Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Không có chuyện trả thù, gây khó khăn cho những người lầm lạc theo “Nhà nước Đê-ga, Tin lành Đê-ga”

 

Bên cạnh những biện pháp cứng rắn, tính nhân văn trong các chính sách của Nhà nước đã giúp các đối tượng lầm đường, lạc lối tin theo "Tin lành Đê-ga" hiểu rõ hành vi sai trái của mình. Nhờ những chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước họ đã thực sự hối cải, tiến bộ và trở lại với cuộc sống bình thường.

Ông Đậu Văn Minh – Trưởng phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết, trong thời gian qua, lực lượng công an thường xuyên bám, nắm địa bàn, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở ấy, lực lượng công an luôn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 
 
"Đặc biệt, liên quan đến các trường hợp còn tin theo Fulro và cái gọi là "Tin lành Đê-ga" lực lượng công an luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu đời sống của họ nhằm tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, họ sẽ bỏ đi sự mặc cảm tự ti, để họ thấy rằng không có sự phân biệt đối xử với những người từng lầm đường lạc lối. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt tôn giáo đúng theo quy định của pháp luật", ông Đậu Văn Minh cho hay.
 
Theo ông Đỗ Xuân Hưng – Phó trưởng Công an huyện Phú Thiện (Gia Lai), đa số các đối tượng theo "Tin lành Đê-ga" là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Họ đi theo "Tin lành Đê-ga" phần lớn do bị lừa phỉnh rằng, sau này sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, được định cư ở nước ngoài, được chia nhà chia đất. Tuy nhiên, khi phát hiện ra bị lừa họ đã tự nguyện từ bỏ.
 
Nhận thấy cuộc sống của các đối tượng còn nhiều khó khăn, vì vậy Công an huyện Phú Thiện đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức giúp đỡ họ. Không phân biệt đối xử với số người này, để họ được thụ hưởng các chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển kinh tế. 
 
"Đặc biệt, trong thời gian Covid-19 vừa qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần quyên góp trong cán bộ, chiến sỹ; kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm để đi đến từng nhà có hoàn cảnh khó khăn trao hỗ trợ. Trong đó có một số đối tượng theo "Tin lành Đê-ga", giúp đỡ họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, từ bỏ những hoạt động sai trái", ông Hưng cho biết thêm.
 
Trước đây, huyện Phú Thiện từng là địa phương có nhiều đối tượng cốt cán ngấm ngầm hoạt động Fulro và "Tin lành Đê ga", đỉnh điểm là vụ biểu tình năm 2001.
 
Một số nhân chứng từng tin vào "Nhà nước Đê-ga","Tin lành Đê-ga" để rồi tuyên truyền kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống phá chính quyền. 
 
Gia đình ông Nay Ku (SN 1962, trú tại thôn Glung, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, Gia Lai) là một trong những gia đình tin và tham gia "Tin lành Đê-ga" với các hoạt động chống phá, biểu tình. Đó cũng là câu chuyện đáng quên của đại gia đình ông.

 
Rót chén trà ngon mời khách, ông Nay Ku kể lại: "Thời điểm ấy, chúng tôi không biết, lầm đường lạc lối tin theo "Tin lành Đê-ga", một mực nghe và tin theo chân lý không làm vẫn có của cải, thói quen thích hưởng thụ. 
 
Khi nhận ra "Tin lành Đê-ga" là sai trái, tôi đã giáo dục con cháu không theo nữa. Cái sai đầu tiên khi tin theo tà đạo này chính là đi biểu tình chống phá nhà nước, gây mất trật tự an ninh cộng đồng. Cũng may mắn cho gia đình, chúng tôi đã nhận ra việc làm sai trái, để có thể làm lại một cuộc sống tốt đẹp hơn".
 
Tương tự, anh Kpă Thu (thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) từng nghe và tin theo những luận điệu lừa bịp, dụ dỗ, kích động của bọn Fulro tham gia biểu tình đòi thành lập cái gọi là "Nhà nước Đê-ga". 
 
Ngày ấy, anh đã vượt biên sang Campuchia để đến nước thứ 3 tận hưởng cuộc sống đủ đầy, sung sướng. Thế nhưng, sau gần 2 năm sống trong trại tị nạn ở Campuchia bản thân anh mới thấm thía sự cơ cực, tủi nhục và hiểu rõ bản chất xấu xa, thâm độc của bọn phản động Fulro.
 
"Cuộc sống giàu sang, sung sướng nhà cao cửa rộng, không phải lao động cũng có đầy đủ vật chất sau khi biểu tình thành lập cái gọi là "Nhà nước Đê-ga" hoặc vượt biên ra nước ngoài là hoàn toàn dối trá, lừa bịp. Một bộ phận đồng bào, trong đó có tôi vì không hiểu biết đã tin theo chúng, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng tôi đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những năm tháng sống khổ sở trong trại tị nạn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, áo không đủ mặc. Tối phải ngủ dưới nền đất, không có chăn màn, đau ốm cũng không có thuốc điều trị", anh Kpă Thu bộc bạch.
 
Được trở lại cuộc sống bình thường, hơn ai hết, những nhân chứng sống từng tôn thờ cái gọi là "Nhà nước Đê-ga, Tin lành Đê-ga" đã nhận ra những trải nghiệm cay đắng khi lầm đường lạc lối, mù quáng nghe theo "Tin lành Đê-ga". Họ đã hiểu hơn về lẽ được - mất ở đời, về chân lý "có làm thì mới có ăn".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét