đột trên biển Đông tất yếu dẫn đến chiến tranh, tất yếu khiến Việt Nam phải “thân Mỹ”, và tất yếu khiến Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị. Trong thực tế sinh động, các bên liên quan có thể có rất nhiều cách hành xử khác nhau, thay vì chỉ có một lựa chọn duy nhất như Tuấn nghĩ.
Chẳng hạn, dù Biển Đông vừa là “hướng phát triển của Việt Nam”, vừa là “hướng bành trướng của Trung Quốc”; các bên liên quan có thể xem Biển Đông như một tuyến giao thương làm tăng lợi ích của tất cả mọi người, thay vì như một mảnh ruộng hữu hạn mà các nước phải tranh giành bằng chiến tranh.
Dù Mỹ có thể trở thành một điểm tựa để Việt Nam “thoát Trung”, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam chỉ chọn điểm tựa là dư luận quốc tế và luật quốc tế. Bởi trong trường hợp đó, Việt Nam vừa không bị lệ thuộc vào Mỹ, vừa không bị Trung Quốc trả thù, vừa chọn luật chơi có lợi lâu dài cho an ninh biển và hòa bình trong khu vực.
Dù việc thay đổi thể chế chính trị có thể giải quyết bài toán “thân Mỹ - thoát Trung”, nhiều tác phẩm kinh điển về chính trị đã khẳng định rằng một nước nên chọn chính thể dựa trên các đặc điểm của cư dân, thay vì dựa trên quan hệ với các nước khác.
Từ năm 2012 đến nay, Nguyễn Anh Tuấn sống và thăng tiến nhờ hệ thống của tổ chức VOICE. Một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất của VOICE là “Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ” của Mỹ (NED). Vì vậy, chúng ta có thể thông cảm về việc Tuấn quá thiên vị Mỹ, nhưng không nên vào hùa với Tuấn trong chuyện này.
Để giải quyết vấn đề Trung Quốc, thay vì dựa vào Mỹ, Việt Nam có thể dựa vào những giải pháp vừa củng cố nội lực và nền độc lập của quốc gia, vừa củng cố hòa bình chung trên toàn cầu. Đó là pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và dư luận quốc tế. Trên tinh thần này, chúng ta có thể xem xét một số phương án mà dư luận phi chính thống đang nêu ra – như tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận quốc tế, kiện Trung Quốc, hoặc tăng cường điều tra các băng nhóm, doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc đang vi phạm pháp luật Việt Nam.

1 nhận xét: