Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Nghị định 147 có "thắt chặt kiểm soát" mạng xã hội và "vi phạm quyền riêng tư"?

 


Bài viết trên VOA Tiếng Việt với tiêu đề "Việt Nam yêu cầu các công ty mạng xã hội xác minh danh tính người dùng" ngày 12/11/2024 cho rằng Chính phủ Việt Nam đang "thắt chặt sự kiểm soát" mạng xã hội thông qua yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội xác minh danh tính người dùng. Đây là một nhận định phiến diện, thiếu căn cứ và xuyên tạc bản chất pháp lý của Nghị định 147/2024/NĐ-CP.



Nghị định 147 yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải thực hiện xác minh danh tính người dùng thông qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân nhằm ngăn chặn tài khoản ảo – nguồn gốc chính của các hành vi lừa đảo, phát tán tin giả và nội dung độc hại và bảo vệ quyền lợi của người dùng khỏi các hành vi xâm phạm quyền riêng tư, quấy rối và vu khống trên mạng xã hội. Quy định xác minh danh tính không yêu cầu công khai danh tính cá nhân, mà chỉ đảm bảo rằng các tài khoản trên mạng xã hội phải được gắn với một cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm. Dữ liệu của người dùng vẫn được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Yêu cầu xác minh danh tính không phải là đặc thù của Việt Nam mà đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng.

Chẳng hạn, ở Mỹ, CLOUD Act (2018) cho phép các cơ quan chức năng yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dữ liệu của người dùng, kể cả khi dữ liệu được lưu trữ ở nước ngoài. Hay Section 230 của Communications Decency Act yêu cầu các nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm pháp lý trong việc gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Ở EU, có đạo luật Digital Services Act (DSA) buộc các nền tảng mạng xã hội phải có cơ chế xác minh người dùng, đặc biệt với các tài khoản thương mại và tài khoản có ảnh hưởng. Dữ liệu người dùng phải được cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu hợp pháp. Hay GDPR (General Data Protection Regulation) quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng không cấm việc xác minh danh tính nếu điều này cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

 Singapore, đạo luật Online Safety Act (2022) yêu cầu các nền tảng cung cấp danh tính của người dùng trong trường hợp phát hiện nội dung độc hại hoặc nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Quy định của Trung Quốc bắt buộc người dùng mạng xã hội phải sử dụng tên thật và các nền tảng phải lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước. Đây là biện pháp kiểm soát gắt gao với mục tiêu không chỉ quản lý nội dung mà còn hạn chế quyền tiếp cận thông tin quốc tế.

Như vậy, luận điệu của VOA quy kết “Chính phủ Việt Nam thắt chặt kiểm soát mạng xã hội” là vu khống. Nghị định 147 không hạn chế quyền tiếp cận thông tin hay ngăn cấm bày tỏ ý kiến chính đáng, mà chỉ kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật, như phát tán tin giả, lừa đảo trực tuyến, hoặc kích động. Việt Nam không áp đặt các biện pháp kiểm duyệt toàn diện hoặc cấm đoán truy cập các nền tảng quốc tế. Quy định này tập trung vào bảo vệ lợi ích của người dùng và đảm bảo trách nhiệm trên không gian mạng.

Nghị định 147 hoàn toàn không “Vi phạm quyền riêng tư” nhưu cáo buộc của VOA. Việc xác minh danh tính không yêu cầu công khai thông tin cá nhân mà chỉ phục vụ cho việc quản lý, ngăn chặn hành vi lạm dụng mạng xã hội. Dữ liệu được bảo mật theo quy định pháp luật. Quy định này tương tự các yêu cầu xác minh danh tính tại Hoa Kỳ, EU và Singapore. Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ không gian mạng trước các hành vi vi phạm.

Nghị định 147 hoàn toàn không hề “Hạn chế tự do ngôn luận” như cáo buộc của VOA. Công ước ICCPR (Điều 19) khẳng định quyền tự do ngôn luận có thể bị giới hạn hợp lý để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng và quyền của người khác. Nghị định 147 hoàn toàn phù hợp với tiêu chí này. Người dùng vẫn được tự do bày tỏ ý kiến trong khuôn khổ pháp luật, miễn là không vi phạm các quy định về nội dung độc hại hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Nghị định 147 bảo vệ người dùng khỏi tội phạm mạng, Xxây dựng không gian mạng an toàn, văn minh và phù hợp với xu hướng pháp luật toàn cầu. Quy định xác minh danh tính giúp giảm thiểu tình trạng tài khoản ảo, vốn là nguồn gốc của các hành vi lừa đảo, phát tán tin giả và quấy rối trực tuyến.Nghị định khuyến khích trách nhiệm cá nhân và tổ chức trong việc sử dụng mạng xã hội, góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến minh bạch, đáng tin cậy. Nghị định 147 không phải là biện pháp "đơn phương" của Việt Nam mà tuân theo xu hướng quốc tế trong quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng.

Luận điệu của VOA Tiếng Việt rằng Nghị định 147 "thắt chặt kiểm soát" mạng xã hội và "vi phạm quyền riêng tư" là hoàn toàn phiến diện và xuyên tạc bản chất của nghị định. Thực tế, quy định xác minh danh tính trong Nghị định 147 là biện pháp hợp lý, minh bạch, và cần thiết, không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dùng mạng xã hội.

Ủng hộ Nghị định 147 là bảo vệ không gian mạng an toàn, văn minh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội số tại Việt Nam.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét