Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Vì sao hiện tượng “tôn giáo mới” Dương Văn Mình lại nảy sinh, hoành hành?

 


Trước hiện tượng Dương Văn Mình đã có những tác động tiêu cực đến cuộc sống của đồng bào, gây phức tạp xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự ở khu vực đặt ra cho chúng ta thắc mắc vì sao nó lại phát sinh, lộng hành, lan rộng và tồn tại dai dẳng như vậy


 

Hiện tượng Dương Văn Mình do Dương Văn Mình, người dân tộc Mông thành lập tại xã Yên Hương huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang năm 1989. Những người theo Dương Văn Mình coi ông như “Đấng Cứu thế”, hay “Bố” của người Mông, dạy dỗ họ những điều tốt đẹp. Sau khi hình thành hiện tượng Dương Văn Mình đã phát triển sang các tỉnh khác ở vùng miền núi phía Bắc.

Ở tỉnh Cao Bằng, người Mông theo hiện tượng Dương Văn Mình từ năm 1989, hoạt động lén lút. Họ đã dựng nhiều “nhà đòn” để dụng cụ tang lễ. Tháng 6-2016, có 2.400 người, toàn bộ là người Mông theo hiện tượng này, trong đó có người là đảng viên, cán bộ xã, cán bộ xóm, đoàn viên, hội viên. Năm 2019, toàn tỉnh Cao Bằng có 2.772 người theo hiện tượng Dương Văn Mình, trong đó có người là đảng viên.

Tỉnh Bắc Kạn, tháng 3-2010, toàn tỉnh có 321 người Mông theo hiện tượng Dương Văn Mình ở 3 huyện: Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới. Năm 2015 có 760 người theo ở 5 huyện, trong đó có cán bộ, đảng viên, bí thư chi đoàn, trưởng thôn. Năm 2018 toàn tỉnh có 820 người theo hiện tượng Dương Văn Mình. Những người đứng đầu tổ chức thường xuyên liên lạc với các nhóm trong và ngoài tỉnh để trao đổi thông tin và tổ chức ăn tết chung; tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại chính quyền cơ sở; tái dựng nhà đòn; gặp gỡ người nước ngoài; tìm cách đối phó với chính quyền.

Tỉnh Thái Nguyên, năm 2019, số người tin theo hiện tượng Dương Văn Mình là 1.131 người; có 6 nhà đòn ở huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai.

Tỉnh Hà Giang, từ năm 2001 đã có 147 hộ người Dao ở 4/5 thôn, bản của xã Tả Pan huyện Mèo Vạc theo hiện tượng Dương Văn Mình. Gần đây hiện tượng này đã phát triển vào xã Tả Lủng và Niêm Sơn với 6 hộ/33 người.

Hiện tượng Dương Văn Mình chưa có hệ thống giáo lý hoàn chỉnh. Những lời dăn dạy của Dương Văn Mình là nền tảng tinh thần và phương châm hành xử của các tín đồ. Nghi lễ thờ cúng theo hướng giản tiện về nghi thức, hạn chế tốn kém về kinh tế và tiết kiệm thời gian, chủ yếu hành lễ trong những sự kiện quan trọng như lễ cưới, lễ tang, hay ăn tết chung. Những người theo đạo đã bước đầu hình thành tổ chức theo các điểm nhóm giống với đạo Tin Lành.

Giống như các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác, hiện tượng tôn giáo mới như tà đạo Dương Văn Mình cũng có chức năng an ủi, xoa dịu nỗi đau của con người trong đời sống xã hội. Nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh, bù đắp sự cô đơn và mong ước được khỏi bệnh tật, đói nghèo của không ít người dân. Sự đơn giản trong nghi lễ của các hiện tượng tôn giáo mới cũng được xem là phù hợp với xã hội hiện đại. Thực tế hơn 7.000 người DTTS theo hiện tượng Dương Văn Mình, cũng như hàng nghìn người Dao ở Hà Giang theo hiện tượng San sư khẹ tọ hiện nay là những minh chứng thuyết phục về nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào khi theo hiện tượng tôn giáo mới.

Tuy nhiên, những hiện tượng tôn giáo mới tác động tiêu cực đến cộng đồng DTTS miền núi phía Bắc, gây phức tạp tình hình, làm xáo trộn đời sống xã hội nói chung, gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ, tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn trong vùng đồng bào. Một số hoạt động có tính chất cực đoan, mê tín. Nguyên nhân cơ bản làm cho một bộ phận đồng bào DTTS theo những hiện tượng tôn giáo mới là do đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của họ còn khó khăn. Đến nay, vùng Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; cơ sở kinh tế như điện, đường, trường trạm còn hạn chế, giao thông, đi lại khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung còn nghèo nàn, ở nhiều địa phương, nặng về các cuộc tang lễ, cưới xin, cúng bái với hủ tục nặng nề tốn kém, thực sự là gánh nặng đối với người dân. Họ đã theo hiện tượng tôn giáo mới để vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, tôn giáo vừa đỡ tốn kém trong thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.

Một lý do rất quan trọng dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS theo các hiện tượng tôn giáo mới là do một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Miền núi phía Bắc là nơi thực hiện Chỉ thị 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành (sau đây gọi là Chỉ thị 01) chậm hơn cả so với các vùng miền khác trong cả nước. Đến nay toàn vùng vẫn còn hơn 50% điểm nhóm đạo Tin Lành chưa được cấp đăng ký sinh hoạt, tức là chậm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người DTTS, từ đó những hiện tượng tôn giáo mới có cơ sở thuận lợi phát triển để bù đắp vào khoảng trống tâm linh của người dân.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng một bộ phận đồng bào DTTS miền núi phía Bắc theo những hiện tượng tôn giáo mới là do hoạt động truyền giáo ở trong nước cũng như từ nước ngoài. Trong thực tế, những cá nhân ở nước ngoài đã liên hệ, cung cấp tiền cho một số nhóm người DTTS ở các tỉnh để họ có kinh phí hoạt động, mua điện thoại, hòa mạng internet, vào các trang mạng xã hội nghe, xem truyền giáo, chỉ đạo trực tiếp từ nước ngoài. Sau đó, số “người truyền đạo” tích cực ở các địa phương lợi dụng hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc Mông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa để lôi kéo họ tham gia. Lực lượng này kết hợp các hình thức hỗ trợ vật chất, lôi kéo, đặc biệt thường lợi dụng triệt để những vấn đề bức xúc, khó khăn của người dân, những người bị mất niềm tin vào cuộc sống thực tại để tác động lôi kéo họ vào đạo.

Trước sự phát triển các hiện tượng tôn giáo mới, trong thời gian qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện một số nhiệm vụ để ổn định tình hình xã hội vùng DTTS. Tuy nhiên, tình hình hiện tượng tôn giáo mới vẫn diễn biến khá phức tạp, vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần lưu ý thực hiện một số giải pháp để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, hạn chế những tác động tiêu cực của các hiện tượng này, góp phần ổn định và phát triển vùng DTTS.

Trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, chú trọng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác tôn giáo; sắp xếp, kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo ở cơ sở, nhất là những địa bàn trọng yếu, đông tín đồ đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp cán bộ là người DTTS tại địa phương làm công tác tôn giáo ổn định, lâu dài. Thực hiện hiệu quả hơn quá trình bình thường hóa hoạt động của đạo Tin Lành và củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng tôn giáo mới. Nâng cao vai trò của đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trong việc duy trì tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét