Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Có nên lợi dụng danh tiếng khoa học của giáo sư Hoàng Tụy để quảng bá cho hoạt động chính trị của Viện IDS?



Ngày 14/07/2019, giáo sư Hoàng Tụy đã từ trần, hưởng thọ 92 tuổi. Vì ông Tụy vừa là nhà toán học lỗi lạc đã khai sinh lĩnh vực Tối ưu hóa Toàn cục trong toán học ứng dụng, và có hơn 170 công trình nghiên cứu trong suốt cuộc đời; vừa là một ngọn cờ đầu của cánh “trí thức phản biện” trong suốt 40 năm qua; nhiều thành viên của cánh này đã viết bài tiễn đưa ông Tụy, nhân tiện công kích Nhà nước.

「Nhóm IDS」的圖片搜尋結果
Hầu hết những người tham gia hướng tuyên truyền này là thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự - một hậu sinh của Viện IDS mà ông Tụy từng giữ chức Chủ tịch. Họ bao gồm Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Nguyên Ngọc, Tương Lai, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Ngọc Chu, Nguyễn Đình Cống… Trong các bài viết, họ điểm lại toàn bộ sự nghiệp phản biện của ông Tụy, để ca ngợi hình tượng người “trí thức phản biện”, đồng thời công kích chế độ chính trị của Việt Nam.
Cụ thể, họ tập trung mô tả 5 mốc quan trọng trong sự nghiệp phản biện của ông Tụy.
Mốc thứ nhất nằm ở năm 1979 – khi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn triệu tập một số nhà khoa học đầu ngành, bao gồm hai giáo sư Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, để lắng nghe ý kiến về quan điểm “quyền làm chủ tập thể” của ông. Tác giả các bài viết cho rằng lời góp ý của ông Tụy đã góp phần dẫn đến cuộc Đổi Mới năm 1986.
Mốc thứ hai nằm ở năm 1989, khi dưới sự ủng hộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Hoàng Tụy soạn “Kiến nghị về phương pháp luận xây dựng Chiến lược Kinh tế Xã hội”, với nhiều đề xuất để “cải tạo cái chỉnh thể theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở thời đại mới”. Tác giả các bài viết cho rằng kiến nghị này bị ngăn cản bởi những người thuộc cánh “bảo thủ”, không muốn “được về kinh tế nhưng mất tư tưởng”, như ông Nguyễn Nguyên Bình.
Mốc thứ ba nằm ở năm 2007, thời điểm thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), do ông Hoàng Tụy làm Chủ tịch và ông Nguyễn Quang A làm Viện trưởng Điều hành. Theo lời ông Nguyễn Quang A, thì viện này nhằm mục đích “nghiên cứu phương pháp luận xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội”, đồng thời “khuấy động thành một phong trào” “phản biện” trong “người dân, đặc biệt là các trí thức trẻ”. Tác giả các bài viết cho rằng “Viện được sự đồng tình, cổ vũ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng gặp sự phản đối kịch liệt của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều người trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam”. Do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo “sửa Luật” để “dẹp Viện IDS”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, ban hành danh mục các lĩnh vực mà cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, khiến Viện IDS phải tự giải thể 1 ngày trước khi Quyết định có hiệu lực. Sau đó, các thành viên của Viện IDS, bao gồm ông Hoàng Tụy, tiếp tục sinh hoạt dưới những cái tên khác như “Nhóm 23”, “nhóm Kiến nghị 72” và “Diễn đàn Xã hội Dân sự”. Nguyễn Quang A viết rằng đây là giai đoạn mà ông Tụy “chuyển từ xã hội dân sự chính thức sang xã hội dân sự không chính thức”.
Mốc thức tư là các kiến nghị, thư ngỏ mà ông Tụy ký trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, với nội dung kêu gọi đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản), đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa), bỏ “sở hữu đất đai toàn dân” và “kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”.
Mốc thứ năm là một loạt các đề xuất cải cách giáo dục, cải thiện môi trường nghiên cứu khoa học, mà ông Tụy đưa ra trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình nhưng không được đáp lại.
Trước tiên, cần khẳng định rằng giáo sư Hoàng Tụy là một nhà toán học lỗi lạc, và một trí thức phản biện đã góp phần làm nên giai đoạn Đổi Mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Viện IDS, nay đổi thành Diễn đàn Xã hội Dân sự, nói cái gì cũng đúng. Chẳng nói đâu xa, cuộc bạo động ở Bình Thuận vào năm 2018 đã nổ ra do cách đưa tin phóng đại, kích động của nhóm này – khi bà Phạm Chi Lan hướng toàn bộ sự chú ý của dư luận vào chi tiết “cho thuê tối đa 99 năm” trong Dự luật Đặc khu Kinh tế, dù đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong tổng thể của Dự luật, Dự luật chào đón nhà đầu tư từ mọi quốc gia, và thời hạn cho thuê 99 năm không lớn hơn đáng kể so với thời hạn 70 năm mà hiện đã được áp dụng trên toàn quốc. Cũng chính các website của Diễn đàn Xã hội Dân sự đã góp phần phát tán một lượng lớn tin đồn về tình hình nội bộ, nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà các diễn biến trong thực tế đã chứng minh là sai sự thật. Nói trắng ra, thì Diễn đàn Xã hội Dân sự đang hoạt động như một nhóm lợi ích trong chế độ kiêm đảng phái chống chế độ, dù họ khoác vỏ bọc “xã hội dân sự” và “trí thức phản biện”. Thay vì lợi dụng danh tiếng khoa học của Giáo sư Hoàng Tụy để tuyên truyền cho đường hướng chính trị của ông, nhóm này lên tách bạch hai vấn đề đó.
Nguyễn Biên Cương

1 nhận xét: